Huy động hiệu quả các nguồn lực phát triển giao thông

Giao thông - Đô thị - Ngày đăng : 06:32, 02/03/2016

Những năm qua, nhiều công trình, dự án giao thông được đầu tư, xây dựng từ nguồn vốn ngoài ngân sách đã và đang góp phần quan trọng phát triển hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh.



Sau hơn một năm đưa vào vận hành, hoạt động của Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới 3402D đã đi vào nền nếp

Hoạt động từ ngày 1-3-2015, đến nay, Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới 3402D tại Văn An (Chí Linh) đã kiểm định 7.371 lượt ô tô, trong đó có 6.454 xe đạt tiêu chuẩn. Đây là trung tâm đăng kiểm do Công ty TNHH Bình Minh EPC đầu tư xây dựng toàn bộ cơ sở vật chất với tổng vốn trên 20 tỷ đồng. Trung tâm đi vào hoạt động đã san sẻ gánh nặng với trung tâm đăng kiểm trực thuộc Sở Giao thông vận tải tại TP Hải Dương, tạo điều kiện thuận tiện cho các chủ phương tiện, lái xe tại địa bàn thị xã Chí Linh và các địa phương lân cận đến đăng kiểm. Nhiều người ở các tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang, Quảng Ninh khi biết trung tâm đi vào hoạt động cũng mang xe đến đăng kiểm. Anh Phạm Văn Minh ở huyện Tiên Du (Bắc Ninh) cho biết: “Đây là lần thứ 2 tôi đưa xe đến đây đăng kiểm. Đi từ nhà tôi đến đây gần hơn 5 km so với đến trung tâm đăng kiểm ở TP Bắc Ninh. Dây chuyền hiện đại, các nhân viên, đăng kiểm viên hướng dẫn nhiệt tình, chu đáo, thân thiện nên tôi sẽ tiếp tục đăng kiểm tại đây”.
Mặc dù doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhưng các quy định về đăng kiểm tại trung tâm này đều được tuân thủ nghiêm ngặt, chặt chẽ. Toàn bộ quy trình kỹ thuật kiểm định đều do lãnh đạo và nhân viên kiểm định được Sở Giao thông vận tải điều động thực hiện nên bảo đảm chất lượng.

Sau gần một năm hoạt động, thông qua công tác kiểm định, đến nay, Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới 3402D đã thu được trên 17 tỷ đồng phí bảo trì đường bộ nộp ngân sách nhà nước. Hiện mỗi ngày trung tâm thực hiện đăng kiểm 30 ô tô, tăng 20 xe so với thời gian đầu.

Trong những năm qua, trên địa bàn tỉnh có nhiều dự án giao thông huy động vốn ngoài ngân sách để xây dựng, thực hiện theo nhiều hình thức khác nhau. Tiêu biểu như các dự án thực hiện theo hình thức hợp đồng xây dựng - chuyển giao (BT): đường Tuệ Tĩnh kéo dài với tổng mức đầu tư 45 tỷ đồng, thực hiện từ năm 2009 và hoàn thành năm 2014; đường 62 m kéo dài (giai đoạn 2) với tổng mức đầu tư 271 tỷ đồng, thực hiện từ năm 2013 và dự kiến hoàn thành trong năm 2017. Thực hiện đề án xây dựng và phát triển giao thông nông thôn (GTNT) giai đoạn 2011-2015, tỉnh cũng đã huy động và kết hợp nguồn lực của Nhà nước và nhân dân tham gia đầu tư xây dựng GTNT. Đề án đã khơi dậy và đẩy mạnh phong trào phát triển GTNT tại các địa phương, được các cấp chính quyền và nhân dân tích cực tham gia như nhân dân tự giải phóng mặt bằng, hiến đất xây dựng, địa phương tham gia xây dựng mở rộng nền đường, xây dựng hệ thống thoát nước. Giai đoạn 2011-2015 toàn tỉnh đã cải tạo, nâng cấp được trên 3.049 km đường GTNT với kinh phí đầu tư 3.049 tỷ đồng, trong đó nhân dân đóng góp khoảng 2.600 tỷ đồng (85%). Ông Lê Anh Tuấn, Trưởng phòng Kế hoạch - Tài chính (Sở Giao thông vận tải) đánh giá: “Chủ trương huy động nguồn vốn ngoài ngân sách để xây dựng hạ tầng giao thông tạo ra cơ chế chủ động để các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp tham gia đầu tư nhằm đáp ứng cho nhu cầu phát triển giao thông cũng như hiệu quả và lợi ích của từng địa phương; qua đó góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, giảm gánh nặng ngân sách nhà nước. Thời gian qua, các cơ quan chức năng đã chủ động rà soát, kiểm tra để xây dựng danh mục các dự án kêu gọi đầu tư, báo cáo UBND tỉnh công bố công khai để các doanh nghiệp tìm hiểu thông tin tham gia đầu tư. Các doanh nghiệp đều được hướng dẫn, cung cấp thông tin liên quan để xây dựng phương án đầu tư nhằm vừa bảo đảm mục đích của doanh nghiệp, vừa quản lý chặt chẽ theo các quy định của Nhà nước, phù hợp quy hoạch được duyệt”.



Dự án đường 62 m kéo dài (giai đoạn 2) có tổng vốn đầu tư 271 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành trong năm 2017


Theo Sở Giao thông vận tải, trên cơ sở các cơ chế đang dần hoàn thiện, thời gian tới, một số dự án đang được xem xét để báo cáo cấp có thẩm quyền cho thực hiện theo hình thức BT, BOT, BOO. Nhằm kết hợp phát triển đô thị về phía bắc TP Hải Dương, dự án đường đầu cầu Hàn nối quốc lộ 37 đang được nghiên cứu thực hiện theo hình thức BT. Đây là dự án nhằm kết nối liên khu giữa khu vực trung tâm TP Hải Dương qua sông Thái Bình với khu vực phía bắc cũng như chỉnh tuyến quốc lộ 37 nhằm tổ chức giao thông mạch lạc, rút ngắn hành trình. Dự án cải tạo nâng cấp cầu Cậy và tỉnh lộ 394 đã được tỉnh định hướng nghiên cứu thực hiện theo hình thức BOT để lựa chọn nhà đầu tư thực hiện. Dự án nhằm khẩn trương giải quyết tình trạng ùn ứ, ách tắc giao thông do lượng xe lưu thông trên tuyến ngày càng tăng nhanh trong khi cầu Cậy đã xuống cấp.  Ngoài ra, các bến xe khách, trung tâm đăng kiểm trên địa bàn các huyện, thành phố, thị xã đang được cơ quan chức năng hoàn thiện quy hoạch chi tiết để mời gọi các nhà đầu tư xây dựng.

Trong lúc khó khăn về nguồn ngân sách, nhu cầu vận tải ngày càng tăng và tình hình an toàn giao thông phức tạp, việc huy động các nguồn lực đã và đang có tác dụng hiệu quả, thiết thực để từng bước hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông. Chủ trương trên góp phần quan trọng giải quyết các nhu cầu cấp thiết về vận tải, tạo công ăn việc làm, lợi ích cho các doanh nghiệp và người lao động; đồng thời, nâng cao nhận thức của các cấp chính quyền, nhân dân đối với vai trò quan trọng của hạ tầng giao thông trong phát triển kinh tế - xã hội.

HOÀNG BIÊN