Chủ động ứng phó với thời tiết cực đoan

Bạn đọc viết - Ngày đăng : 06:29, 23/03/2016

Thời gian qua, El Nino đã gây ra những diễn biến thời tiết khó lường, trái với quy luật thường thấy trong nhiều năm qua.



Thời tiết cực đoan vào cuối tháng 1-2016 đã làm nhiều loại cá bị chết rét, gây thiệt hại lớn cho người dân


Nóng thì nóng hơn, rét thì rét hơn và mưa cục bộ cũng càng nhiều hơn khiến cho sản xuất nông nghiệp của tỉnh ta gặp nhiều khó khăn. Cơn bão số 1 vào tháng 6-2015, Hải Dương có gần 950 ha mạ, hơn 4.500 ha lúa mới cấy, gần 3.000 ha rau màu và 550 ha cây ăn quả bị thiệt hại. Khi cả tỉnh vẫn đang gồng mình khắc phục thiệt hại do bão số 1 gây ra thì đợt mưa lớn vào đầu tháng 8-2015 cũng khiến gần 2.500 ha lúa mùa và 1.300 ha rau màu tập trung ở các huyện Kim Thành, Kinh Môn, thị xã Chí Linh bị ảnh hưởng. Sau đó, vào nửa cuối tháng 8-2015, mặc dù đã Lập thu nhưng các khu vực trong tỉnh lại phải trải qua đợt nắng nóng kéo dài tới 14 ngày với nền nhiệt trung bình trên 36 độ C. Nắng nóng đã ảnh hưởng xấu tới khả năng thụ phấn của lúa, dẫn đến tỷ lệ lép hạt cao…

Gần đây nhất, đợt rét hại, rét cực hại với trị số nhiệt độ thấp kỷ lục trong vòng 30 năm trở lại đây vào cuối tháng 1 năm nay cũng làm cho 232,8 ha mạ, 240 ha lúa mới cấy bị táp lá, sinh trưởng chậm; 495 ha hành, tỏi bị ngập úng, sụt giảm năng suất từ 30% trở lên; 65 ha thủy sản chịu rét kém như chim trắng, rô đồng, rô phi, tôm bị chết rải rác.

Năm nay được tiếp tục dự đoán là khó khăn đối với sản xuất nông nghiệp bởi sau nỗi lo El Nino kéo dài đến hết mùa xuân sẽ là La Nina. Đây là hiện tượng thời tiết cực đoan trái ngược với El Nino và thường xuất hiện sau khi El Nino suy yếu. Nếu như El Nino làm cho nhiệt độ tăng bất thường, gây hạn hán thì La Nina xuất hiện sẽ kèm theo mưa lớn, bão lũ cường độ mạnh. Để sẵn sàng ứng phó với những hình thái thời tiết cực đoan, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh đã yêu cầu các địa phương khẩn trương xây dựng phương án ứng phó với thiên tai sớm hơn so với kế hoạch nhiều năm. Kế hoạch tu bổ đê điều, thuỷ lợi nội đồng bảo đảm thời gian, chất lượng công trình. Công tác quản lý đê điều cần được thực hiện có hiệu quả trên cả 3 mặt là tuyên truyền, giáo dục pháp luật; quản lý kỹ thuật công trình và phát hiện, xử lý kịp thời các vi phạm đê điều. Việc chuẩn bị vật tư, phương tiện phòng chống thiên tai phải phù hợp với điều kiện cụ thể của từng địa phương, tránh gây lãng phí. Các lực lượng chuyên trách phải được tập huấn theo chức năng, nhiệm vụ, sẵn sàng ứng cứu khi sự cố xảy ra. Ngoài ra, việc thực hiện chuyển đổi cơ cấu sản xuất, mùa vụ hợp lý cũng là phương án cần được tính đến, nhất là ở những khu vực thường xuyên xảy ra hạn hán hoặc ngập úng. Bên cạnh đó, công tác dự báo, cảnh báo phải được tăng cường để không chỉ lực lượng chức năng mà chính người dân cũng có thể chủ động phòng chống thiên tai. Các huyện, thành phố, thị xã tùy thuộc vào đặc thù riêng để xây dựng phương án phòng chống thiên tai phù hợp, hiệu quả. Thực hiện lồng ghép nội dung phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương. Thường xuyên kiểm tra, xác định các vị trí xung yếu, khu vực nguy hiểm, không bảo đảm an toàn để kịp thời phát hiện, khắc phục sự cố; cần tổ chức các lớp tập huấn kiến thức phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn... Chỉ có như vậy mới hạn chế tối đa được thiệt hại do thiên tai gây ra.

DŨNG CƯỜNG(Thanh Hà)