Cán bộ xã sử dụng bằng giả

Hồ sơ phá án - Ngày đăng : 07:23, 24/03/2016

Phó Chủ tịch UBND xã Thái Học mượn bằng tốt nghiệp bổ túc văn hóa trung học của người khác rồi tẩy xóa, viết tên mình vào...



Mượn bằng tốt nghiệp bổ túc văn hóa trung học (hệ bồi dưỡng) của bạn học cùng xã rồi tẩy xóa, viết tên mình vào, ông Lê Huy Chơi (sinh năm 1962) ở thôn Sồi Tó, xã Thái Học (Bình Giang) đang là Đảng ủy viên, Phó Chủ tịch UBND xã Thái Học đã sử dụng chiếc bằng giả này để theo học nhiều lớp.

Nhiều khuất tất

Ông Phạm Ngọc Mạnh, Bí thư Đảng ủy xã Thái Học cho biết từ năm 2003-2005, xã Thái Học có 5 cán bộ đi học lớp trung cấp nông nghiệp của Trường Trung học Nông nghiệp Hải Dương (nay là Trường Cao đẳng Hải Dương) mở tại huyện Bình Giang. Ngoài ông và ông Lê Huy Chơi còn có các ông: Phạm Đình Mạch, hiện là Chủ tịch UBND xã; Đinh Trọng Sách, Chủ tịch HĐND xã và Nhữ Đình Trang, nguyên Bí thư Đảng ủy xã. Sau khi học xong, ông Chơi và ông Sách không được cấp bằng tốt nghiệp

Làm việc với chúng tôi, ông Lê Huy Chơi cho rằng có sự nhầm lẫn nào đó nên nhà trường mới không cấp bằng chứ bằng tốt nghiệp bổ túc văn hóa trung học (hệ bồi dưỡng) đã được ông nộp khi làm hồ sơ nhập học. Sau đó khi làm đơn lên UBND huyện Bình Giang và huyện có công văn gửi Trường Trung học Nông nghiệp Hải Dương, đến tháng 9-2006, ông đã được cấp bằng.

Ông Phạm Ngọc Mạnh cho biết do đặc thù lớp học khi đó đa số là cán bộ cấp xã, người đã tốt nghiệp hệ 10/10, người lại đang theo học các lớp bổ túc để lấy bằng nên nhà trường tạo điều kiện cho một số học viên được "nợ" bằng tốt nghiệp THPT hoặc tương đương, đồng thời yêu cầu trong thời gian học tại trường phải hoàn thiện chương trình văn hóa để lấy bằng trình nhà trường trước khi nhà trường phát bằng tốt nghiệp. Ông Mạnh không biết ông Chơi có bằng tốt nghiệp bổ túc văn hóa trung học hay không nhưng ngày Trường Trung học Nông nghiệp Hải Dương tổ chức phát bằng, trong số 5 cán bộ xã đi học chỉ có 3 người được nhận bằng còn ông Lê Huy Chơi, Đinh Trọng Sách không được cấp vì không trình được bằng tốt nghiệp bổ túc văn hóa trung học.

Ông Sách cũng thừa nhận ngoài những người có bằng tốt nghiệp cấp 3 (hệ 10/10) như các ông Phạm Ngọc Mạnh, Phạm Đình Mạch thì ông Nhữ Đình Trang chỉ có bằng tốt nghiệp bổ túc văn hóa trung học (hệ bồi dưỡng) cũng được cấp bằng trung cấp nông nghiệp. Riêng ông và ông Chơi không được cấp bằng vì khi đó chỉ có giấy chứng nhận học hết chương trình bổ túc văn hóa trung học (hệ bồi dưỡng). Tuy nhiên, 1 năm sau, ông Chơi trình được bằng tốt nghiệp bổ túc văn hóa trung học (hệ bồi dưỡng) nào đó để lấy bằng trung cấp nông nghiệp thì ông không rõ.

Chiếc bằng giả tinh vi

Chúng tôi đã gặp ông Đỗ Văn San (sinh năm 1951) ở thôn Phú Khê, xã Thái Học - người học cùng lớp bổ túc với ông Chơi năm 1986. "Khoảng năm 2000 gì đó, ông Chơi đến nhà tôi chơi rồi hỏi mượn bằng và tôi cho ông ấy luôn vì tôi không sử dụng gì đến bằng. Tôi còn nhớ ông ấy biếu tôi vài trăm nghìn đồng nhưng tôi không lấy. Sau đó, ông Chơi có đưa cho tôi vài chục nghìn mua chè để uống", ông San nhớ lại.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, thực hiện Chỉ thị số 35-CT ngày 10-10-1974 của Bộ Giáo dục nhằm chuẩn hóa đội ngũ cán bộ đã đứng tuổi (từ 35 tuổi trở lên), khoảng cuối năm 1986, Sở Giáo dục Hải Hưng (cũ) có mở một số lớp học bổ túc ngắn hạn tại các huyện để bồi dưỡng kiến thức cho số cán bộ chủ yếu đang công tác tại các xã, thôn. Do không đủ điều kiện tốt nghiệp nên ông Chơi và một số người khác không được cấp bằng mà chỉ được cấp giấy chứng nhận học hết chương trình bổ túc văn hóa trung học (hệ bồi dưỡng).

Ông Đặng Dương Bình, Phó Trưởng Phòng Giáo dục chuyên nghiệp và Giáo dục thường xuyên, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh cho biết do đây không phải hệ chính quy nên sở không tổ chức lưu trữ. Những người đủ điều kiện sẽ được cấp bằng, số còn lại chỉ được cấp giấy chứng nhận đã học hết chương trình bổ túc văn hóa trung học. Ngày cấp bằng và ngày giấy chứng nhận sẽ được ghi cùng một ngày. Tuy nhiên, cùng ngày 1-5-1987, ông Lê Huy Chơi được cấp cả giấy chứng nhận và bằng tốt nghiệp. Điều này càng có cơ sở khẳng định rằng bằng tốt nghiệp bổ túc văn hóa trung học (hệ bồi dưỡng) của ông Lê Huy Chơi là giả bởi tại công văn mới đây của Công an tỉnh Hải Dương thông báo kết luận giám định của Viện Khoa học hình sự (Bộ Công an) cho rằng có cơ sở kết luận bằng tốt nghiệp của ông Lê Huy Chơi đang sở hữu đã bị tẩy xóa sau đó viết tên, ngày, tháng năm sinh ông Chơi lên đó.

Mặc dù ông Lê Huy Chơi chưa thừa nhận hành vi sử dụng bằng giả của mình nhưng qua xác minh của chúng tôi và kết luận của cơ quan công an cho thấy có đủ căn cứ để khẳng định ông Lê Huy Chơi đã sử dụng chiếc bằng bổ túc văn hóa trung học (hệ bồi dưỡng) của ông Đỗ Văn San rồi tẩy xóa, viết tên mình vào để theo học các lớp trung cấp nông nghiệp tại Trường Trung học Nông nghiệp Hải Dương khóa học 2003-2005 và lớp trung cấp chính trị của Trường Chính trị tỉnh Hải Dương khóa 2002-2005.

PHƯƠNG LINH