Xu hướng giáo dục mở, linh hoạt, liên thông

Bạn đọc viết - Ngày đăng : 15:12, 05/04/2016

Học sinh, sinh viên sẽ có nhiều cơ hội trong việc xác định hướng đi và lựa chọn nghề nghiệp, giải tỏa được sự bế tắc trong tư duy chạy theo bằng cấp...


Nền giáo dục Việt Nam trong nhiều năm qua thực hiện theo cấu trúc 12 năm đã phát huy được những tác dụng nhất định trong đào tạo thế hệ trẻ thành những công dân có ích cho xã hội, phục vụ đắc lực sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Tuy nhiên, trong quá trình hội nhập quốc tế, nền giáo dục nước ta đã bộc lộ nhiều hạn chế so với các nước trong khu vực và thế giới. Học sinh bị thụ động trong việc tiếp thu, chỉ chú trọng ghi chép và rèn luyện trí nhớ để thuộc lòng, đáp ứng yêu cầu kiểm tra, thi cử. Nền giáo dục nước nhà chưa chú trọng các kỹ năng thực hành, kỹ năng sống, đặc biệt là sự hình thành phương pháp tư duy khoa học, tính năng động, sáng tạo cho học sinh trong quá trình học tập. Mối quan hệ giữa nhà trường và thực tiễn cuộc sống không được gắn bó chặt chẽ. Hậu quả là học sinh tốt nghiệp phổ thông phải tìm mọi cách để vào các trường cao đẳng, đại học, sinh viên khi tốt nghiệp thì không tìm kiếm được việc làm phù hợp. Do đó, tình trạng thất nghiệp ở nước ta diễn ra khá phổ biến.

Trước thực trạng trên, để thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 29 của Ban Chấp hành Trung ương Ðảng khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, Thủ tướng Chính phủ - Chủ tịch Ủy ban Quốc gia đổi mới giáo dục và đào tạo đã chỉ đạo cần xây dựng hệ thống giáo dục quốc dân phù hợp theo hướng mở, linh hoạt, liên thông làm cơ sở triển khai các nội dung đổi mới khác đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế và xây dựng xã hội học tập. Vừa qua Bộ Giáo dục và Ðào tạo đã đề xuất với Thủ tướng Chính phủ xây dựng hệ thống giáo dục quốc dân gồm 5 bậc học: Giáo dục mầm non; giáo dục phổ thông; giáo dục nghề nghiệp; giáo dục bậc cao và giáo dục thường xuyên học tập suốt đời. Trong đó, giữ nguyên hệ thống giáo dục mầm non, giáo dục tiểu học 5 năm, giáo dục THCS 4 năm và THPT 3 năm. Cái mới ở đây là bậc THPT sẽ phân thành 3 luồng: định hướng chung có tính hàn lâm khoa học như hiện nay; định hướng kỹ thuật công nghệ; định hướng năng khiếu (nghệ thuật múa, hát, hài kịch, thể dục, thể thao...). Bậc giáo dục nghề nghiệp được hình thành theo 3 cấp: sơ cấp, trung cấp và cao đẳng, thống nhất về tên gọi, tiêu chí đầu vào, đầu ra. Hệ cao đẳng sẽ đưa xuống bậc giáo dục nghề nghiệp chứ không tồn tại trong hệ đại học như lâu nay. Bậc giáo dục bậc cao gồm các hệ: đại học, thạc sĩ, tiến sĩ. Trong đó, hệ đại học từ 3 - 4 năm, được phân thành 3 luồng: định hướng nghiên cứu, định hướng ứng dụng, định hướng thực hành. Hệ thạc sĩ từ 1 - 2 năm, gồm 2 luồng: định hướng nghiên cứu và định hướng ứng dụng. Bậc giáo dục thường xuyên và học tập suốt đời được đổi mới theo hướng trên một địa bàn huyện, tỉnh chỉ xây dựng một trung tâm đảm nhận nhiều chức năng trên cơ sở hợp nhất các trung tâm: dạy nghề, giáo dục thường xuyên và kỹ thuật tổng hợp - hướng nghiệp.

Thủ tướng Chính phủ cũng đồng ý chủ trương đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông theo hướng tách chương trình với sách giáo khoa, thực hiện chủ trương một chương trình nhiều sách giáo khoa. Ðồng thời đổi mới các kỳ thi theo hướng một kỳ thi quốc gia đáp ứng hai yêu cầu sử dụng kết quả thi để xét công nhận tốt nghiệp THPT và là cơ sở tin cậy để các trường trung học chuyên nghiệp, dạy nghề, cao đẳng, đại học xét duyệt vào học với phương châm tự chủ tuyển sinh theo quy định của Luật Giáo dục đại học.

Có thể khẳng định rằng việc đổi mới trên là vô cùng cần thiết vì nó phù hợp với quy luật phát triển của xã hội, tiếp cận được thành tựu của các nước tiên tiến, đồng thời sẽ góp phần quan trọng vào sự phát triển năng lực của bản thân người học, là mục tiêu cốt lõi của sự đổi mới giáo dục và đào tạo. Học sinh, sinh viên sẽ có nhiều cơ hội trong việc xác định hướng đi và lựa chọn nghề nghiệp, giải tỏa được sự bế tắc trong tư duy chạy theo bằng cấp trên cơ sở xác định đúng năng lực của bản thân, điều kiện của gia đình và xu hướng phát triển của xã hội.

PHẠM NGUYÊN THẢO(TP Hải Dương)