Người dân Hồng Phong lo lắng vì khói lò gạch

Hồ sơ phá án - Ngày đăng : 07:24, 14/04/2016

6 lò gạch liên tục kiểu đứng ở khu đất bãi ven sông Luộc thuộc xã Hồng Phong (Ninh Giang), vẫn tiếp tục nhả khói.



6 lò gạch liên tục kiểu đứng ở xã Hồng Phong vẫn hoạt động bất chấp lệnh cấm

Bất chấp lệnh cấm của UBND tỉnh, 6 lò gạch liên tục kiểu đứng ở khu đất bãi ven sông Luộc thuộc xã Hồng Phong (Ninh Giang), vẫn tiếp tục nhả khói gây ảnh hưởng tới sức khỏe và sản xuất của người dân.

Nhà chị Nguyễn Thị Hóa ở thôn Quang Rực chỉ cách cặp lò gạch liên tục kiểu đứng của ông Bùi Văn Nam chưa đầy 500 m. Chị Hóa cho biết: Mỗi khi có gió quẩn, khói lò gạch bay vào trong làng, gia đình chị phải hứng chịu đầu tiên. Hơn 8 năm nay, chị cùng mọi người phải sống chung với khói của những lò gạch này. Khói, bụi từ các lò gạch khiến không khí ngột ngạt, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân. Nhà nào có người già, trẻ nhỏ đều không dám mở cửa. Số người mắc bệnh hô hấp trong làng ngày càng tăng. Không chỉ ảnh hưởng tới sức khỏe của người dân, khói lò gạch còn gây thiệt hại cho sản xuất nông nghiệp của địa phương. Bà Nguyễn Thị Thanh cũng ở thôn Quang Rực lo ngại: "Cây trồng ven đê đều bị táp lá, không ra hoa. Nếu lò gạch tiếp tục hoạt động, chúng tôi sẽ thất thu vì cây trồng không năng suất".

Theo ông Nguyễn Quốc Thị, Chủ tịch UBND xã Hồng Phong, các lò gạch nằm trên địa bàn xã hoạt động từ năm 2008 đã góp phần giải quyết việc làm cho lao động địa phương, khai thác được diện tích đất nông nghiệp canh tác không hiệu quả. Nhiều hộ sau khi bán đất cho chủ lò đã cải tạo  ruộng, nuôi thủy sản, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Từ khi có quyết định của UBND tỉnh và chỉ đạo của UBND huyện về việc dừng lò gạch thủ công, UBND xã đã 4 lần tới đôn đốc, yêu cầu chủ lò gạch cam kết dừng hoạt động. Tuy nhiên, các chủ lò đưa ra nhiều lý do để trì hoãn. Đến nay, cả 6 lò vẫn  hoạt động.
Ông Bùi Văn May, một chủ lò gạch ở đây thừa nhận khói lò gạch có ảnh hưởng tới người dân nhưng ông này cho rằng mức độ ảnh hưởng không lớn vì lò nằm ngoài bãi sông, cách xa khu dân cư từ 500 - 700 m. Chỉ hôm nào gió quẩn, mưa phùn, khói không bốc lên được mới tràn vào làng. "Từ năm 2007, UBND huyện chấp thuận cho một số hộ dân xây dựng lò gạch liên tục kiểu đứng tại vùng đất bãi Đống Giàng, thời hạn thuê đất là 20 năm. Tổng vốn đầu tư xây dựng 1 lò gạch gần 5 tỷ đồng. Những năm gần đây, gạch tiêu thụ chậm khiến việc thu hồi vốn của chúng tôi gặp khó khăn. Năm 2011, UBND tỉnh gia hạn cho các lò gạch thủ công hoạt động đến hết năm 2015. Nếu thực hiện đúng lộ trình của UBND tỉnh sẽ rất bất lợi cho chúng tôi vì giá thuê đất cao, vốn đầu tư lớn và vốn vay còn tồn đọng nhiều. Vì vậy, chúng tôi mong muốn tiếp tục được hoạt động sản xuất đến hết năm 2017 để thu hồi vốn vay và xây dựng phương án mới trong sản xuất, kinh doanh", ông May đề nghị.

Theo ông Hà Minh Quang, Trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Ninh Giang, ngay khi có quyết định của UBND tỉnh về việc chấm dứt hoạt động của các lò gạch thủ công, huyện đã thành lập ban chỉ đạo thực hiện quyết định và tổ công tác kiểm tra, rà soát các lò gạch thủ công trên địa bàn, gửi công văn yêu cầu các chủ lò ngừng hoạt động. Tuy nhiên, chủ lò vẫn không thực hiện đúng theo quy định với lý do xử lý nốt gạch mộc. Thời gian tới, huyện sẽ tăng cường kiểm tra yêu cầu các chủ lò chấp hành nghiêm theo quyết định của UBND tỉnh.

6 lò gạch liên tục kiểu đứng ở xã Hồng Phong tiếp tục hoạt động sau ngày 1-1-2016 đã vi phạm Quyết định 661/QĐ-UBND ngày 15-3-2011 của UBND tỉnh về việc phê duyệt lộ trình chuyển đổi công nghệ sản xuất gạch sét nung giai đoạn 2011-2015. Đề nghị UBND huyện Ninh Giang có biện pháp  xử lý kiên quyết, yêu cầu các chủ lò gạch dừng hoạt động để không ảnh hưởng tới đời sống và sản xuất của người dân địa phương.

PV