Để làng nghề vươn ra biển lớn

Nông nghiệp - Nông thôn - Ngày đăng : 10:21, 17/04/2016

Hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng đã và đang khiến nhiều làng nghề trong tỉnh phải thay đổi để tìm cơ hội phát triển.




Nhờ giữ được sự độc đáo và tinh xảo nên sản phẩm của làng nghề thêu
Xuân Nẻo đã được xuất bán sang nhiều nước. Ảnh: LA


Gìn giữ tinh hoa

Nhìn những bức tranh thêu phong cảnh yên bình của làng quê Việt Nam với cánh đồng lúa chín thẳng cánh cò bay, làng quê thấp thoáng sau lũy tre xanh mướt, bà Nguyễn Thị Hoan, chủ hiệu tranh thêu Hoan Tứ, xã Hưng Đạo (Tứ Kỳ) chia sẻ với chúng tôi về nghề thêu Xuân Nẻo: “Nghề thêu ở Xuân Nẻo tưởng như chết dần, chết mòn bởi một thời người dân trong nước không còn mấy ai thiết tha với sản phẩm thêu ren. Nhiều người bỏ nghề làm việc khác. Vậy mà vượt qua khó khăn, nghề thêu quê tôi nay đã hồi sinh".

Cho rằng sản phẩm thêu Xuân Nẻo muốn bán được cho khách nước ngoài với giá cao phải đạt đến độ tinh tế, nhất là giữ được nét riêng trong từng sản phẩm, những người làng nghề đã nỗ lực hết mình. Và quả vậy, nhờ giữ được nét tinh hoa của sản phẩm mà sản phẩm tranh thêu Xuân Nẻo đã tìm được chỗ đứng tại thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc. Chị Đoàn Thị Lan đã có gần 20 năm làm nghề thêu cho biết: “Hội nhập chắc chắn sẽ khiến sản phẩm thêu Xuân Nẻo phải cạnh tranh với sản phẩm đến từ nhiều nước khác. Tuy nhiên, qua mỗi đường kim mũi chỉ chúng tôi đều thể hiện tính sáng tạo độc đáo, khác hẳn những sản phẩm làm ra hàng loạt bởi máy móc công nghiệp như sản phẩm của Trung Quốc, Thái Lan. Chúng tôi tin sản phẩm của mình vẫn được khách hàng ưa thích”.

Giữ bản sắc, nét riêng của sản phẩm cũng là cách làm của nhiều người thợ làng nghề mộc ở Đông Giao, xã Lương Điền (Cẩm Giàng). Mấy năm gần đây, nghề mộc Đông Giao không đủ sức cạnh tranh với sản phẩm giá rẻ của Trung Quốc nên thị trường xuất khẩu bị thu hẹp. Hội nhập sẽ khiến nghề mộc nơi đây thêm khó khăn. Bởi khi thị trường Việt Nam mở cửa, ngay ở thị trường trong nước, các sản phẩm mộc Đông Giao cũng sẽ bị cạnh tranh bởi các sản phẩm mộc đến từ Đài Loan, Hàn Quốc... Do đó, ngay thời điểm này những người làm nghề đã chú trọng hơn đến chất lượng và mẫu mã sản phẩm. Nghệ nhân Nguyễn Văn Mão, một trong những người gắn bó với nghề mộc lâu năm của làng lạc quan: “Để hội nhập, người làm nghề chúng tôi đã xác định phải làm thế nào để sản phẩm mộc của làng có được nét riêng mà sản phẩm của nơi khác không có được. Làm ít nhưng tinh xảo còn hơn làm nhiều”. Anh Nguyễn Văn Điệp, chủ một doanh nghiệp tư nhân chuyên sản xuất đồ gỗ nội thất của làng mộc Đông Giao cũng đồng tình với quan điểm của ông Mão: “Mộc Đông Giao có thương hiệu và có nét tinh tế riêng nên chúng tôi phải lấy đó làm sức mạnh để cạnh tranh”.

Nâng cao khả năng thích ứng


Hội nhập là cơ hội lớn để hàng hóa của các làng nghề trong cả nước nói chung và Hải Dương nói riêng mở rộng thị trường tiêu thụ. Nhưng hội nhập thế nào để làng nghề không thua thiệt đang là bài toán lớn mà bản thân các làng nghề cũng như các cơ quan chức năng của tỉnh cần tìm lời giải. Ông Vũ Công, Trưởng Phòng Tổng hợp (Sở Công thương) cho biết: Các sản phẩm làng nghề mẫu mã còn đơn điệu, công nghệ lạc hậu, chất lượng không đồng đều. Làng nghề mới chỉ biết bán những sản phẩm hàng hóa mà làng nghề có, chưa nghiên cứu sâu nhu cầu của người tiêu dùng. Ngay ở thị trường trong nước, làng nghề cũng chưa vươn tới nhiều vùng. Với thị trường nước ngoài, việc tiếp thị, giới thiệu sản phẩm còn kém, chưa gắn kết được các khâu từ thiết kế mẫu mã, cung ứng nguyên phụ liệu đến sản xuất và tiêu thụ... Đó là những hạn chế mà các làng nghề trong tỉnh cần khắc phục để hội nhập. "Hải Dương có thế mạnh sản xuất các sản phẩm rau quả chế biến, đồ gỗ và hàng thủ công mỹ nghệ vì có nguồn nguyên liệu dồi dào, sẵn lao động có tay nghề. Đây là những sản phẩm mà thị trường các nước tham gia Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP), Cộng đồng ASEAN (AEC) đang có nhu cầu lớn. Tuy nhiên, các làng nghề trong tỉnh muốn làm ăn lâu dài với các đối tác này buộc phải tuân thủ những quy định khắt khe”, ông Công khẳng định.



Nâng cao tay nghề cho người lao động là việc cần làm để các làng nghề hội nhập


Để sẵn sàng hội nhập, các làng nghề trong tỉnh hiện nay đang rất cần sự tiếp sức của các cơ quan chức năng trong tỉnh mà trước hết là nâng cao tay nghề cho người lao động. Theo thống kê sơ bộ của Sở Công thương, hiện nay, toàn tỉnh có 116.000 lao động tiểu thủ công nghiệp. Tuy nhiên, số lao động được đào tạo bài bản còn quá ít. Đến năm 2020, dự kiến có 90 làng nghề được công nhận, đáp ứng các điều kiện về môi trường và có từ 130.000 - 140.000 lao động làm việc trong lĩnh vực tiểu thủ công nghiệp. “Mình nghĩ là đẹp nhưng khách hàng lại không thích và ngược lại. Muốn có mẫu mã đẹp, sản phẩm đa dạng, thợ làm nghề phải được đào tạo về thiết kế, đặc biệt là được tham gia những lớp tập huấn của các chuyên gia nước ngoài”, anh Nguyễn Văn Huy, thợ làm giày da ở làng nghề Trúc Lâm, xã Hoàng Diệu (Gia Lộc) nói. Bên cạnh đó, để giúp sản phẩm làng nghề tăng sức cạnh tranh tại thị trường trong nước và chinh phục được những thị trường mới đòi hỏi ngành công thương cần quan tâm đầu tư, xúc tiến thương mại cho sản phẩm của các làng nghề; giúp các hộ sản xuất ở làng nghề nắm vững thông tin thị trường, luật lệ quốc tế để có hướng sản xuất, kinh doanh phù hợp. Việc bảo vệ môi trường làng nghề cần nhanh chóng thực hiện bởi đây là một trong những tiêu chí quan trọng khi hàng hóa của các làng nghề trong tỉnh có thể được các bạn hàng chấp nhận, nhất là các thị trường Mỹ, Nhật Bản và EU. Tỉnh cũng cần lựa chọn từng ngành nghề, nhóm hàng có thế mạnh để tập trung đầu tư phát triển. Các làng nghề cũng cần được hỗ trợ về vốn, mặt bằng, đổi mới công nghệ, xây dựng thương hiệu sản phẩm. Bản thân các làng nghề cần chú trọng việc truyền nghề từ các nghệ nhân cho người lao động. Có như vậy, các làng nghề trong tỉnh mới đủ sức để vươn ra các thị trường rộng lớn hơn.Nếu không quan tâm đến yếu tố này, các sản phẩm làng nghề sẽ đánh mất sự độc đáo, tinh xảo vốn là những đặc trưng riêng có của sản phẩm làng nghề Hải Dương mà khách hàng nước ngoài ưa chuộng…

LAN ANH