Wifi phủ sóng làng quê
Khoa học - Công nghệ - Ngày đăng : 11:20, 19/04/2016
Không chỉ dừng lại ở thành phố, wifi (hệ thống mạng không dây sử dụng sóng vô tuyến) đã thịnh hành ở làng quê, làm thay đổi đời sống văn hóa, tinh thần của người dân nơi đây.
Khách hàng sử dụng điện thoại kết nối mạng qua wifi để kiểm tra xuất xứ sản phẩm trước khi mua hàng
Khi biết chúng tôi tìm hiểu về wifi ở nông thôn, anh Phạm Văn An, Phó Chủ tịch UBND xã Hà Kỳ (Tứ Kỳ) vui vẻ cho biết: "Là xã vùng sâu, vùng xa của huyện nhưng đến nay đã có đến 40% số hộ dân ở Hà Kỳ lắp đặt đường truyền internet. Nhiều nhà còn lắp thiết bị wifi để phục vụ tốt hơn cho cuộc sống, công việc".
Để chứng minh điều vừa nói, anh An dẫn tôi đến nhà anh Nguyễn Văn Thịnh ở thôn Đại Hà. Gia đình anh Thịnh có internet được 1 năm nay và ngay sau đó đã lắp wifi phục vụ việc kinh doanh và giải trí. Anh Thịnh cho biết: "Nếu chỉ có đường truyền internet thì rất hạn chế nên tôi lắp thêm wifi. Từ ngày có mạng không dây, tôi đã bỏ hẳn đầu đĩa. Muốn xem ca nhạc, phim, hát karaoke, bóng đá... tôi chỉ cần dùng điện thoại vào những trang web mình thích, sau đó tải lên ti vi là có thể xem được. Hình ảnh, âm thanh đều rõ nét". Nhà anh Thịnh bán hàng tạp hóa, nhiều người đến mua hàng còn sử dụng wifi để vào mạng kiểm tra mã vạch trên từng món hàng, xem có đúng nhà sản xuất hay không. Có wifi, anh còn dùng điện thoại kết nối để cập nhật tin tức, tra cứu các thông tin cần thiết. Vợ anh tranh thủ vừa bán hàng vừa vào mạng để xem cách nấu nướng các món ăn. Từ đó, chị học được cách nấu nhiều món mới, góp phần cải thiện bữa ăn gia đình.
Thực tế, wifi không chỉ thỏa mãn nhu cầu vui chơi, giải trí, mà còn tạo thuận lợi cho việc cập nhật thông tin, tra cứu kiến thức của người dân. Đang dạy môn giáo dục quốc phòng và thể chất của Trường THPT Kim Thành II, cô giáo Dương Thị Sâm thường xuyên vào mạng đọc, tìm tài liệu liên quan đến bộ môn của mình để soạn giáo án, xây dựng đề kiểm tra cho phù hợp. Cô giáo Sâm cho biết: "Trước đây khi wifi chưa phát triển, nhà tôi đã lắp đặt đường truyền internet nhưng máy tính cố định một chỗ nên khá bất tiện. Còn hiện nay, nhờ lắp đặt wifi nên tôi có thể làm việc, tra cứu thông tin trên mạng, nghe bài hát, xem phim... ở bất cứ chỗ nào trong nhà".
Ông Nguyễn Thành Vạn, Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Ninh Giang nhận định internet về nông thôn đã tạo ra một cuộc cách mạng trong việc người dân tiếp cận thông tin. Đặc biệt, từ khi có wifi thì việc cập nhật, truy cập thông tin của người dân dễ dàng hơn. Wifi đã thay thế cho hệ thống dây dẫn chằng chịt như trước đây, vừa không tốn công lắp đặt lại dễ dàng sửa chữa. Có wifi, một gia đình có thể sử dụng nhiều thiết bị cùng một lúc. Đặc biệt là có thể di chuyển thiết bị mà vẫn vào mạng được.
Nâng cấp đường truyền
Ông Trần Tiến Chỉnh, Phó Giám đốc Viễn thông (VNPT) Hải Dương cho biết dịch vụ internet của VNPT đã có mặt ở tất cả các thôn trên địa bàn tỉnh. Trong đó có trên 71.000 thuê bao đang sử dụng nguồn cáp bằng đồng và 12.000 thuê bao sử dụng cáp quang. Tính ra số thuê bao internet sử dụng wifi xấp xỉ 70.000. Trên 80% số thiết bị wifi nằm ở khu vực nông thôn. Có sóng wifi, người dùng điện thoại, máy tính bảng, máy tính xách tay, ti vi tha hồ truy cập internet để học tập từ xa, xem phim, ca nhạc, sử dụng các tiện ích trên điện thoại như Facebook, Zalo, YouTube hay tra cứu, dịch thuật… giúp cho cuộc sống người dân nông thôn được nâng lên rõ rệt. Với chiến lược phát triển mới, VNPT đã quyết định đầu tư nâng cấp toàn bộ cáp đồng bằng cáp quang để chất lượng truyền dẫn cao hơn. Trong năm 2015, VNPT Hải Dương đã thay thế miễn phí hệ thống cáp quang cho 8.000 thuê bao. Năm 2016 này, VNPT Hải Dương sẽ thay cáp quang cho 40.000 thuê bao. Tính ra để mỗi thuê bao có đường truyền dẫn bằng cáp quang VNPT phải đầu tư khoảng 2,5 triệu đồng. Chỉ trong thời gian không xa, toàn bộ thuê bao internet ở các vùng nông thôn sẽ được sử dụng đường truyền bằng cáp quang với tốc độ nhanh, chất lượng cao cho các loại hình dịch vụ.
Trên địa bàn tỉnh hiện nay, ngoài VNPT còn có 2 nhà cung cấp dịch vụ internet là Viettel và FPT. Hai đơn vị này đã phát triển được gần 20.000 thuê bao. Với chiến lược tập trung cho thị trường nông thôn, các nhà mạng đang có những định hướng đầu tư mạnh mẽ, chiếm lĩnh thị phần lâu dài.
NGỌC TUẤN