Bệnh E.Coli trên vịt thương phẩm

Nông nghiệp - Nông thôn - Ngày đăng : 09:11, 25/05/2016

Bệnh E.Coli trên vịt thương phẩm là bệnh truyền nhiễm do nhóm vi khuẩn E.Coli độc lực mạnh gây ra. Bệnh lây lan nhanh và gây thiệt hại kinh tế.



Chuồng nuôi bẩn, thức ăn cho vịt không hợp lý sẽ tạo điều kiện cho khuẩn E.Coli phát triển và gây bệnh

Nguyên nhân

Thứ nhất, vi khuẩn E.Coli xâm nhập trực tiếp từ bên ngoài qua vết thương, đường hô hấp, tiêu hóa của vịt khỏe, sau đó đi thẳng vào máu gây nhiễm trùng máu làm cho vịt chết đột ngột mà chưa biểu hiện bệnh tích.

Thứ hai, vi khuẩn E.Coli thường trú tại ruột già của vịt khỏe mạnh, khi điều kiện môi trường chăm sóc, nuôi dưỡng không tốt, nhất là môi trường nước, thức ăn không hợp lý sẽ tạo điều kiện cho E.Coli phát triển và gây bệnh.

Triệu chứng

Triệu chứng điển hình sau thời gian ủ bệnh 1 - 5 ngày, với vịt 20 ngày tuổi là rụt cổ, lông xù xơ xác, mắt lim dim, phân loãng, nước màu trắng, có con biểu hiện động kinh quay tròn, ngoẹo cổ sang một bên, trước khi chết co giật, quay đầu sang một bên, ngoẹo cổ và xác chết không khô cứng.

Phân biệt với các bệnh sau:

- Bệnh trúng độc do thức ăn, hóa chất độc (thuốc sâu, thuốc diệt cỏ) xảy ra cùng trong thời gian với bệnh E.Coli thì vịt chết nhanh, nhiều và động kinh nặng, bị liệt màng mắt, gan sưng và đen toàn bộ, thận sưng và đi tiêu chảy nặng. Khi ngừng cho ăn hay chăn thả nơi nghi nhiễm độc thì vịt không chết nữa.

- Bệnh thương hàn ở vịt xảy ra cùng thời gian với bệnh E.Coli: Có triệu chứng giống bệnh E.Coli nhưng vịt kêu khan, ho về đêm, phân màu xanh trắng và bệnh tích ở manh tràng ruột già có chứa bã đậu.

- Bệnh dịch tả vịt: Vịt mắc bệnh đi tiêu chảy nặng và phân màu trắng xanh, nhạt, có mùi tanh và mắt vịt sưng phù.

- Bệnh tụ huyết trùng vịt: Vịt mắc bệnh có phân loãng màu nâu, vàng và đỏ nhạt. Bệnh tích phổi tụ máu tím đen.

Điều trị: Do vi khuẩn gây bệnh nên điều trị bằng kháng sinh là rất cần thiết, nhưng cần có những phác đồ hiệu quả. Dùng kháng sinh Ampicillin, Lancomycin, Kanamycin tiêm bắp hoặc dưới da cho vịt theo chỉ dẫn của nhà sản xuất. Thuốc bổ trợ là men tiêu hóa, thuốc điện giải, vitamin tổng hợp và vitamin C để tăng cường sức lực cho vịt và giúp vịt nhanh hồi phục.

Phòng bệnh: Nuôi đúng quy trình và tiêu chuẩn thì rất khó xảy ra bệnh trên đàn vịt thương phẩm. Úm vịt con không để nhiễm lạnh trong những ngày đầu, không cho ăn thức ăn tự nhiên quá sớm như tôm, tép, cá... thức ăn không ẩm mốc, dành cho đúng thời gian sinh trưởng của vịt. Chọn nhà sản xuất cám uy tín và chuồng nuôi thường xuyên tẩy uế, sát trùng chuồng trại bằng các thuốc sát trùng Hankon, Navetkon-S...

Bác sĩ thú y  NGUYỄN THỊ HỒNG HẢI (Trạm Khuyến nông huyện Nam Sách)