Những kinh nghiệm từ cuộc bầu cử thành công

Tin tức - Ngày đăng : 15:30, 25/05/2016

Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 đã thành công tốt đẹp.



Đồng chí Nguyễn Mạnh Hiển, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Chủ tịch Ủy ban Bầu cử tỉnh kiểm tra công tác bầu cử tại khu vực bỏ phiếu số 5, xã Thanh Xuân (Thanh Hà) ngày 22-5-2016

Đánh giá về cuộc bầu cử, đồng chí Nguyễn Mạnh Hiển, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Chủ tịch Ủy ban Bầu cử tỉnh cho biết:

 - Thành công đầu tiên phải nói đến ở cuộc bầu cử này là tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu khá cao, trung bình toàn tỉnh đạt 96,8%. Trong đó, TP Hải Dương đạt 98,5%; các huyện Gia Lộc, Tứ Kỳ, Kim Thành, thị xã Chí Linh...đều đạt 97%. Có trên 200 tổ bầu cử tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu đạt 100%.  Một số địa bàn được tỉnh xác định là có vấn đề nổi cộm, Ủy ban Bầu cử địa phương và các cấp, các ngành chức năng đã tập trung đẩy mạnh tuyên truyền, giải quyết cơ bản ổn định tình hình trước ngày bầu cử nên tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu bảo đảm yêu cầu.

Ngày bầu cử đã diễn ra sôi nổi, dân chủ, đúng luật, thật sự là ngày hội của toàn dân. Ở một số địa phương, cử tri dự khai mạc bầu cử lên tới hơn 400 người như ở Phúc Thành (Kinh Môn), phường Lê Thanh Nghị (TP Hải Dương). So với các kỳ bầu cử trước, ý thức trách nhiệm, sự quan tâm của cử tri trong cuộc bầu cử này cao hơn. Có nhiều cử tri cao tuổi đã trực tiếp đi bỏ phiếu bầu Quốc hội 14 lần và 16 lần bầu cử HĐND tỉnh, đặc biệt có cả cử tri 104 tuổi vẫn bảo con cháu đưa đi bầu cử. Cử tri tự nghiên cứu kỹ tiểu sử của từng ứng cử viên, lựa chọn người có đủ tiêu chuẩn, có trình độ, năng lực, có khả năng nắm bắt và mang tiếng nói của nhân dân, của cử tri đến với cơ quan chức năng để bầu vào Quốc hội và HĐND các cấp. Qua kiểm phiếu sơ bộ cho thấy, kết quả bầu cử cơ bản bảo đảm số lượng, chất lượng và cơ cấu.

Cuộc bầu cử diễn ra an toàn, đúng luật. Công tác bảo đảm an ninh trật tự được thực hiện tốt. Các điểm bỏ phiếu thực hiện trang trí, khánh tiết, bố trí bàn tiếp đón, nơi ghi phiếu, bỏ phiếu và hướng dẫn cử tri chu đáo, hợp lý, bảo đảm theo quy định. Công tác kiểm phiếu được tiến hành khẩn trương, nghiêm túc bảo đảm an toàn tuyệt đối.

- Theo đồng chí, những hạn chế cần rút kinh nghiệm trong tổ chức cuộc bầu cử lần này là gì?


    - Bên cạnh những kết quả tích cực như đã nêu, cũng còn một số hạn chế cần rút kinh nghiệm. Trước hết, trong công tác chuẩn bị, có nơi vẫn còn chủ quan, nghiên cứu chưa kỹ quy định và hướng dẫn của cấp trên. Một số địa phương (cấp xã) chưa chuẩn bị tốt về công tác nhân sự nên vẫn còn hiện tượng người được giới thiệu nhưng không nộp hồ sơ ứng cử hoặc ứng cử viên không bảo đảm tiêu chuẩn phải đưa ra khỏi danh sách sau hiệp thương lần 2, lần 3. Trong tuyên truyền trước bầu cử, có giai đoạn việc tuyên truyền trực quan chưa tốt, một số địa phương chưa huy động được nguồn xã hội hóa trong tuyên truyền. Tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng có mặt, có nội dung còn hạn chế. Việc  in ấn tiểu sử tóm tắt của ứng cử viên ở một số địa phương còn chưa kịp thời. Có nơi việc lập danh sách cử tri; chuẩn bị phiếu bầu, thẻ cử tri... còn sai sót, phải làm lại...


TP Hải Dương có tỷ lệ cử tri đi bầu cử cao nhất. Trong ảnh: Các cử tri khu 5 phường Trần Hưng Đạo (TP Hải Dương) bỏ phiếu bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp

- Một số kinh nghiệm chúng ta rút ra qua cuộc bầu cử này là gì, thưa đồng chí Bí thư Tỉnh ủy?


- Bài học đầu tiên, đó là phải làm tốt công tác chuẩn bị từ việc xây dựng kế hoạch, thành lập các tổ chức phục vụ bầu cử, các tổ chức bầu cử, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các ngành thành viên đến việc chuẩn bị tài liệu hướng dẫn, tập huấn nghiệp vụ... Trong đó, công tác chuẩn bị về nhân sự, công tác tuyên truyền, công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo liên quan đến bầu cử và bảo đảm an ninh trật tự phục vụ cuộc bầu cử đều được xây dựng kế hoạch chi tiết, cụ thể ở từng cấp, từng ngành.

Thứ hai, trong quá trình thực hiện, phải tăng cường kiểm tra giám sát để kịp thời phát hiện, xử lý những vấn đề vướng mắc, phát sinh; uốn nắn những lệch lạc trong thực hiện các bước của quy trình bầu cử. Trong cuộc bầu cử vừa qua, Ủy ban Bầu cử tỉnh đã thành lập nhiều đoàn kiểm tra, thực hiện kiểm tra, giám sát công tác bầu cử tại tất cả 12 huyện, thị xã, thành phố và một số ngành liên quan. Việc kiểm tra được thực hiện làm nhiều lần, theo từng giai đoạn cụ thể. Ngay trước ngày bầu cử và trong ngày bầu cử, Ban Chỉ đạo, Ủy ban Bầu cử tỉnh vẫn tiếp tục tổ chức đi kiểm tra giám sát. Nội dung kiểm tra cụ thể, đi vào những vấn đề trọng tâm cuộc bầu cử đặt ra, kiểm tra theo hướng tăng cường về cơ sở, cấp trên trực tiếp kiểm tra cấp dưới, bảo đảm mỗi tổ bầu cử, đơn vị bầu cử đều được kiểm tra ít nhất một lần trước ngày bầu cử. Ngoài Ban chỉ đạo và Ủy ban Bầu cử các cấp, các tiểu ban phục vụ bầu cử cũng thành lập các đoàn kiểm tra nội dung được giao thực hiện ở cấp dưới. Qua kiểm tra, giám sát, nhiều hạn chế đã được khắc phục kịp thời.

Thứ ba, để tổ chức thành công cuộc bầu cử cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Thực tế cho thấy, thời gian qua, cấp ủy, chính quyền và các tổ chức đoàn thể chính trị xã hội các cấp, các ngành chức năng từ tỉnh đến cơ sở đã tích cực vào cuộc, phát huy tốt vai trò, chức năng của mình, thực hiện đúng chỉ đạo của Trung ương, của Tỉnh ủy, UBND tỉnh trong thực hiện công tác bầu cử. Những nỗ lực của cả hệ thống chính trị cùng với sự ủng hộ, tinh thần trách nhiệm cao của cử tri đã làm nên thành công của cuộc bầu cử.


- Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!

  THANH MAI (thực hiện)