Phòng chống nắng nóng cho vật nuôi

Nông nghiệp - Nông thôn - Ngày đăng : 13:06, 31/05/2016

Mùa hè thời tiết nắng nóng, nhiệt độ tăng cao, nhất là buổi trưa và buổi chiều. Nắng nóng có thể làm cho gia súc, gia cầm bị cảm nắng, cảm nóng và chết.



Cần thường xuyên dọn sạch sẽ chuồng trại chăn nuôi

Xin đưa ra một số kinh nghiệm phòng chống nắng nóng như sau:

Chuồng trại: Cao ráo, thoáng mát, chiều cao từ nền chuồng đến mái lợp chỗ thấp nhất phải được 3 m trở lên. Hướng chuồng nên chọn hướng đông nam, có hệ thống cửa để thông gió. Nếu có điều kiện tốt nhất nên xây chuồng trại theo mô hình chuồng nuôi hiện đại, một đầu có hệ thống lưới phun nước và đầu kia có hệ thống quạt thông gió. Mái chuồng nên lợp bằng ngói hoặc mái lá. Nếu lợp bằng phi brô xi măng hoặc tôn lá thì bên trong mái nên có một lớp trần xốp để giảm nóng. Hoặc có thể trồng các loại cây họ leo như chanh leo, mướp hay phủ lên mái một lớp rơm rạ, bèo tây để chống nóng. Xung quanh chuồng nuôi nên trồng cây xanh để tạo bóng mát. Những giờ cao điểm nắng nóng, nhất là buổi trưa, buổi chiều phải phun nước tưới ướt mái chuồng để giảm nhiệt độ chuồng nuôi.

Chăm sóc nuôi dưỡng


Vào mùa nắng nóng nên nuôi gia súc, gia cầm với mật độ vừa phải, không nuôi quá dày. Nếu thời tiết quá nóng có thể thả gà ra vườn, gốc cây quanh chuồng. Cần tắm cho gia súc 1 - 2 lần/ngày để giảm nhiệt độ cơ thể.

Trong khẩu phần ăn nên tăng cường rau xanh, thức ăn giàu đạm, giảm tinh bột, mỡ. Nên cho vật nuôi ăn vào lúc sáng sớm, chiều mát và đêm, không nên cho ăn vào buổi trưa.

Cung cấp đủ nước sạch và mát cho gia súc, gia cầm, đồng thời bổ sung vào nước uống các chất điện giải, vitamin C.

Đối với vật nuôi sơ sinh hay còn theo mẹ nền chuồng cần giữ khô ráo, tuyệt đối không làm ẩm ướt nền chuồng.

Đối với trâu bò nên chăn thả vào lúc sáng sớm và chiều mát. Lúc nắng nóng nên buộc ở những nơi có cây xanh bóng mát cho trâu bò nghỉ ngơi.

Lưu ý: Đối với gà đẻ trứng rất dễ chết vào những ngày nhiệt độ quá cao, nên tránh nuôi quá béo bằng cách giảm bớt hàm lượng đạm trong khẩu phần ăn và cho ăn thêm rau xanh.

Vệ sinh thú y

Thường xuyên dọn dẹp sạch sẽ chuồng trại và định kỳ phun thuốc khử trùng tiêu độc chuồng trại, khu vực chăn nuôi. Chất độn chuồng nên trải mỏng. Tiêm phòng đầy đủ các loại vaccine cho đàn gia súc, gia cầm.

Khi vật nuôi có biểu hiện cảm nắng, cảm nóng như bỏ ăn, giảm ăn, khó thở, thở dốc, ít vận động, sốt cao... thì can thiệp bằng cách cho con vật vào chỗ mát, quạt mát, gội nước lạnh lên đầu, tiêm thuốc hạ sốt, đồng thời cho uống điện giải hoặc đường glucoza.

Bác sĩ thú y HOÀNG THỊ NGUYỆT (Trạm Thú y Nam Sách)