Sử dụng thực phẩm có nhiều vi chất dinh dưỡng cho trẻ

Y tế - Sức khỏe - Ngày đăng : 05:12, 03/06/2016

Vi chất dinh dưỡng (VCDD) có vai trò rất quan trọng đối với cơ thể. Khi thiếu những chất này sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đối với cơ thể, đặc biệt là ở trẻ nhỏ.



Sử dụng thực phẩm nhiều vi chất dinh dưỡng giúp trẻ phát triển cả về thể chất và trí tuệ

Vì vậy, Ngày VCDD năm nay (1 và 2-6) có chủ đề: "Hãy sử dụng các thực phẩm có bổ sung vi chất dinh dưỡng hằng ngày".

Khoa Tiêu hóa - Dinh dưỡng, Bệnh viện Nhi Hải Dương hiện điều trị nội trú cho gần 50 bệnh nhi. Trong đó, có không ít trẻ bị thấp còi, thể trạng yếu do thiếu VCDD.

Cháu Mạc Vân Dung (10 tháng tuổi) ở xã Cẩm Chế (Thanh Hà) đang điều trị tại Khoa Tiêu hóa - Dinh dưỡng. Trước khi chuyển lên đây, cháu đã điều trị tại Bệnh viện Đa khoa huyện Thanh Hà khoảng 1 tuần. Cháu có các triệu chứng như hay quấy khóc, thở khò khè, sốt, nôn trớ, tiêu chảy. Các bác sĩ chẩn đoán cháu Dung bị thiếu canxi dẫn đến còi xương. Hiện tại cháu nặng khoảng 6,5 kg, thấp hơn so với cân nặng tiêu chuẩn theo tháng tuổi. Chị Nguyễn Thị Vân, mẹ của cháu Dung cho biết hằng ngày gia đình cho cháu ăn cháo và uống sữa. Chị Vân cũng cho biết, chị thường nghe theo lời khuyên của mọi người chứ chưa dành nhiều thời gian tìm hiểu kỹ những thực phẩm mình cho con ăn cung cấp những dưỡng chất gì.

Cháu Phạm Thọ Khang ở xã Dân Chủ (Tứ Kỳ) đã điều trị tại Bệnh viện Nhi Hải Dương gần 2 tuần nay. Cháu được các bác sĩ chẩn đoán thiếu máu do thiếu sắt. Trước đó, cháu có các biểu hiện tiêu chảy, mệt mỏi, ngủ li bì, hay quấy khóc, lười ăn… Chị Nguyễn Thị Quý, mẹ của cháu Khang cho biết bình thường cháu ăn khá tốt, vẫn bú sữa mẹ mà không dùng đến sữa ngoài nên chị khá yên tâm.
Vợ chồng chị Nguyễn Thị H. ở phường Bình Hàn (TP Hải Dương) đều là công nhân. Cả ngày đi làm bận rộn nên thông thường anh chị gửi đứa con 4 tuổi và 2 tuổi ở nhà trẻ tư thục. Do đồng lương công nhân của hai vợ chồng eo hẹp trong khi phải trang trải đủ loại chi phí sinh hoạt nên bữa cơm tối của gia đình cũng thường đạm bạc. Chị H. cũng không có điều kiện để thường xuyên mua sữa và chăm chút bữa ăn cho các con. Hiện nay, các con của chị đều thấp còi hơn so với bạn bè cùng trang lứa.

Theo Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản tỉnh, năm 2015 tỉnh ta có 11,5% số trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng cân nặng, 20,6% trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng chiều cao.

Theo bác sĩ Nguyễn Văn Thao, Trưởng Khoa Tiêu hóa-Dinh dưỡng, Bệnh viện Nhi Hải Dương thì có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng thiếu VCDD ở trẻ. Ngay từ lúc mang thai, nhiều phụ nữ chưa tăng cường sử dụng thực phẩm nhiều vi chất. Dù cho con bú nhưng nhiều bà mẹ chưa chú trọng đến việc cân bằng chế độ dinh dưỡng trong các bữa ăn hằng ngày. Sau khi sinh, nhiều người còn thực hiện chế độ kiêng khem khắt khe khiến cho trẻ không được nhận đầy đủ các chất từ sữa mẹ. Bên cạnh đó, nhiều gia đình rất chú trọng đến bữa ăn cho trẻ nhưng lại thiếu cân bằng dinh dưỡng dẫn đến tình trạng trẻ phát triển bình thường thậm chí thừa cân nhưng vẫn thiếu chất.

VCDD gồm nhóm vitamin (A, B, C, D, E...) và nhóm khoáng chất (sắt, kẽm, i-ốt, đồng…). Khi trẻ thiếu các VCDD thì có thể vẫn tăng cân, cao lên bình thường nên cha mẹ rất khó phát hiện. Nhưng cơ thể trẻ đã phải huy động những vi chất này từ những cơ quan dự trữ của cơ thể để sử dụng, dẫn đến giảm độ vi chất này trong các cơ quan dự trữ. Đây cũng là nguyên nhân khiến sức đề kháng của trẻ giảm và dễ bị mắc bệnh. Thiếu các VCDD ảnh hưởng đến thể chất và trí tuệ của trẻ. Phòng chống thiếu VCDD chủ động và an toàn nhất là thông qua nguồn thực phẩm để bổ sung các vitamin và các khoáng chất trong từng bữa ăn.

Đến năm 2020, tỉnh ta phấn đấu giảm tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng cân nặng xuống còn 8,5%, trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng thấp còi còn 15%. Để thực hiện mục tiêu này, Trung tâm Y tế tuyến huyện và Trạm Y tế các xã, phường, thị trấn tiếp tục củng cố và duy trì việc tư vấn dinh dưỡng cho phụ nữ có thai và bà mẹ có con suy dinh dưỡng. Tổ chức cân đo, đánh giá tình trạng suy dinh dưỡng trẻ em, phân loại trẻ em suy dinh dưỡng, cân đo trẻ em dưới 5 tuổi 1 lần/năm. Cân đo và theo dõi biểu đồ tăng trưởng cho trẻ em dưới 2 tháng tuổi với tần suất 1 lần/3 tháng. Trẻ em suy dinh dưỡng được theo dõi cân nặng thường xuyên 1 lần/tháng. Qua kiểm tra, đánh giá, các bà mẹ sẽ được  khuyến cáo sử dụng hợp lý các thực phẩm nhiều VCDD để trẻ phát triển cả về thể chất, trí tuệ.

HUYỀN TRANG


4 vi chất quan trọng cần cho cơ thể gồm: Sắt, kẽm, i-ốt và vitamin A. Sắt được cung cấp từ thức ăn động vật: thịt bò, lòng đỏ trứng gà, tim, gan, cá và từ thực vật: đậu, đỗ, rau lá xanh, mộc nhĩ, nấm hương. Các thực phẩm có nhiều i-ốt gồm cá biển, rong biển, rau cải xoong, tảo. Thực phẩm có nhiều kẽm là lòng đỏ trứng gà, sò, trai, hến, lươn, ốc, củ cải, đậu tương. Các thực phẩm có nhiều vitamin A như: thịt, gan, trứng gà, sữa, lươn, rau có màu xanh sẫm, quả có màu vàng, đỏ (gấc, cà rốt, bí đỏ, xoài, đu đủ).