Đường đi của nước giải khát rởm

Y tế - Sức khỏe - Ngày đăng : 06:40, 06/06/2016

Trên thị trường hiện nay có không ít những loại nước ngọt đóng chai rởm mà quy trình sản xuất ra chúng không phải ai cũng biết.




Đường vào làng nghề chuyên sản xuất, kinh doanh nước ngọt đóng chai rởm

Vào “vương quốc” hàng nhái, hàng giả

Trong vai một người mới nhập môn, phải khó khăn lắm tôi mới bắt mối được với chị H., người có nhiều năm buôn nước giải khát ở huyện Thanh Miện. Như đã hẹn, đúng 7 giờ sáng thứ bảy, chị H. đón tôi ở cống Ba Đa, xã Đoàn Tùng (Thanh Miện). Trên đường đi tôi không dám mở lời hỏi chị H. nơi lấy hàng bởi chị ít nói, lúc nào cũng đeo khẩu trang kín mít. Chỉ đến khi chiếc xe tải dừng lại trước một cổng chào lớn đề hàng chữ: “Làng nghề xã La Phù, thôn văn hóa Chùa Tổng kính chào quý khách” tôi mới biết địa điểm lấy hàng chính là thủ phủ của bánh, kẹo, nước giải khát “rởm”. Làng nghề này ở xã La Phù, huyện Hoài Đức (Hà Nội).



Dễ dàng mua được nước ngọt đóng chai nhái các thương hiệu nổi tiếng với giá rẻ tại xã La Phù, huyện Hoài Đức (Hà Nội)

Lúc chúng tôi tới, xe tải đến lấy hàng đậu kín hai bên đường. Xe nào cũng chăng bạt kín mít. Xe đến lấy hàng mang biển kiểm soát của nhiều tỉnh, thành phố như Nam Định, Thái Bình, Bắc Ninh, Thái Nguyên, Hưng Yên, Lào Cai, Sơn La, Bắc Giang, Hải Phòng và cả Hải Dương. Đợi chừng 15 phút, sau cuộc điện thoại của chị H., một người phụ nữ đã luống tuổi, ăn mặc sành điệu chạy đến vẫy chúng tôi xuống xe và dẫn đến một cửa hàng bên ngoài đề biển đại lý chuyên bán buôn, bán lẻ bia, rượu, nước giải khát Ngọc Hân. Bên trong nhà, những thùng nước đóng chai đủ màu sắc xếp chất ngất. Ở giữa nhà chỉ còn một lối đi nhỏ chừng nửa mét. Dừng lại một kệ hàng, chị H. hỏi: "Có loại mới à, giá thế nào?". Người đàn bà khi nãy nhanh tay mở thùng hàng lấy một lon nước rồi đưa cho chị H. và nói. "Nước này mới ra lò, có địa chỉ nơi sản xuất hẳn hoi. Giá mềm hết cỡ, bảo đảm nếu cô em bán được thì lãi to. Chị chỉ lấy cô em 72.000 đồng/két, chia ra mỗi lon chỉ 3.000 đồng”. Lon nước mà chủ cửa hàng Ngọc Hân cho tôi và chị H. xem có kiểu dáng, màu sắc gần giống loại nước tăng lực Red Bull mà tôi vẫn mua. Chỉ khác ở hình ảnh 2 con bò húc nhau trên nước tăng lực Red Bull được thay bằng 2 con dê húc nhau và được đổi tên thành nước tăng lực Ret Goats. Trong khi loại nước tăng lực chính hãng có giật nắp màu đỏ thì loại nước tăng lực này giật nắp màu trắng. Đi sâu vào trong nhà tôi thấy nhiều loại nước ép trái cây đóng chai màu mè trông na ná giống trà xanh không độ, nước cam vắt, nước chanh dây, nước me của Công ty TNHH Habico. Tuy nhiên, tên gọi của chúng lại hoàn toàn khác như trà xanh O2, nước bí đao 320, nước me Vinawosi do một số cơ sở sản xuất tại xã Dương Liễu, Hoài Đức (Hà Nội) sản xuất. Sau một hồi nhẩm tính giá cả, chị H. đồng ý lấy mỗi loại 5 thùng. Như chưa hài lòng với số hàng đã bán được, bà chủ co kéo: "Em lấy thêm vài chục thùng nước cam nữa đi chị giảm giá thêm cho. Còn loại em hỏi hôm trước chưa kịp dán nhãn, phải đợi ít phút nữa mới lấy được". Thấy sốt ruột, chị H. đề nghị được kiểm tra lô hàng đã đặt trước. Bà chủ dẫn tôi và chị H. lòng vòng qua một chiếc hẻm nhỏ vào một xưởng khuất sau một khu nhà kho chứa đồ. Gần đến nơi tôi đã thấy nồng nặc mùi hóa chất. Trong xưởng, 5 công nhân đang hì hụi làm việc giữa đống thùng nhựa lớn, cũ kỹ, vỏ ngoài đã mọc rêu. Vỏ chai nhựa có hình giống vỏ chai Coca Cola loại 1,2 lít nhưng đã bị bóc hết nhãn đổ đống trong một chiếc thuyền nhôm. Hỏi công nhân ở đây đang đóng loại nước gì thì họ trả lời không biết và bảo: "Việc pha chế do con trai lớn của bà chủ đảm nhận. Chúng tôi không biết đó là loại nước gì, chỉ biết bà chủ giao cho làm gì thì làm đó. Đây là xưởng để đóng chai còn nơi dán nhãn sản phẩm chúng tôi không được vào".

Hơn 1 giờ chiều chúng tôi mới chở hàng từ Hà Nội về Hải Dương. Trên đường đi chị H. liên tục gọi điện cho một người nào đó để bảo đảm xe hàng về đến nhà trót lọt. Tìm hiểu tôi được biết những loại nước giải khát này chỉ có giá bằng 1/3 đến một nửa so với hàng chính hãng. Sau khi hàng về đến nhà, chị H. gọi ngay người đưa đi đổ cho những mối quen.

Điểm phân phối Hải Dương

Một trong những mối quen của chị H. mà tôi được biết là đại lý phân phối nước giải khát đóng chai N.H. Trong vai chủ một cửa hàng tạp hóa, tôi gọi điện đến số 094583… của chủ đại lý này để lấy nước tăng lực Ret Goats. Chủ đại lý thận trọng hỏi: "Cô ở đâu? Tại sao lại có số điện thoại của tôi, ai giới thiệu, cần mua nhiều hay ít?". Thấy tôi trả lời được những câu hỏi trên, chủ đại lý này mới cho biết giá giao buôn một thùng Ret Goats khoảng 200.000 đồng. Nếu mua hơn chục thùng có thể chiết khấu 10%. Tôi đòi chiết khấu thêm thì chủ cửa hàng này nói với giọng khó chịu: “Nói cho cô em biết, anh để giá đó là cô em cũng có lãi to rồi. Bọn anh bán cho từ các đại lý đến hàng nước vỉa hè. Nếu không đồng ý với chiết khấu đó mời cô em tìm chỗ khác”. Tôi giật mình vì loại nước tăng lực Ret Goats ở La Phù chỉ bán với giá hơn 70.000 đồng/thùng 24 lon.



Nước tăng lực Ret Goats mua tại các đại lý ở La Phù chỉ có giá 3.000 đồng/lon


Tiếc là chị H. không để cho tôi tiếp cận thêm bất cứ thông tin nào liên quan đến những sản phẩm giả nước giải khát Coca Cola mà chị đã đặt hàng trước ở La Phù. "Chỉ những người thân cận của bà H. mới được phép đi giao hàng", một nhân viên bốc xếp hàng cho chị H. tiết lộ với tôi.

Trao đổi với đại diện lực lượng quản lý thị trường tỉnh về nước tăng lực Ret Goats, vị này cho biết trước đây lực lượng quản lý thị trường tỉnh đã từng phát hiện, thu giữ và xử lý sản phẩm giả nước tăng lực Red Bull của Thái Lan tại một số địa phương trong tỉnh. Tuy nhiên, đó là sản phẩm nước tăng lực hay thường gọi là nước bò húc giả. Còn thủ đoạn làm nước tăng lực nhái thì không dễ xử lý bởi các sản phẩm này hầu hết đều có địa chỉ sản xuất rõ ràng, do cơ quan quản lý nhà nước cấp phép. Sau khi kiểm tra nhãn mác loại nước tăng lực Ret Goats mà tôi mang đến, vị này cho biết trên sản phẩm này ghi rõ địa chỉ sản xuất, số đăng ký nhãn hiệu. Tuy nhiên, về hình thức loại nước này có mẫu mã gần giống với loại nước tăng lực Red Bull của Công ty TNHH Red Bull Việt Nam đã được đăng ký bảo hộ nhãn hiệu. Rất có thể sản phẩm này đã nhái nước tăng lực Red Bull chính hãng. Tuy nhiên, chưa thể kết luận ngay được, phải đợi điều tra thêm.

Sử dụng phần mềm quét mã vạch kiểm tra sản phẩm, tôi nhận được khá nhiều thông tin về sản phẩm này. Đây là loại nước tăng lực do Công ty TNHH Hải Hồng có địa chỉ tại xóm Me Táo, xã Dương Liễu, Hoài Đức (Hà Nội) sản xuất. Tuy nhiên, hình ảnh mà đơn vị này đăng ký nhãn hiệu hiển thị trên màn hình sau khi quét mã vạch hoàn toàn khác so với sản phẩm đang được bán trên thị trường. Trao đổi với ông Lê Hùng, đại diện Công ty TNHH Red Bull Việt Nam tại miền Bắc về sản phẩm nước tăng lực Ret Goats, ông Hùng cho biết công ty sẽ sớm cử người đến La Phù để kiểm tra. Nếu phát hiện vi phạm quyền sở hữu trí tuệ đối với sản phẩm nước tăng lực Red Bull thì sẽ yêu cầu cơ quan có thẩm quyền vào cuộc giải quyết.

Vậy chất lượng nước tăng lực Ret Goats và một số loại nước giải khát đóng chai với giá rẻ như cho mà tôi và chị H. đã lấy từ La Phù có bảo đảm? Ông Phạm Duy Tuyến, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh cho rằng tình trạng nước ngọt đóng chai giả, nhái các thương hiệu nổi tiếng đã từng xuất hiện tại nhiều địa phương, nhất là vùng nông thôn và vùng xa của tỉnh. "Vì vậy, năm nào vào dịp hè chúng tôi cũng thành lập đoàn kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh nước uống đóng chai, đá lạnh và các đại lý kinh doanh nước giải khát. Tuy nhiên, đơn vị mới chỉ kiểm tra được được các giấy tờ liên quan đến xuất xứ hàng hóa, chưa kiểm định được chất lượng", ông Tuyến thừa nhận. Nguyên nhân do chi cục hiện chưa được trang bị máy móc để phục vụ kiểm định. Trong quá trình kiểm tra, nếu nghi ngờ sản phẩm nước ngọt đóng chai đó không bảo đảm chất lượng thì đơn vị sẽ lấy mẫu gửi Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) để kiểm định. Kết quả kiểm định cũng phải chờ một thời gian dài và cũng mất một khoản chi phí không nhỏ.

HẢI MINH

Theo Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công thương), khi nghi ngờ mua phải hàng giả, hàng nhái nói chung, người tiêu dùng cần thông báo và gửi mẫu hàng hóa đó đến lực lượng quản lý thị trường hoặc cơ quan bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng gần nhất để cơ quan này tiến hành lập hồ sơ xử lý vụ việc theo thủ tục quy định tại điểm b khoản I mục II Thông tư số 12/2008/TT- BCT của Bộ Công thương. Trường hợp hàng giả về chất lượng, công dụng hoặc giả về bao bì, nhãn hàng hóa, cơ quan quản lý thị trường sẽ xử lý vi phạm theo quy định tại Nghị định số 06/2008/NĐ- CP và các quy định hiện hành khác có liên quan. Sau khi có kết quả kiểm tra, xử lý vụ việc, nếu đúng là hành vi buôn bán hàng giả, người tiêu dùng có thể yêu cầu bồi thường thiệt hại hoặc hoàn trả tiền mua hàng theo quy định của pháp luật.