Hoài Khánh với niềm yêu "Có một Hải Phòng"
Tác giả - Tác phẩm - Ngày đăng : 08:13, 12/06/2016
Mỗi lần về Hải Phòng, tôi thường điện thoại cho nhà thơ Hoài Khánh. Bao giờ cũng vậy, dù bận việc, anh vẫn xếp sắp cuộc gặp với tôi cùng một số anh em làm văn nghệ của thành phố hoa phượng đỏ. Hoài Khánh chu đáo và quan tâm đến bạn bè, chịu khó giới thiệu tác phẩm của bạn văn trên trang blog của mình. Tôi nhớ vào tháng 5-2013, khi vừa gặp nhau ở Hải Phòng, anh phấn khởi báo tin: Trong “Lễ hội Hoa phượng đỏ” TP Hải Phòng năm nay, bài thơ “Có một Hải Phòng” của anh được đọc trình diễn trong chương trình nghệ thuật chào mừng lễ hội.
Đấy là bài thơ mà Hoài Khánh tâm đắc. Chính vì thế, tập thơ “người lớn” đầu tiên, sau khi đã xuất bản ba tập thơ thiếu nhi, Hoài Khánh đã chọn tựa đề “Có một Hải Phòng”. Anh dành trọn tình yêu của mình cho thành phố của anh, nơi anh đã sinh ra, lớn lên và làm việc, lại cùng gia đình sinh sống ở đây. Anh tâm sự: “Nếu quên bẵng cái màu thắm đỏ/Hoa phượng như rước đuốc dọc phố phường/Nếu quên bẵng những cánh buồm căng gió/Ai đã từng náo nức trước trùng dương... Nếu quên bẵng cả chính mình nơi đó/Em yêu ơi, sao có một Hải Phòng?”.
Hoài Khánh đi từ “Phố Ga”, con phố “đi xa ai cũng nhớ”, nơi có xóm cũ, kỷ niệm tuổi thơ và mối tình đầu của anh. “Chuyến tàu ấy mang buổi chiều đi mãi/Tiếng còi ngân thổi lạnh sân ga/Em vẫy nón hoàng hôn tím lại/Áo đỏ như phượng vĩ nở trái mùa”. Hình ảnh “áo đỏ” trong thơ không phải là mới. Trong những năm kháng chiến chống Mỹ, nhà thơ Nguyễn Mỹ đã sử dụng hình ảnh “áo đỏ” của người vợ tiễn chồng đi xa, ra tiền tuyến “Khi Tổ quốc cần họ biết sống xa nhau”. Nhà thơ Vũ Quần Phương cũng đã viết: “Áo đỏ em đi giữa phố đông/Cây xanh như cũng ánh theo hồng/Em đi lửa cháy trong bao mắt/Anh đứng thành tro em biết không?”. Trước nữa, nhà thơ Đoàn Văn Cừ mang áo đỏ rộn ràng vào thơ Tết của ông... Nhưng Hoài Khánh sử dụng hình ảnh áo đỏ “như phượng vĩ nở trái mùa”, nghĩa là màu đỏ rất đặc biệt, nó không thể lẫn trong bức thảm đỏ hoa phượng đang mùa. Màu đỏ trái mùa ấy tạo nên điểm nhấn, neo cho người đọc nhớ và thông cảm hơn về sự nuối tiếc mối tình đầu: “Phố hôm nay vẫn rộng, vẫn dài/Nhà nối nhà, gốc cây già vẫn đó/Lang thang chợ, lang thang tôi và nhớ/Phía sân ga bông phượng nở hôm nào”.
Rất nhiều địa danh của Hải Phòng có trong thơ Hoài Khánh, từ nội thành ra đến ngoại thành, thậm chí có bài thơ anh kể tới tám địa danh như trong bài “Về Lưu Kiếm”. Lưu Kiếm là một xã thuộc huyện Thủy Nguyên (Hải Phòng), tương truyền Đức Thánh Trần đặt gươm lệnh tại đây trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên-Mông. Xã có sông Giá và “Rẽ vào Mỹ Liệt hay Trúc Động/Ngược lên Đạo Tú xuống Lưu Kỳ/Em đưa anh về qua chợ Tổng/Hương đồng làng líu ríu bước đi”. Hoài Khánh dẫn bạn đọc qua các thị trấn An Lão, Núi Đối, “Qua động Trung Trang”, rồi đến trạm thủy văn Hòn Dáu, “Thăm đền Trạng Trình ngày xuân”... Viết thơ về các địa danh để hay rất khó, song Hoài Khánh đã rất nỗ lực. Bạn đọc cũng như tôi chắc chắn thích cách miêu tả thế này: “Thấp thoáng mảnh mai dốc đảo/Theo lối em rất riêng/Gió đại dương phồng căng ngực áo/Đồ Sơn mặt trời ngả nghiêng...” (Viết ở trạm thủy văn Hòn Dáu). Và: “Khói nhang mang nỗi niềm riêng/Để chùm hoa đại vàng nghiêng cả chiều/Lầm rầm khấn cụ đôi điều/Xin làm một chút xanh rêu bậc thềm” (Thăm đền Trạng Trình ngày Xuân)...
Thơ Hoài Khánh nhẹ nhàng, chân chất như một cô gái quê ngỡ ngàng ra phố. Bởi ở đó, bạn đọc thấy những thứ đã thân quen lắm, mòn xưa lắm, nhưng Hoài Khánh thổi hồn thơ làm độc giả chú ý và ngạc nhiên thú vị. Đây là hình ảnh người mẹ: “Vai mẹ gầy gánh lo toan giữa nắng/Tôi muốn làm tán rợp áng mây xanh!” (Có một Hải Phòng); về cô nhân viên ngành khí tượng-thủy văn: “Triều bỏ lại lả lơi ngọn sóng/Bãi cát hoa nắng say mềm/Chòi quan sát em bước lên/Hiện ra trong lời biển gọi” (Viết ở trạm thủy văn Hòn Dáu). Hoài Khánh viết về rét cũng riêng: “Ngoài sân cái rét tháng giêng cũng gày”, “Tháng ba cái rét cũng hiền”, rồi: “Cơn gió bấc miết dài thanh ray sắt/Hạt mưa phùn nhòe ướt ban mai” (Phố Ga). Một chút heo may cũng khác với Hoài Khánh: “Gót hồng như thả bùa mê/Xin đừng giẫm nát lời thề heo may...” (Lang thang đêm) và “Trước sân đình lạy tạ/Câu thơ đằm heo may” (Tháng mười). Viết về khung cảnh, đời sống thôn quê, tôi nghĩ Hoài Khánh có những câu thơ khiến bạn đọc ngỡ ngàng: “Cả làng thơm mùa vụ/Hương lúa cong trời chiều/Gốc đa dăm ba cụ/Ngồi nhẩn nha bói Kiều” (Tháng mười). Ở chùa, ấy là chốn linh thiêng, người ta làm việc gì cũng tu chỉnh, thành kính, nhưng Hoài Khánh làm nên sự chú ý rất thú vị: “Gót hồng nhẹ bước lên chùa/Thẫn thờ chú tiểu trúng bùa hoa ngâu/Vẳng nghe chó sủa vườn sau/Mấy bà vãi quét hương cau dãi thềm” (Lên chùa).
Hoài Khánh phản ánh ngồn ngộn hiện thực xã hội vào “Có một Hải Phòng”, từ đời sống đô thị đến đời sống nông thôn. Từ ông chủ tịch quét đường, cô nhân viên ngành khí tượng-thủy văn, ngân hàng, anh chiến sĩ tuần tra đường phố, những nhà báo và các cháu thiếu nhi... đều có trong tập thơ này của anh. Thơ của anh vui khi khánh thành con đường mới, trong buổi thu âm ca nhạc; hồ hởi đón mùa xuân và chia sẻ sự vất vả của người lao động, nỗi đau mất mát của người dân, sự hy sinh của người chiến sĩ tuần tra đường phố khi đấu tranh chống tội phạm... Anh viết về Đảng, về Tổ quốc thông qua chuyện kể với con; về những địa danh để khơi dậy lòng tự hào, tình yêu thành phố Cảng, từ đó mà đề cao ý thức tự giác, trách nhiệm công dân của mỗi người. Thơ Hoài Khánh đa dạng, nhưng có thể còn những khiên cưỡng, để sự kiện lấn át, thiếu đi sự lắng đọng của thơ. Trong một số bài thơ, tôi có cảm giác được đọc lại những bài thơ như “Ngói mới” của Xuân Diệu, phản ánh thực tế đổi mới ngồn ngộn. Điều đó rất cần trong không khí thơ hiện nay, chứ nếu không sẽ ảm đạm như “Sáu gã bên mâm thịt chó” mà Hoài Khánh đã viết.
“Có một Hải Phòng”, tên tập thơ tự thân xác định một miền riêng. Chỉ với 28 bài thơ chưa thể tạo nên một Hoài Khánh mới, bởi anh đã định hình ở mảng thơ viết cho thiếu nhi. Tôi thường đọc thơ của anh, thấy anh cần mẫn, nỗ lực với thơ, anh luôn muốn có một nền thơ ở nước ta như một cơ thể khỏe mạnh, thơ cần cho cuộc sống con người. Vì vậy, sự nỗ lực lao động thơ của anh thật đáng trân trọng.
NGUYỄN ĐÌNH XUÂN