Hiệu quả từ mô hình ao bơi hợp vệ sinh

Y tế - Sức khỏe - Ngày đăng : 09:01, 12/06/2016

Mới đầu mùa hè nhưng tại một số bể bơi trên địa bàn huyện Thanh Miện đã rất sôi động.



Xây một bể bơi đạt tiêu chuẩn phải "ngốn" vài tỷ đồng, trong khi cải tạo một ao bơi sạch chỉ mất từ 200-500 triệu đồng


Vào các buổi chiều, bể bơi thôn Thọ Trương (xã Lam Sơn) có nhiều trẻ em trong thôn, các thôn lân cận học bơi. Các em tỏ ra rất thích thú khi được hòa mình vào dòng nước. Để bảo đảm an toàn cho trẻ trong mỗi buổi học, ngoài giáo viên dạy bơi còn có cán bộ và phụ huynh tham gia quản lý học sinh. Anh Nguyễn Duy Quyển trực tiếp hướng dẫn trẻ bơi cho biết: Đây là lớp bơi nghiệp dư do Trung tâm Văn hóa, thể thao huyện phối hợp với Trung tâm Đào tạo, huấn luyện thể thao dưới nước tỉnh Hải Dương tổ chức tại xã Lam Sơn. Các em được trang bị một số kỹ năng cơ bản về bơi lội nín thở dưới nước, tập nổi dưới nước, lướt nước. Sau khi biết bơi, các huấn luyện viên nghiệp dư sẽ dạy các em một số kỹ thuật bơi nâng cao và kỹ năng cứu đuối. Một khóa học thường diễn ra từ 20-25 ngày, tuy nhiên tùy thuộc vào từng lứa tuổi, giới tính, điều kiện sức khỏe... mà các em biết bơi nhanh, chậm khác nhau.

Có được một điểm bơi tập trung sạch sẽ không chỉ là mong ước của trẻ em mà còn là nguyện vọng của đông đảo người dân xã Cao Thắng, nhất là thực trạng đuối nước ngày càng gia tăng trong khi diện tích ao hồ bị thu hẹp. Khi UBND xã Cao Thắng chỉ đạo cải tạo ao bơi trung tâm làm điểm vui chơi cho các cháu vào dịp hè, người dân địa phương rất vui mừng. Để chung tay với chính quyền trong chăm sóc, bảo vệ trẻ em, người dân đã tự nguyện đóng góp tiền của, ủng hộ vật liệu xây dựng, ngày công lao động để hoàn thiện ao bơi. “Từ khi có nơi bơi lội, thay vì tham gia vào các trò chơi vô bổ, chiều chiều trẻ em trong xã đều được người nhà đưa ra tắm, bơi. Trung bình mỗi ngày ở ao bơi này có từ 40 - 50 cháu đến tắm. Cán bộ Đoàn xã đã tích cực hướng dẫn các cháu bơi, địa phương cũng khuyến cáo phụ huynh phải trang bị đầy đủ áo và phao bơi cho trẻ", ông An Văn Thắm, cán bộ văn hóa, thông tin xã Cao Thắng cho biết.

Với diện tích từ 1.500 - 2.400 m2, các ao bơi ở hai xã Lam Sơn, Cao Thắng được thiết kế với phần nền đổ cát dày, xung quanh bờ xây chắc chắn, có hệ thống bậc ao giúp trẻ lên xuống dễ dàng. Riêng ao bơi ở xã Lam Sơn là mô hình thí điểm, nên vào dịp hè Trung tâm Văn hóa, thể thao huyện phối hợp với Trung tâm Đào tạo, huấn luyện thể thao dưới nước tỉnh trang bị cơ sở vật chất, bổ sung huấn luyện viên về hướng dẫn các em bơi...

Những năm gần đây, trên địa bàn huyện Thanh Miện liên tục xảy ra tình trạng đuối nước mà nạn nhân chủ yếu là trẻ em. Chỉ tính từ 2014 đến nay xảy ra 16 trường hợp đuối nước. Xác định dạy bơi là một trong những giải pháp nhằm hạn chế thấp nhất tử vong do đuối nước gây ra đối với trẻ, UBND huyện Thanh Miện đã chỉ đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo có phương án đưa môn bơi lội vào dạy ở bậc tiểu học. Các xã, thị trấn căn cứ vào tình hình thực tế của từng địa phương xây dựng mô hình bể bơi, ao bơi phù hợp. Theo bà Trịnh Thị Huyền, Phó Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện, sau 5 năm thực hiện đề án của Bộ Giáo dục và Đào tạo về phòng chống đuối nước cho trẻ, huyện mới có 3 trường tiểu học xây dựng được bể bơi, gồm: thị trấn Thanh Miện, hai xã Thanh Tùng và Đoàn Tùng. Năm học 2015-2016, toàn huyện mới có 2.304 trong tổng số 9.779 học sinh tiểu học biết bơi, đạt 23,5%, trong đó có 1.458 học sinh biết bơi do các nhà trường dạy, còn lại do gia đình tự dạy. Cũng theo bà Huyền, việc triển khai xây dựng bể bơi tại các trường thường gặp khó khăn về kinh phí do không tìm được nguồn. Những trường đã có bể bơi cũng khó duy trì, một số bể vì diện tích nhỏ nên chỉ đáp ứng được nhu cầu dạy bơi, chưa đáp ứng được yêu cầu luyện tập thường xuyên, trong khi đội ngũ giáo viên dạy bơi thiếu và yếu…

Từ năm 2014 đến nay, huyện đã chỉ đạo các xã, thị trấn rà soát, thống kê toàn bộ vị trí ao bơi phù hợp, thuận lợi về nguồn nước để quy hoạch làm ao bơi hợp vệ sinh cho trẻ ngay tại thôn, khu dân cư. Phấn đấu mỗi xã có ít nhất 1 bể bơi hoặc ao bơi hợp vệ sinh. Chị Nguyễn Thị Luyện ở thôn Lam Sơn (xã Lam Sơn) có 2 con gái đang học tại ao bơi sạch thôn Thọ Trương cho biết: "Xung quanh trường học có nhiều ao hồ, tiềm ẩn nguy cơ đuối nước cao nên việc học bơi luôn được gia đình tôi quan tâm, song đăng ký ở các bể bơi chuyên nghiệp rất khó vì quá xa. Nay tại địa phương có ao bơi hợp vệ sinh, gia đình rất phấn khởi, chiều nào tôi cũng đưa 2 cháu ra ao bơi".

Việc dạy trẻ biết bơi là rất cần thiết để phòng chống đuối nước. Tuy nhiên, trong điều kiện khó khăn về kinh phí, các xã, thị trấn trong huyện cần lựa chọn mô hình bể bơi, ao bơi phù hợp. Đồng thời vận động xã hội hóa để duy trì hoạt động của bể bơi, ao bơi. Ông Nguyễn Văn Chính, Giám đốc Trung tâm Văn hóa, thể thao huyện cho biết để xây dựng một bể bơi đạt tiêu chuẩn phải “ngốn” vài tỷ đồng, chưa kể hệ thống phụ trợ đi kèm như điện, nước, hóa chất, kỹ thuật viên trong khi cải tạo một ao bơi sạch chỉ mất từ 200-500 triệu đồng. Lợi thế của mô hình này còn ở điểm gần khu vực dân cư, vừa tạo thuận tiện cho trẻ học bơi vừa giúp cha mẹ dễ dàng theo dõi, giám sát, thậm chí nếu phụ huynh muốn có thể trực tiếp xuống dạy con em mình bơi. Nếu giải quyết tốt vấn đề nguồn nước hợp vệ sinh và có người hướng dẫn, quản lý trẻ bơi thì đây thực sự là mô hình hay và sẽ được Thanh Miện chỉ đạo nhân rộng trong thời gian tới.

HOÀNG NẾT