"Mẹ hiền" của người bệnh tâm thần
Y tế - Sức khỏe - Ngày đăng : 07:36, 13/06/2016
Nếu không có sự kiên trì, nhẫn nại, và nhất là không có tình yêu thương thì họ sẽ không thể gắn bó với nghề.
Chăm sóc, điều trị người bệnh tâm thần cần sự yêu thương, sẻ chia
Nghề y vốn đã vất vả nhưng đối với đội ngũ y, bác sĩ điều trị, chăm sóc bệnh nhân tâm thần, công việc còn khó khăn gấp bội. Nếu không có sự kiên trì, nhẫn nại, và nhất là không có tình yêu thương thì họ sẽ không thể gắn bó với nghề.
Như những người thân
Hơn 20 năm về trước, khi bắt đầu những tháng ngày làm việc đầu tiên tại Trung tâm Nuôi dưỡng tâm thần người có công và xã hội Hải Dương ở phường Cộng Hòa (Chí Linh), chị Phạm Thị Liên (40 tuổi), hiện là Trưởng Khoa Người có công không tránh khỏi những lo sợ. Nhưng qua một thời gian tiếp xúc với người bệnh, chị ngày càng hiểu và cảm thông với những nỗi đau tinh thần mà họ đang gặp phải. Khoa chị Liên làm có nhiệm vụ điều trị, chăm sóc cho những bệnh nhân là thương binh, bệnh binh. Nhìn họ, chị như thấy hình ảnh người cha thương binh của mình. Bởi thế, khoảng cách giữa chị và người bệnh dường như được xóa nhòa, nó giống như mối quan hệ giữa những người ruột thịt trong gia đình. Chị Liên chia sẻ: "Nhiều khi người bệnh như trẻ con, thích được dỗ dành, cưng nựng, chúng tôi phải như con cháu trong gia đình tìm cách khen ngợi, tâm sự chuyện trò hay đôi khi ngồi nghe những tâm sự không đầu, không cuối của người bệnh". Ở đây, các cán bộ thường được giao chăm sóc một nhóm bệnh nhân khoảng vài người. Các cán bộ phải hiểu rõ được tính cách của từng người để có thể "lựa" theo họ. Buổi tối, các y, bác sĩ lại thay nhau trực theo ca, thức trắng đêm cho người bệnh được trọn giấc. Ngoài việc phải chăm sóc người bệnh theo đúng phác đồ điều trị, các cán bộ y tế còn phải giúp người bệnh làm cả những công việc như tắm, giặt, thay quần áo, vệ sinh cá nhân… "Thậm chí, một số người bệnh không có khả năng tự chăm sóc cho bản thân, ngay cả việc đánh răng, xúc ăn cũng đều do chúng tôi làm thay", chị Liên cho biết.
Từ những ngày còn nhỏ, anh Nguyễn Văn Tùng (23 tuổi) thường hay theo mẹ đến trung tâm. Lớn lên, nối tiếp những bước mà mẹ đã đi, sau khi tốt nghiệp Trường Trung cấp Y tế Hải Dương, anh quyết định gắn bó với những người bệnh nơi đây. Những kinh nghiệm đúc kết trong quá trình công tác nay được mẹ anh truyền lại. Chúng tôi nhận thấy anh thực sự trưởng thành, chín chắn hơn so với độ tuổi. Vào đây, anh được học đức tính kiên trì, nhẫn nại, bớt đi những cái tôi, sự nóng nảy, thiếu kìm chế của tuổi trẻ. Bệnh nhân tâm thần thường phải uống thuốc suốt đời, nhưng việc cho uống thuốc lại chẳng phải chuyện đơn giản. Anh Tùng cùng với các đồng nghiệp phải giám sát chặt chẽ quá trình uống thuốc của người bệnh. Bởi nếu không chú ý, họ sẽ nhanh tay vứt thuốc, giấu đi hoặc giả vờ ngậm trong miệng rồi nhân lúc y, bác sĩ không để ý sẽ nhổ ra. Lần nào anh Tùng cũng phải nán lại, chờ đến khi bệnh nhân uống thuốc xong mới yên tâm.
Không chỉ chăm sóc, chữa bệnh, các cán bộ của trung tâm còn tận tình hướng dẫn người bệnh làm những công việc phù hợp với tình trạng sức khỏe. Những người khỏe mạnh, khéo léo được chọn để làm tăm, chổi chít, làm hương hoặc được phân công chăm bón rau, hướng dẫn cách chăn nuôi lợn, gà. Nhìn cả phân xưởng rộng với rất nhiều người bệnh đang chăm chú làm chổi chít trong không khí mải miết, hăng say, chúng tôi tin rằng để có ngày hôm nay các cán bộ y tế ở đây đã trải qua quá trình kiên trì với bao khó khăn, vất vả.
Chia sẻ những món quà
|
Nhìn những ánh mắt vô hồn, những nụ cười ngô nghê, ngờ nghệch, chúng tôi không khỏi xót xa. Vào đây, có người mắc bệnh do yếu tố di truyền, có người không vượt qua được cú sốc tinh thần quá lớn. Họ gần như bị tách biệt với thế giới ngoài kia nhưng lại luôn được đón nhận sự quan tâm, sẻ chia yêu thương bởi những thầy thuốc, người quản lý luôn tận tâm với người bệnh. Việc bị người bệnh chửi bới, dọa nạt, thậm chí bị đánh đã trở thành điều bình thường với đội ngũ cán bộ, y bác sĩ của trung tâm. Hơn 20 năm trong nghề, chữa bệnh cho những bệnh nhân đặc biệt, cảm xúc mà chị Liên trải qua cũng rất đặc biệt. Chị bảo: "Chúng tôi thường đùa với nhau rằng nhiều lúc cũng phải điên điên một chút để cùng nói chuyện, lắng nghe những tâm sự chẳng đâu vào đâu của người bệnh. Thời gian đầu, có những người đáng tuổi bố mẹ tôi nhưng cứ một mực gọi tôi là mẹ. Mới đầu tôi rất ngại nhưng dần dần lựa cách nói chuyện, tâm sự cùng họ". Có lần một bệnh nhân nữ vào đây do suy nghĩ đến phát bệnh khi biết chồng mình ngoại tình. Người tình của chồng chị ấy cũng tên Liên nên mỗi lần thấy bóng dáng chị Liên là chị ấy lại hò hét, chửi bới, dọa đánh. Có những đêm trời tối mịt mùng, bất ngờ có người bệnh trốn được ra ngoài, mọi người lại phải chia nhau đi tìm mà ruột gan nóng như lửa đốt, chỉ sợ có bất trắc gì xảy đến với họ.
Không ít gia đình đưa người thân tới đây gửi gắm rồi không bao giờ quay trở lại, không một lần ngó ngàng người thân của mình ra sao, sống như thế nào. Nhiều người bệnh nặng phải đưa đến Bệnh viện Tâm thần Hải Dương điều trị, các y, bác sĩ lại được phân công đi theo chăm nom từng bữa ăn, giấc ngủ như người nhà. Trong phút chốc tỉnh táo hiếm hoi của người bệnh, khi nghe họ nhắc tới người nhà, thấy đôi mắt vô hồn của họ bỗng len lỏi những nét buồn xa xăm các y, bác sĩ lại thấy xót xa. Bởi thế, họ càng tự nhắc mình phải làm tròn tinh thần, trách nhiệm, yêu thương bệnh nhân như những người ruột thịt. Thỉnh thoảng khi gia đình có món gì đó ngon, họ lại đem đến chia cho người bệnh.
Dù đã thân quen nhưng do bệnh nhân có thể phát bệnh bất cứ lúc nào nên các cán bộ, y, bác sĩ thường xuyên phải đối mặt với hiểm nguy. Cách đây 2 tháng, chị Nguyễn Thị Phượng bị một bệnh nhân nam đấm vào mặt, đôi kính chị đeo vỡ vụn, mặt mày xây xẩm, rớm máu. Có người bị người bệnh lao vào đánh túi bụi. Những tình huống như thế không phải hiếm gặp mà đã trở nên quen thuộc. Sau mỗi lần như thế, họ lại tự động viên mình phải vượt qua, tích cực chăm sóc, điều trị để bệnh tình của người bệnh thuyên giảm.
Với các cán bộ, y, bác sĩ của Trung tâm Nuôi dưỡng tâm thần người có công và xã hội Hải Dương, hạnh phúc không phải là những lời cảm ơn của người bệnh hay người nhà. Mà chỉ giản đơn là được lắng nghe lời ca tiếng hát của người bệnh trong những buổi sinh hoạt văn nghệ, nhận những bông hoa dại... Chỉ bấy nhiêu thôi là họ lại như được tiếp thêm động lực để chăm sóc, chữa trị cho người bệnh. Chúng tôi tin với lòng yêu nghề, sự tận tâm và cả bản lĩnh nghề nghiệp sẽ giúp cho các cán bộ, y, bác sĩ vượt qua khó khăn để từng ngày, từng giờ làm tốt công việc thầm lặng của mình.
HUYỀN TRANG