Bước phát triển mới về tư duy công nghiệp hóa
Tin tức - Ngày đăng : 06:31, 14/06/2016
Tại Đại hội XII của Đảng, quan điểm về công nghiệp hóa, hiện đại hóa (CNH, HĐH), phấn đấu sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại tiếp tục có sự bổ sung, phát triển mới cho phù hợp với tình hình của đất nước và xu thế phát triển chung của thế giới.
Điều chỉnh mục tiêu
Đại hội X (2006), Đảng ta nhấn mạnh: "Đẩy mạnh CNH, HĐH và phát triển kinh tế tri thức tạo nền tảng để đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020". Tuy nhiên, mục tiêu này đã không đạt được. Tại Đại hội XII, Đảng ta cũng thẳng thắn nêu ra hạn chế: "Một số chỉ tiêu kinh tế - xã hội chưa đạt kế hoạch; nhiều chỉ tiêu, tiêu chí trong mục tiêu phấn đấu để đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại không đạt được...". Đảng ta đã chỉ rõ nguyên nhân của những hạn chế, khuyết điểm nêu trên có nguyên nhân khách quan là do tác động của cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu; thiên tai, dịch bệnh; những diễn biến mới phức tạp của tình hình thế giới và khu vực, tình hình căng thẳng do tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông; sự chống phá của các thế lực thù địch.
Sự điều chỉnh mục tiêu không chỉ đơn thuần là sự sửa sai mà quan trọng hơn là sự điều chỉnh về mặt nhận thức và tư duy, chúng ta rất mong muốn và quyết tâm sớm đưa nước ta trở thành một nước công nghiệp hiện đại, nhưng không thể bằng ý chí chủ quan.
Theo đó, mục tiêu tổng quát trong 5 năm tới (2016 - 2020) được xác định là "Đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới; phát triển kinh tế nhanh, bền vững, Xây dựng nền tảng để sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại..."
Định hướng xây dựng hệ tiêu chí nước công nghiệp theo hướng hiện đại
Việc thực hiện CNH luôn đòi hỏi phải hướng tới trình độ hiện đại, theo yêu cầu của kinh tế tri thức và của phát triển bền vững; đồng thời phải tăng cường xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ. Theo đó, xây dựng các tiêu chí của một nước công nghiệp theo hướng hiện đại cần nghiên cứu tham khảo các tiêu chí của các nền kinh tế công nghiệp mới (NICS) và đặc biệt là phải phù hợp với quan điểm phát triển kinh tế - xã hội, hoàn cảnh và điều kiện cụ thể của nước ta hiện nay - giai đoạn đẩy mạnh CNH, HĐH, trên cơ sở tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, tái cơ cấu nền kinh tế, phát triển kinh tế tri thức, nâng cao trình độ khoa học, công nghệ của các ngành, lĩnh vực...
Đại hội XII của Đảng đã nêu định hướng hệ tiêu chí nước công nghiệp theo hướng hiện đại; xác định hệ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016 - 2020 theo các tiêu chí định hướng trên như sau:
Một là, tiêu chí phản ánh trình độ phát triển của nền kinh tế (GDP bình quân đầu người, tỷ trọng gia tăng công nghiệp chế tạo, tỷ trọng nông nghiệp, tỷ lệ đô thị hóa, điện bình quân đầu người). Những tiêu chí định hướng này là cơ sở cho việc xác định các chỉ tiêu cụ thể về phát triển kinh tế giai đoạn 2016-2020. Đó là: tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 5 năm đạt 6,5 - 7%/năm.
Đến năm 2020, GDP bình quân đầu người khoảng 3.200 - 3.500 USD; tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ trong GDP trên 85%; tổng vốn đầu tư toàn xã hội bình quân 5 năm bằng khoảng 32 - 34% GDP; bội chi ngân sách nhà nước không quá 4% GDP. Yếu tố năng suất tổng hợp (TFP) đóng góp vào tăng trưởng khoảng 25 - 30%; năng suất lao động xã hội bình quân tăng 4 - 5%/năm; tiêu hao năng lượng tính trên GDP bình quân giảm 1 - 1,5%/năm; tỷ lệ đô thị hóa đến năm 2020 đạt 38 - 40%.
Hai là, tiêu chí phản ánh trình độ phát triển về mặt xã hội (chỉ số phát triển con người, tuổi thọ bình quân, chỉ số bất bình đẳng trong phân phối thu nhập, số bác sĩ trên 1 vạn dân, tỷ lệ lao động qua đào tạo...). Tiêu chí định tính này được lượng hóa thành các chỉ tiêu cụ thể về phát triển xã hội giai đoạn 2016 - 2020: Đến năm 2020, tỷ lệ lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội khoảng 35 - 40%; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt khoảng 65 - 70%, trong đó 25 - 26% có bằng cấp, chứng chỉ; tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị dưới 4%; có 10 bác sĩ và trên 26 giường bệnh trên 1 vạn dân; tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đạt trên 80% số dân; tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân khoảng 1,3 - 1,5%/năm.
Ba là, tiêu chí phản ánh về môi trường (tỷ lệ dân số sử dụng nước sạch, độ che phủ rừng, tỷ lệ giảm phát thải khí nhà kính). Lượng hóa tiêu chí này bằng các chỉ tiêu về môi trường trong giai đoạn 2016 - 2020 là: "Đến năm 2020, 95% dân cư thành thị, 90% dân cư nông thôn được sử dụng nước sạch, hợp vệ sinh và 80 - 85% chất thải nguy hại, 95 - 100% chất thải y tế được xử lý; tỷ lệ che phủ rừng đạt 44 - 45%".
Có thể khẳng định rằng xét cả về định tính và định lượng, việc xác định hệ tiêu chí trên là phù hợp.
Xác định các giai đoạn của quá trình CNH, HĐH
CNH, HĐH là cả một quá trình lâu dài, cần phải được thực hiện thông qua nhiều bước hay nhiều giai đoạn. Tuy nhiên ở nước ta, từ trước đến nay những tư tưởng, quan điểm của Đảng về CNH, HĐH về cơ bản mới chỉ mang tính định hướng chung, lộ trình, bước đi của quá trình CNH, HĐH, những nhiệm vụ trọng tâm của từng giai đoạn chưa được xác định rõ ràng. Vì vậy, tại Đại hội lần này, Đảng ta đã bổ sung về việc phân chia các bước đi của CNH, HĐH. Đó là: "CNH, HĐH đất nước tiến hành qua ba bước: tạo tiền đề, điều kiện để CNH, HĐH, đẩy mạnh CNH, HĐH và nâng cao chất lượng CNH, HĐH. Trong 5 năm tới, tiếp tục đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước...". Đây là sự bổ sung rất cần thiết và có ý nghĩa to lớn trong chỉ đạo và tổ chức thực hiện đường lối CNH, HĐH ở nước ta hiện nay.
Sự phân chia này giúp cho chúng ta nhận thức rõ hơn nước ta đang ở giai đoạn nào của quá trình CNH, HĐH; từ đó xác định mục tiêu, các chỉ tiêu kinh tế - xã hội, nội dung, biện pháp, phương thức CNH, HĐH phù hợp, khả thi trong từng giai đoạn. Đây cũng là cơ sở để hoạch định chiến lược phát triển các ngành công nghiệp, nhất là công nghiệp nền tảng, công nghiệp hỗ trợ; giải quyết mối quan hệ giữa CNH và đô thị hóa, giữa phát triển nông nghiệp và công nghiệp; những nhiệm vụ trọng tâm trong từng giai đoạn.
Phương hướng, nhiệm vụ đẩy mạnh CNH, HĐH
Tiếp tục thực hiện tốt chủ trương và có chính sách phù hợp để xây dựng, phát triển các ngành công nghiệp theo hướng hiện đại, tăng hàm lượng khoa học - công nghệ và tỷ trọng giá trị nội địa trong sản phẩm, tập trung vào những ngành có tính nền tảng, có lợi thế so sánh và có ý nghĩa chiến lược đối với sự phát triển nhanh, bền vững, nâng cao tính độc lập, tự chủ của nền kinh tế; có khả năng tham gia sâu, có hiệu quả vào mạng sản xuất và phân phối toàn cầu.
Phát triển có chọn lọc một số ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp sạch, công nghiệp năng lượng, cơ khí, điện tử, hóa chất, công nghiệp xây dựng, xây lắp, công nghiệp quốc phòng, an ninh. Chú trọng phát triển các ngành có lợi thế cạnh tranh; công nghiệp hỗ trợ; công nghiệp phục vụ nông nghiệp, nông thôn; năng lượng sạch, năng lượng tái tạo và sản xuất vật liệu mới; từng bước phát triển công nghệ sinh học, công nghiệp môi trường và công nghiệp văn hóa. Xây dựng nền nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa lớn, ứng dụng công nghệ cao, nâng cao chất lượng sản phẩm, giá trị gia tăng, đẩy mạnh xuất khẩu. Đẩy mạnh phát triển khu vực dịch vụ theo hướng hiện đại, đạt tốc độ tăng trưởng cao hơn các khu vực sản xuất và cao hơn tốc độ tăng GDP. Tập trung phát triển một số ngành dịch vụ có lợi thế, có hàm lượng tri thức, công nghệ cao. Phát triển mạnh kinh tế biển nhằm tăng cường tiềm lực kinh tế quốc gia và bảo vệ chủ quyền biển, đảo. Thống nhất quản lý tổng hợp chiến lược, quy hoạch phát triển trên quy mô toàn bộ nền kinh tế, vùng và liên vùng. Phát huy tiềm năng, thế mạnh từng vùng, ưu tiên phát triển các vùng kinh tế động lực, tạo sức lôi cuốn, lan tỏa phát triển đến các địa phương trong vùng và đến các vùng khác.
Đổi mới cơ chế, chính sách, kiểm soát chặt chẽ quá trình phát triển đô thị theo quy hoạch và kế hoạch. Từng bước hình thành hệ thống đô thị có kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, thân thiện với môi trường, gồm một số đô thị lớn, nhiều đô thị vừa và nhỏ liên kết và phân bố hợp lý trên các vùng; chú trọng phát triển đô thị miền núi, phát triển mạnh các đô thị ven biển. Nâng cao chất lượng, tính đồng bộ và năng lực cạnh tranh của các đô thị; chú trọng phát huy vai trò, giá trị đặc trưng của các đô thị động lực phát triển kinh tế cấp quốc gia và cấp vùng.
Đẩy mạnh huy động và sử dụng hiệu quả nguồn lực xã hội để tiếp tục tập trung đầu tư hình thành hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội tương đối đồng bộ với một số công trình hiện đại. Ưu tiên và đa dạng hóa hình thức đầu tư cho các lĩnh vực trọng tâm là: hạ tầng giao thông đồng bộ, có trọng điểm, kết nối giữa các trung tâm kinh tế lớn và giữa các trục giao thông đầu mối; hạ tầng ngành điện bảo đảm cung cấp đủ điện cho sản xuất và sinh hoạt, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội; hạ tầng thuỷ lợi đáp ứng yêu cầu phát triển nông nghiệp và ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng; hạ tầng đô thị lớn hiện đại, đồng bộ, từng bước đáp ứng chuẩn mực đô thị xanh của nước công nghiệp.
Đại tá, PGS, TS. BÙI NGỌC QUỴNH
Chủ nhiệm Khoa Kinh tế chính trị, Học viện Chính trị