"Giữ lửa" cho bữa cơm gia đình
Đời sống - Ngày đăng : 10:54, 28/06/2016
Trong nhịp sống hiện đại ngày nay, bữa cơm gia đình chính là nơi gắn kết yêu thương, chia sẻ buồn vui, giáo dục con cháu giữ gìn truyền thống bữa cơm Việt.
Gia đình ông Vũ Văn Thưa ở thôn Quý Dương, xã Tân Trường (Cẩm Giàng) rất coi trọng
bữa cơm gia đình có đông đủ thành viên
Những bữa cơm vội vã
Là nhân viên kỹ thuật sửa chữa động cơ máy bay tại sân bay Nội Bài (Hà Nội), anh Phạm Văn Điệp ở phường Phạm Ngũ Lão (TP Hải Dương) thường xuyên vắng nhà. Gia đình chỉ có 4 người gồm bố mẹ và 2 vợ chồng anh nhưng mỗi tuần anh Điệp chỉ có thể về nhà 1 lần vào cuối tuần. Bữa cơm nào cũng vắng chồng, chị Nguyễn Thị Duyên, vợ anh Điệp cho biết: "Công việc của tôi cũng bận, buổi trưa làm gần đến 12 giờ, buổi tối gần 20 giờ mới được nghỉ, lúc về nhà bố mẹ tôi đã ăn cơm xong, đành ngồi ăn một mình". Anh Điệp cho biết: "Ở Hà Nội tôi phải thuê nhà, ăn uống không bảo đảm, thường xuyên ăn cơm ngoài quán. Có tuần tranh thủ tôi cũng về nhà được 2-3 lần nhưng nhiều lúc đang ngồi ăn cơm mà công ty có sự cố tôi phải vội vàng đi ngay". Lâu dần việc đi sớm, về muộn và vắng mặt thường xuyên trong bữa cơm của các thành viên trong gia đình anh Điệp đã trở thành thói quen. Những câu chuyện giao tiếp, chia sẻ yêu thương giữa người thân trong nhà trở nên hiếm hoi hơn.
Anh Lê Minh Vương, chủ một doanh nghiệp nhỏ ở TP Hải Dương cho biết: "Tôi thường xuyên phải tiếp khách hàng, có khi đến nửa tháng không về nhà ăn cơm một lần. Nhiều lúc thèm được ăn bữa cơm có cả nhà quây quần nhưng rất khó".
Thực tế nhiều gia đình cả tuần không có bữa cơm nào đông đủ các thành viên. Những bữa cơm vội vã khiến cho tình cảm của các thành viên trong gia đình ngày càng xa cách. Bố mẹ không có thời gian nói chuyện với con cái. Nhiều gia đình ở thành phố cho con ăn bán trú tại trường, buổi tối sum họp không lâu thì lại lo bài vở, học hành. Việc giáo dục con cái về truyền thống gia đình, ăn uống cũng hạn chế. Do ít được tiếp xúc, nói chuyện với bố mẹ, thường xuyên phải ăn cơm một mình nên nhiều trẻ nhỏ có biểu hiện nhút nhát, ngại hòa đồng. Nhiều trẻ bỏ cơm nhà đi chơi điện tử thâu đêm suốt sáng hoặc sa vào tệ nạn xã hội…
Bữa cơm gia đình chính là ngọn lửa giữ gìn hạnh phúc nhưng ngày nay nhiều gia đình ít quan tâm "giữ lửa". Đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng hôn nhân tan vỡ.
Gắn kết yêu thương
Theo bà Nguyễn Thị Phương, Trưởng phòng Xây dựng nếp sống văn hóa gia đình (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch), nhiều năm nay, bữa cơm gia đình ấm áp yêu thương luôn được ngành văn hóa, thể thao và du lịch chọn là chủ đề trong chuỗi hoạt động Ngày Gia đình Việt Nam 28-6. Qua bữa cơm, chúng ta có thể cảm nhận được nền nếp của mỗi gia đình. Thực tế có nhiều gia đình rất quan tâm đến bữa cơm sum họp. Ông Vũ Văn Thưa ở thôn Quý Dương, xã Tân Trường (Cẩm Giàng) cho biết: "Mặc dù công việc bận rộn, nhưng tôi luôn coi trọng bữa ăn gia đình. Nếu tôi đi làm về muộn thì con cái thu xếp về sớm nấu cơm, chờ có đủ người về mới ăn. Tôi thấy thời gian quý báu nhất trong ngày chính là lúc cả gia đình sum vầy bên mâm cơm. Cha mẹ và các con, cháu có thể gần gũi, trò chuyện".
Trong bữa cơm có 3 thế hệ, con cháu còn được ông bà, cha mẹ dạy bảo nhiều điều hay lẽ phải, ngay cả cách ăn cơm... Ngoài ra, trong bữa cơm, con cháu thoải mái trò chuyện, bộc lộ tâm tư hơn những lúc khác. Em Nguyễn Thị Hoà (13 tuổi) ở phường Hải Tân (TP Hải Dương) cho biết: "Em rất thích ăn cơm ở nhà cùng ông bà, bố mẹ. Lúc mẹ bận, em còn thay mẹ trông em, cho em ăn cơm. Trong bữa cơm em có thể kể chuyện trường, chuyện lớp cho ông bà nghe và những người lớn tuổi thường dạy em cách cư xử đúng".
Quan tâm đến bữa cơm gia đình cũng là cách để mỗi thành viên cùng vun đắp tình cảm cho tổ ấm của mình. Vì thế, dù có bận trăm công nghìn việc thì mỗi người cũng nên dành thời gian hợp lý cho bữa cơm gia đình.
MINH NGUYÊN