Lòng yêu tuổi năm mươi
Dành cho người yêu thơ - Ngày đăng : 13:31, 10/07/2016
Người ta thường bảo, được thưởng thức một bài thơ hay dẫu có chết cũng sướng! Mới nghe tưởng chừng quá lời, nhưng ngẫm kỹ đó lại là sự thật. Đọc được những bài thơ hay như Hoa trắng đỏ này của Chế Lan Viên, ta cảm thấy tâm hồn mình thật đẹp, trái tim mình thật trong suốt, nỗi lòng mình chợt thanh khiết và hạnh phúc lạ thường, như có ai đó vừa chia sẻ một điều không dễ nói nên lời. Với người đứng tuổi, điều ấy lại càng đúng vô cùng. Thế thì nếu trời đất bắt mình chết đi, cảm giác vẫn nhẹ nhàng thanh thản, thế là đủ sướng rồi.
Theo như tôi biết, Chế Lan Viên có nhiều bài thơ thơ bốn câu thật tuyệt, chẳng hạn như Chim biếc Vĩnh Linh, Trăng, Rét đầu mùa, Nhớ người đi phía bể... Bài thơ Hoa trắng đỏ nằm trong mạch cảm hứng viết về tình yêu lứa đôi của tác giả, vừa nhẹ nhàng, tha thiết nhưng lại kín đáo, thâm trầm, đồng thời thấm đẫm một chút triết lý rất Chế Lan Viên.
Bài thơ có bốn câu, hai câu đầu diễn đạt theo phương thức vừa tự sự, nhưng cũng bắt đầu ẩn dụ cho
Hoa trắng đỏ Anh tặng em yêu chùm hoa sắc trắng CHẾ LAN VIÊN |
Từ màu trắng thực của chùm hoa tặng, Chế Lan Viên đã ảo hóa cái màu đỏ hoa hồng trong tình yêu sâu thẳm của lòng mình. Đối lập mà vẫn thống nhất, như hai biểu tượng của sự hòa hợp trong một thực thể, như hai thế giới tâm hồn của hai người khác giới yêu nhau. Tiếp nối sự đối lập hai màu sắc thực - ảo và ẩn dụ trên, tác giả thêm một lần nữa đưa người đọc bước vào thế giới tương phản diệu kỳ của tình yêu đầy trải nghiệm:
Tuổi năm mươi lòng yêu như lửa đỏ,
Mà bên ngoài sắc vẫn trắng như không.
Không biết câu thơ "Tuổi năm mươi lòng yêu như lửa đỏ" phải ngắt nhịp sao cho phải? Nhịp 3/5 hay đọc luôn một mạch? Nếu nhịp 3/5 thì có vẻ lựng khựng quá, nó chưa làm toát hết cái ý tình của câu thơ, đó là thứ tình yêu mãnh liệt, trào sôi ở tuổi trung niên. Nếu đọc một mạch lại e không hợp lắm với câu thơ thất ngôn này. Nhưng thôi, cái nhịp của câu thơ thứ ba chỉ là nghệ thuật thứ yếu nếu so với sự đối lập, tương phản trong kết cấu có tính mệnh đề ở hai câu thơ này. Chính cái có mà không, không mà có đã làm nổi bật được tứ thơ, đồng thời giúp người đọc hình dung được vẻ đẹp chân thực trong tình yêu của tác giả. Trong nền thơ trung đại Việt Nam, có lẽ Nguyễn Khuyến là người khai thác sự đối lập về hình ảnh để xây dựng tứ thơ tài tình nhất: "Đầu trò tiếp khách trầu không có/ Bác đến chơi đây ta với ta". Cả bài thơ Bạn đến chơi nhà không tất: trẻ không có nhà để sai vặt, chợ không, cá không, gà không, cải không, mướp không và ngay cả trầu cũng không nốt. Vậy mà vẫn có một tình bạn nồng nàn, tha thiết giữa nhà thơ với bạn mình. Chao ôi, hóa ra cái tình ở đây thật bao la, dù vật chất không hề có. Đến Chế Lan Viên, ông mượn cái sắc trắng của màu hoa để làm nổi bật cái lòng son sắt về tình yêu cháy bỏng. Đó có lẽ cũng là triết lý mà Chế Lan Viên muốn gửi gắm đến cho người đọc: tình yêu của người lớn tuổi không bắt đầu bằng sự ồn ào, hương sắc bên ngoài, nó ẩn giấu sâu thẳm bên trong bằng cả một sự nồng nàn, mãnh liệt, nhìn có vẻ lạnh lùng, bình thản như không, nhưng lại đắm say và tràn đầy khát khao không gì có thể dập tắt được. Chính cái triết lý sâu xa ấy nên bài thơ Hoa trắng đỏ từ khi ra đời đến nay vẫn được nhiều người yêu thích và thuộc nằm lòng, nhất là những người đã trải nghiệm trong trường đời, trường tình ở tuổi trung niên.
Tuổi trẻ đi qua, thời gian rồi sẽ xóa nhòa nhiều thứ trong cuộc đời này. Nhưng với tình yêu thì không bao giờ có tuổi. Mỗi đoạn đường đời, hạnh phúc viên mãn nhất của mỗi người là được yêu nhau một cách chân thành, đằm thắm. Điều kỳ diệu ấy sẽ mãi nở hoa tâm hồn, nếu ai từng đọc qua bài thơ Hoa trắng đỏ của Chế Lan Viên và giữ lại lòng mình ngọn lửa đượm nồng của sắc hương ái tình vĩnh cửu.
LÊ THÀNH VĂN