Kinh Môn gỡ khó trong sản xuất vụ mùa

Nông nghiệp - Nông thôn - Ngày đăng : 06:51, 16/07/2016

Với nhiều biện pháp chủ động, Kinh Môn đã trở thành huyện có tiến độ gieo cấy nhanh nhất tỉnh.



Huyện Kinh Môn chủ động điều tiết nước để sản xuất không bị gián đoạn

Do đặc thù về điều kiện tự nhiên cũng như phương thức canh tác nên Kinh Môn được đánh giá là huyện khó bảo đảm sản xuất vụ mùa theo đúng khung lịch thời vụ. Tuy nhiên, với nhiều biện pháp chủ động, Kinh Môn đã trở thành huyện có tiến độ gieo cấy nhanh nhất tỉnh.

Không phải là huyện duy nhất thâm canh "2 lúa + 1 màu" nhưng nông dân Kinh Môn lại có thói quen gieo cấy các giống lúa dài ngày. Mặt khác, cây trồng chủ lực trong vụ đông là hành, tỏi nên phải mất gần 4 tháng mới cho thu hoạch. Vì vậy, từ trước đến nay, huyện luôn gặp nhiều khó khăn trong thực hiện cơ cấu mùa vụ. Ông Nguyễn Xuân Hạ, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết: Mọi năm, do vụ đông kéo dài nên tiến độ gieo cấy và thu hoạch lúa chiêm xuân của huyện muộn nhất tỉnh, ảnh hưởng không nhỏ tới vụ mùa. Năm nay càng khó hơn vì thời vụ lúa chiêm xuân chậm hơn 10 ngày khiến cho việc gieo cấy lúa mùa càng cập rập. Nhận thấy tính cấp bách của thời vụ, huyện đã chủ động xây dựng phương án gỡ khó trên cơ sở kế hoạch sản xuất chung của tỉnh áp dụng vào thực tế của địa phương. Cùng với đó là sự vào cuộc quyết liệt của các cấp chính quyền trong việc chỉ đạo nông dân làm theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn.

Để đẩy nhanh thời vụ, ngay từ giữa tháng 6, huyện đã rà soát những diện tích lúa có khả năng thu hoạch sớm và những chân ruộng trồng màu để bố trí gieo mạ dược, cấy ở 10% diện tích ruộng trũng vì mạ dược phải chăm sóc gần 1 tháng mới có thể cấy. Năm nay, lượng giống chuyển vụ hạn chế nên huyện chỉ đạo các HTX Dịch vụ nông nghiệp chủ động liên hệ với nhiều công ty giống, lựa chọn những giống lúa chất lượng, phù hợp và khuyến khích nông dân sử dụng các giống ngắn ngày để bảo đảm lịch thời vụ. Ngoài thực hiện các biện pháp giúp lúa chiêm xuân nhanh chín, nông dân cũng khẩn trương xuống giống vụ mùa. Thu hoạch lúa chiêm xuân đến đâu, làm đất ngay đến đó để rơm rạ kịp phân hủy nhằm hạn chế tối đa bệnh nghẹt rễ lúa mùa sau cấy. Các xã có diện tích trồng cây vụ đông lớn như Lạc Long, Thăng Long, Hiệp Hòa, Thượng Quận... huyện yêu cầu phải tập trung mọi nguồn lực cho sản xuất, không chủ quan, lơ là để lỡ thời vụ.

Điều tiết nước hợp lý là yếu tố quan trọng để sản xuất không bị gián đoạn. Tuy nhiên, đây lại là bất lợi lớn của huyện do có địa hình bán sơn địa. Do vậy, ngay từ đầu vụ huyện chú trọng sửa chữa, bảo dưỡng trạm bơm, chuẩn bị máy bơm dã chiến, bảo đảm cung cấp đủ nước phục vụ sản xuất. Theo ông Dương Văn Tấn, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp xã Hiệp Hòa, xã có 409 ha đất canh tác, các chân ruộng cao thấp lại xen kẽ nhau nên lấy nước rất vất vả. Nước từ chân ruộng cao dồn về chân ruộng thấp khiến nơi thừa, nơi thiếu, hay thất thoát nước. Ngoài chủ động nguồn nước bằng cách trữ nước vào hệ thống kênh mương, HTX nhắc nhở bà con nông dân làm bờ ngăn ruộng chắc chắn, không để xảy ra tình trạng ruộng mất lấm.



Trong khi các địa phương khác đang gieo cấy thì nhiều diện tích lúa ở Kinh Môn đã được chăm sóc lần 1


Gieo cấy lúa mùa ở Kinh Môn có thể diễn ra nhanh gọn và khẩn trương như vậy không chỉ do sự chỉ đạo sát sao của các cấp chính quyền mà người dân đã có ý thức hơn trong việc tuân thủ lịch thời vụ. Bà Hoàng Thị Hoa (ở thôn Cổ Tân, xã An Phụ) cho biết: Lúa xuân chín muộn trong khi cuối tháng 9, bà con đã phải lên luống trồng hành, tỏi nên thời gian làm vụ mùa rất gấp gáp. Hơn nữa, nếu gieo cấy chậm trễ năng suất lúa sẽ giảm do cây chưa đủ cứng để chống chịu với mưa lớn, bão lũ vào cuối tháng 7 đầu tháng 8. Lúc đầu ai cũng lo lắng vì khó có thể vừa làm đất, vừa gieo cấy trong thời gian ngắn như vậy. Tuy là vụ lúa khởi đầu không mấy thuận lợi nhưng lại hoàn thành sớm nhất bởi người dân đã chủ động hỗ trợ nhau để đẩy nhanh tiến độ gieo cấy. Tranh thủ thời gian đợi máy làm đất tới lồng, bừa ruộng của nhà mình, nhiều hộ giúp các gia đình khác đã làm đất xong gieo cấy theo hình thức đổi công. Cách làm này đã rút ngắn được thời gian gieo cấy. Gia đình bà Hoa có hơn 1,2 mẫu nhưng cũng đã gieo cấy xong từ 10 ngày trước và đang tiến hành chăm sóc lần 1.

Do đó, đến thời điểm này, huyện đã gieo cấy được gần 6.000 ha, đạt hơn 90% kế hoạch. Các trà mùa sớm, mùa trung của huyện đã cơ bản gieo cấy xong, sớm hơn từ 5 - 10 ngày so với kế hoạch của tỉnh. Trà mùa muộn cấy bằng mạ dược phấn đấu kết thúc trước ngày 20 - 7.

Vụ mùa gấp gáp là khó khăn chung của toàn tỉnh trong đó Kinh Môn còn bất lợi hơn nhiều. Nhưng sự chủ động của chính quyền và các cơ quan chuyên môn, sự tích cực của người dân đã giúp huyện khắc phục được những khó khăn, dẫn đầu tỉnh về tiến độ gieo cấy.

    PV