Món quà tặng mẹ

Các em viết - Ngày đăng : 10:22, 17/07/2016



Tôi là con út trong gia đình nên được bố mẹ và anh trai rất nuông chiều. Dù gia đình tôi chẳng khá giả gì nhưng hễ tôi muốn mua thứ gì bố mẹ liền đáp ứng ngay. Phòng riêng của tôi có hàng chục con gấu bông và búp bê, chúng cứ to dần theo sự lớn lên của tôi. Tất cả đều do bố mua. Anh tôi là sinh viên, hễ được học bổng anh đều dành dụm mang về mua quà cho tôi: khi thì bộ quần áo mới, khi thì đôi giầy thể thao... Nhưng từ khi tôi đỗ vào lớp 10, lên phố huyện học, được tiếp xúc và kết bạn với những tiểu thư con nhà giàu thì những món quà mà bố mẹ và anh trai mua cho không còn khiến tôi thích thú nữa. Tôi thờ ơ với những chú gấu bông khiến bố ngạc nhiên. Bộ quần áo mới màu xanh da trời mẹ mới mua tuần trước, tôi đem giấu ở đáy hòm cùng với bộ mặt ỉu xìu. Tôi lẩm bẩm một mình: "Tụi bạn mình toàn mặc váy ngắn, trông sành điệu lắm, thế mà mẹ mua cho mình bộ quần áo ngố này, mặc vào trông ngố thật ấy chứ. Thôi, chả mặc nữa". Tôi không ngờ, mẹ đứng đằng sau, mẹ nghe thấy hết. Mặt mẹ đỏ lên, giọng lạc hẳn đi:

- Con không thích thì thôi. Để mẹ mang trả.

Tôi nhăn nhó, cáu bẳn:

- Lần sau, mẹ mua gì thì để con tự chọn. Mẹ chẳng hiểu sở thích của con gì cả.

Mẹ giận dỗi:

- Giỏi! Con giỏi thật đấy.

Tôi vẫn đỏng đảnh:

- Con lớn rồi mà mẹ.

Mẹ bỏ đi, để mặc tôi với nỗi hậm hực trong lòng. Chuyện đó tiếp tục tái diễn khi anh trai tôi về nghỉ hè. Anh khoe anh vừa lĩnh được học bổng. Giọng anh hồ hởi:

- Em gái thích quà gì để anh mua cho nào? Bộ vợt cầu lông hay sách dạy nấu ăn? Hay quần áo mới?
Tôi làm mặt buồn thiu, ngúng nguẩy:

- Anh đoán chẳng trúng ý em gì cả. Bạn em đứa nào cũng có iPhone mới tinh chưa đập hộp hẳn hoi nhé.

Anh tôi cắt ngang:

- Nhưng anh có đi nước ngoài đâu. Em biết đua đòi từ khi nào vậy?

- Em muốn có cái điện thoại thôi mà anh bảo là đua đòi sao? Đám bạn thân của em đứa nào cũng có. Liên lạc tiện lợi lắm.

Mẹ đã nghe được cuộc trò chuyện của anh em tôi từ khi nào mà tôi không hề hay biết. Nỗi bực tức của mẹ được dịp trào lên:

- Con gái mẹ giỏi lắm. Nếu thực sự con thích điện thoại thì tự lao động, kiếm tiền mà mua lấy chứ đừng vòi vĩnh nữa. Con lớn rồi mà, phải không?

Tôi ngậm tăm, không dám hé răng. Anh trai tôi cũng ủng hộ ý kiến của mẹ:

- Mẹ nói phải đấy. Nghỉ hè mấy tháng mà em chỉ có ăn với chơi thì lãng phí thời gian lắm. Anh vừa học còn vừa tranh thủ làm thêm được cơ mà: gia sư này, bưng bê ở quán cà phê này...

Tự ái dâng lên đầy mình. Tôi không thèm xin xỏ anh trai nữa. Tôi quyết định hè này sẽ kiếm việc làm thêm để chứng tỏ với cả nhà là tôi đã lớn. Có bao nhiêu công việc cho tôi lựa chọn: bán hàng thuê, phục vụ ở quán ăn rửa bát đĩa, thêu tranh... Tôi vốn không có tính kiên trì, chỉ thích bay nhảy nên ngồi thêu cả ngày là tôi đầu hàng luôn. Bán hàng thuê cũng bị bó buộc thời gian. Bưng bê ở quán ăn thì chóng cả mặt. Cuối cùng tôi quyết định rửa bát thuê ở cửa hàng ăn sáng của dì tôi.

Suốt một tháng ròng, tôi ngồi còng lưng rửa bát, hai bàn tay búp măng ngọc ngà được chăm chút đến từng cái móng, giờ trông nhăn nheo, sần sùi như bàn tay của người lao động thực thụ. Cầm tháng lương đầu tiên dì trả mà nước mắt tôi trào ra. Tôi nhận ra một điều mà đáng lẽ tôi phải nhận ra từ lâu lắm rồi, rằng kiếm được đồng tiền thật không hề đơn giản. Vậy mà tôi chỉ biết đòi hỏi bố mẹ và anh trai đáp ứng những nhu cầu của mình. Tôi không biết rằng mỗi tháng bố mẹ phải vất vả như thế nào để được một lần lĩnh lương. Tôi quyết định dùng tháng lương làm thêm trong hè này để mua tặng mỗi người một món quà. Nhận bộ quần áo mới từ tay tôi, mẹ mỉm cười, nhẹ nhàng:

- Món quà quý giá con tặng mẹ không phải là bộ quần áo này mà chính là bài học về giá trị của lao động, bài học về sự quan tâm dành cho gia đình, cho người khác.

VƯƠNG PHƯƠNG DUNG (Lớp 10B, Trường THPT Nam Sách)