Cầu đá - hồn quê
Di tích - Ngày đăng : 09:06, 18/07/2016
Thanh Hà còn giữ được nhiều cầu đá nhất tỉnh với 13 chiếc. Những chiếc cầu đá xưa vừa là kỷ niệm đối với người dân, vừa mang đậm giá trị văn hóa lịch sử địa phương.
Cầu đá Quách An ở thôn Quách An (xã Thanh An) đã bị sụt một đầu cầu
Vẻ đẹp làng quê
Về thôn Hoàng Xá (xã Quyết Thắng), chúng tôi được chiêm ngưỡng kiến trúc độc đáo của cây cầu đá Đồng Tràng. Cầu dài 13,5 m, rộng 1,6 m, hình cầu vồng. Cầu có 9 nhịp, mỗi nhịp gồm 4 phiến đá ghép lại, tất cả đều là đá xanh được mua từ Thanh Hóa. Đế cột là những chiếc cối đá có lỗ rộng vừa khít chân cột. Trên đầu cột là xà đỡ, 2 đầu xà được chạm khắc hình đầu rồng. Những phiến đá được ghép nối với nhau mà không cần đến chất liệu xi măng, vôi vữa. Đến nay, cầu vẫn còn vững chãi.
Theo lịch sử ghi lại, ở thế kỷ 19, làng Hoàng Xá từng có 24 chiếc cầu đá lớn, nhỏ. Cây cầu Đồng Tràng bắc qua sông Đồng Dựng đổ ra sông Hương, nối liền xã Tân An và Quyết Thắng. Các cây cầu đá đều được dựng cao để thuyền bè đi lại. Để có được những cây cầu đá trường tồn hàng trăm năm là nhờ công sức của người dân thôn Hoàng Xá. Họ đã góp tiền của mua đá từ tỉnh Thanh Hóa chở về theo đường sông. Một số nét hoa văn trên thân cầu được chạm khắc ngay tại nơi khai thác đá, số còn lại do thợ ở vùng quê này thực hiện.
Cây cầu đá Quách An ở thôn Quách An (xã Thanh An) cũng là một trong những cây cầu đá đẹp của tỉnh. Cầu có chiều dài 16,5 m, rộng 1,2 m gồm 11 nhịp nối qua sông Quách sang đường 390C (đường từ ngã ba xã Việt Hồng đi đò Giải). Toàn bộ cây cầu làm từ đá xanh được mua ở Kinh Môn. Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, cây cầu bị bom đạn đánh gãy đoạn giữa nhưng sau đó người dân đã thay lại. Đi liền với cây cầu là tấm bia khắc từ năm 1918 với những dòng chữ Hán ghi lại thời điểm bắc cầu. Hiện một đầu cầu bị sụt xuống sông.
Thanh Hà vốn là vùng quê nhiều sông ngòi nên người dân phải dựng cầu để thuận tiện đi lại. Trước thế kỷ 19, làng quê Thanh Hà cũng như bao làng quê khác thường sử dụng tre, gỗ để bắc cầu, nhưng qua thời gian những chiếc cầu đó bị mối mục, gãy hỏng nên họ dần thay thế bằng cầu đá.Vì vậy, ở Thanh Hà lúc đó có hàng trăm cây cầu đá lớn, nhỏ. Do gần sông nên những cây cầu được vận chuyển về theo đường thủy. Sau hàng trăm năm, nhiều cầu đá vẫn tồn tại cho đến ngày nay. Ông Nguyễn Long Nhiêm, một người đã bỏ rất nhiều công sức để tìm hiểu về giá trị lịch sử của cầu đá huyện Thanh Hà cho biết: "Ở Thanh Hà có nhiều cây cầu đá lớn như Đồng Tràng (xã Quyết Thắng), Quách An (xã Thanh Hà), Tiền Liệt (xã Thanh Hải), Giếng Bún (xã Thanh Sơn)... Hầu hết đều do công sức của nhân dân đóng góp. Các cây cầu này không chỉ phục vụ người dân đi lại, mà còn là những công trình văn hóa nghệ thuật, mang vẻ đẹp độc đáo của một làng quê" .
Dần mai một
Theo thời gian, những cây cầu đá ở Thanh Hà dần xuống cấp, hư hỏng, mất đi. Một số nơi mở đường đi khác nên không sử dụng cầu đá. Một số nơi lại làm đường, làm cầu bằng bê tông chồng lên cầu đá. Cũng do cốt đất trũng nên người dân Thanh Hà đã đào đắp, tôn cao đường làng, ngõ xóm và nhiều cầu bị phá để làm trục lúa, nung vôi. Từ hàng trăm chiếc cầu đá lớn, nhỏ, đến nay Thanh Hà chỉ còn 13 chiếc. Trong đó, 7 chiếc cầu không còn nguyên trạng như ở Nhân Lư (xã Cẩm Chế), Vĩnh Bình (xã Thanh Cường), Cam Lộ (xã Tân Việt)...
Cụ Ngô Đức Ngạn ở thôn Quách An (xã Thanh An) năm nay đã 86 tuổi cho biết: "Sau khi có đường mới thay thế, cây cầu đá không còn sử dụng nữa. Nhiều người ở các nơi về mua cầu nhưng chúng tôi không bán. Cây cầu đã gắn liền với tuổi thơ của chúng tôi. Nó còn là công sức của các thế hệ trước. Nay việc bảo tồn, giữ gìn cây cầu là trách nhiệm của cả làng chứ không ai được bán".
Cũng vì muốn bảo tồn vốn xưa, nhiều người rất bức xúc trước việc phá dỡ cầu đá. Năm 2013, người dân xã Quyết Thắng đã phản đối gay gắt việc một số người định phá cầu đá Đồng Tràng để giải phóng mặt bằng làm đường 390. Hàng trăm người dân đã viết đơn kiến nghị huyện, tỉnh giữ gìn công trình của cha ông. Lắng nghe nguyện vọng của nhân dân, địa phương đã giữ lại cây cầu này.
Ông Phạm Tá Sơn, Trưởng phòng Văn hoá - Thông tin huyện Thanh Hà cho biết, để bảo tồn những cây cầu đá cổ, phòng đã đề nghị một số địa phương hiện còn cầu đá phải gìn giữ nguyên hiện trạng, không phá dỡ, mang bán hoặc di dời. Địa phương nào có thể trùng tu khuôn viên cầu thành nơi vui chơi, giải trí thì báo cáo huyện để xem xét.
MINH NGUYỆT