Bão tan, lũ lên nhanh
Môi trường - Ngày đăng : 12:14, 19/08/2016
* Bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản của người dân
* Dừng mọi cuộc họp chưa cấp thiết đối phó bão số 3
* Mất điện cục bộ ở nhiều nơi ảnh hưởng đến bơm tiêu úng
* Chí Linh: Xả tràn 3 hồ ở để phòng lũ quét
* Xảy ra nhiều sự cố sạt lở đê
* Nhiều doanh nghiệp cho công nhân nghỉ sớm tránh bão
>>Bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản của người dân
Chiều 19-8, bão số 3 đổ bộ vào khu vực Hải Phòng-Thái Bình với sức gió mạnh cấp 9-10, giật cấp 11-12 trên khu vực ven biển. Đến chiều tối cùng ngày, sau khi đi vào khu vực Hà Nội bão số 3 đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới. Đến 19 giờ, áp thấp nhiệt đới tiếp tục suy yếu thành một vùng áp thấp. Vùng áp thấp di chuyển theo hướng tây tây bắc và tan dần trên khu vực phía Tây Bắc Bộ.
Do ảnh hưởng của bão số 3 ở đảo Bạch Long Vĩ đã quan trắc được gió mạnh cấp 9, giật cấp 11; Cô Tô, Cửa Ông (Quảng Ninh) đã quan trắc được gió giật mạnh cấp 10-11; ở các tỉnh phía Đông Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ (Hải Phòng, Hải Dương, Hưng Yên, Thái Bình, Nam Định, Hà Nam, Ninh Bình, Bắc Giang, Bắc Ninh, Lạng Sơn, Vĩnh Phúc, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh) đã quan trắc được gió giật mạnh cấp 6-9. Riêng tại Hà Nội cũng đã quan trắc được gió giật mạnh cấp 6-8. Tổng lượng mưa 150-200mm trong 2 ngày vừa qua.
Từ đêm 19 đến hết ngày 20-8, ở Bắc Bộ và Thanh Hóa, Nghệ An tiếp tục có mưa diện rộng, riêng khu vực Tây Bắc, Việt Bắc có mưa to (50-150mm) có nơi trên 150mm. Lũ trên thượng lưu hệ thống sông Hồng-Thái Bình, sông Hoàng Long, sông Thương, sông Lục Nam, sông Mã, sông Bưởi đang lên nhanh. Dự báo lũ trên thượng lưu hệ thống sông Hồng-Thái Bình, sông Hoàng Long, sông Thương, sông Lục Nam, sông Mã, sông Bưởi tiếp tục lên nhanh. Sáng 20-8, mực nước trên các sông có khả năng như sau: trên sông Lục Nam tại Lục Nam lên mức 5,5m, trên báo động 2: 0,2m; trên sông Thương tại Phủ Lạng Thương lên mức 4,5m, trên báo động 1: 0,2m; trên sông Thao tại Yên Bái lên mức báo động 1 (30,0m); trên sông Mã tại Lý Nhân lên mức 10,0m, trên báo động 1: 0,5m, sông Bưởi tại Kim Tân lên mức 10,5m, trên báo động 1: 0,5m, sau đó còn tiếp tục lên. Lưu lượng đến hồ Hòa Bình có khả năng tăng lên mức 7000m3/s.
Nguy cơ cao xảy ra lũ lớn, lũ ống, lũ quét trên các sông suối nhỏ, sạt lở đất ở vùng núi, ngập úng ở vùng trũng, thấp tại các tỉnh Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Hòa Bình, Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Hà Giang, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Bắc Kạn, Cao Bằng, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Nghệ An. Cấp độ rủi ro thiên tai cấp 2.
Hải Dương: Khẩn trương ứng phó với bão số 3
* Theo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT-TKCN) tỉnh, do ảnh hưởng của bão số 3, đến 11 giờ ngày 19-8, trên địa bàn tỉnh xảy ra nhiều sự cố về đê điều và thủy lợi nội đồng.
Trên tuyến đê hữu sông Kinh Thầy (Nam Sách) xuất hiện một số cung sạt. Từ k16+070 đến k16+074 đê hữu Kinh Thầy xuất hiện hiện tượng xói mái đê phía sông. Chiều rộng hố xói (theo đê) 4m; chiều dài hố xói (theo mái đê) 3,9m, sâu 1,35m. Hố xói sâu vào mặt đê 0,3m (mặt đê đã được bê tông rộng 6m). Từ km9+977 đến k10+024 xuất hiện cung sạt dài 47m, lấn sâu vào bãi từ 1,5 - 2m, tụt sâu từ 1,9 - 2,3m. Vị trí gần nhất cách chân đê 30m. Vị trí từ km10+040 đến km10+088 xuất hiện cung sạt dài 48m, lấn sâu vào bãi từ 1,5 - 2m, tụt sâu 1,9 - 2,3m. Vị trí gần nhất cách chân đê 35m. Ban Chỉ huy PCTT - TKCN huyện Nam Sách đang kiểm tra, theo dõi và xử lý.
Trên tuyến đê tả sông Kinh Thầy (Chí Linh) cũng xuất hiện một số cung sạt. Từ km1+650 đến km1+656 đê tả Kinh Thầy xuất hiện hiện tượng sạt lở bãi sông lấn sâu vào bãi từ 0,7 - 2m, chiều dài cung sạt 6m, cung sạt tụt thẳng đứng, cách chân đê 30m. Vị trí từ km1+712 đến km1+758 đê tả Kinh Thầy đã có sạt lở và đang phát triển tiếp. Hiện nay cung sạt dài 38m lấn sâu vào bãi từ 2-2,5m, cách chân đê 16m, cung sạt tụt sâu 2,5m, vách đứng. Mặt bãi có nhiều vết nứt, tiếp tục có diễn biến sạt lở mạnh lấn sâu vào hàng tre chắn sóng... Ban Chỉ huy PCTT - TKCN thị xã Chí Linh đã lập phương án bảo vệ trọng điểm, tiếp tục kiểm tra, theo dõi.
Trên tuyến đê hữu sông Kinh Thầy (Kinh Môn) xuất hiện cung sạt mái đê phía đồng, lấn vào mặt đê 1m, nguyên nhân do ao sát chân đê do mưa bão dâng cao làm đất ngấm nhiều nước, mái phía đồng thẳng đứng nên gây sạt. Ban Chỉ huy PCTT- TKCN huyện Kinh Môn đang tổ chức xử lý tạm thời.
Trên tuyến đê tả Lạch Tray (Kim Thành) xuất hiện cung sạt mái đê phía sông. Nguyên nhân mang cống và phần đất đắp mái đê dốc đứng, do mưa kéo dài làm bão hòa nước dẫn đến sạt lở. Ban Chỉ huy PCTT -TKCN huyện Kim Thành đang tổ chức xử lý tạm thời theo phương châm 4 tại chỗ.
Thị xã Chí Linh xảy ra sự cố sạt bờ vùng sông Đông Mai tại vị trí Đồng Ngoài (xã An Lạc). Chiều dài cung sạt từ 25-30 m, sạt sâu vào sát chân vùng từ 1,5-2m. Ban Chỉ huy PCTT-TKCN thị xã đang cho xử lý khẩn cấp, dự kiến chiều tối 19-8 sẽ xử lý xong.
Tại huyện Gia Lộc, trạm bơm ông Bưởng sạt 8m chân mái phía thượng lưu. Huyện Kinh Môn, trạm bơm Quan Bến đứt cầu chì nhưng đã xử lý xong. Huyện Thanh Hà, trạm bơm Đò Phan, Cấp Tứ, Thanh Lang mất điện lúc 9 giờ ngày 19-8.
* Theo Xí nghiệp Khai thác công trình thủy lợi Hải Dương, đến 3 giờ 30 phút ngày 19-8, 100% các trạm bơm tiêu úng trong tỉnh vẫn bơm gạn tháo nước. Các địa phương không xảy ra ngập úng mặc dù có nơi lượng mưa trên 100mm. Các hồ đập trên địa bàn thị xã Chí Linh vẫn bảo đảm an toàn, không xảy ra sự cố. Xí nghiệp Khai thác công trình thủy lợi thị xã Chí Linh đang cắt cử công nhân rà soát, kiểm tra hồ đập để xử lý kịp thời khi xảy ra sự cố. Việc vận hành hồ đập tuân thủ theo quy định.
Nông dân xã Gia Xuyên chằng chống đào
* Theo Chi cục Thủy lợi tỉnh, đến 7 giờ ngày 19-8, chưa có diện tích lúa và hoa màu bị ngập úng do các địa phương chủ động bơm gạn tháo. Các địa phương đang tiếp tục bơm gạn, không để xảy ra ngập úng cục bộ. Toàn tỉnh có 93 trạm bơm hoạt động để bơm tháo gạn. Trong đó, huyện Gia Lộc phải vận hành 20 trạm bơm, nhiều nhất tỉnh.
Tuy nhiên, quá trình bơm gạn tháo nước xảy ra mất điện cục bộ ở nhiều nơi. Các trạm bơm Vạn Thắng, Văn Đức, Hoàng Tiến (Chí Linh) bị mất điện. Từ 3 giờ ngày 19-8, các trạm bơn Kênh Than, An Phụ, Trạm Lộ, Lê Ninh (Kinh Môn) cũng không có điện để bơm chống úng. Tại huyện Kim Thành, tất cả các trạm bơm đều bị mất điện và điện chỉ được cấp trở lại lúc 6 giờ 45 ngày 19-8. Huyện Thanh Hà, nguồn cấp điện không ổn định từ 17 - 24 giờ ngày 18-8 khiến công việc bơm chống úng gặp nhiều khó khăn. Tại huyện Ninh Giang, mất điện ở trạm bơm Ninh Hòa. Trạm bơm Thái Dương ở Bình Giang cũng bị mất điện. Các trạm bơm Văn Thai, Tiên Kiều, Thạch lỗi (Cẩm Giàng) bị mất điện từ 19 giờ 30 ngày 18-8, đến nay đã được cấp điện trở lại nhưng vẫn còn các trạm bơm Ngọc Liên, Bình Phiên, Cẩm Hưng đang bị mất điện. 17 giờ ngày 18-8, trạm bơm Lê Ninh (Kinh Môn) bị cháy động cơ máy số 2, để khắc phục sự cố này, huyện đã lấy động cơ trạm bơm Đèo Ngà về thay thế. Tại huyện Ninh Giang bị đổ cột điện ở trạm bơm Ninh Hòa.
Trong sáng 19-8, ngành điện đã nỗ lực khắc phục sự cố, cấp điện trở lại cho các trạm bơm trên địa bàn tỉnh phục vụ bơm tiêu úng. Tuy nhiên, từ 13 giờ đến 13 giờ 30 ngày 19-8 lại xảy ra mất điện tại nhiều trạm bơm. Tất cả các trạm bơm trên địa bàn huyện Bình Giang đều mất điện, không thể vận hành. Tình trạng mất điện tương tự cũng xảy ra tại các trạm bơm: Du Tái, Ba Nữ, Thanh Thủy B, Thanh Cường, Ngọc Điểm, Cống Gang (Thanh Hà); Vân Dương, Đại Đức (Kim Thành); Ghẽ, Bối Tượng (Cẩm Giàng); Đò Hàn (Nam Sách); Quang Tiền (Gia Lộc)... Chi cục Thủy lợi tỉnh yêu cầu Xí nghiệp Khai thác công trình thủy lợi các địa phương tích cực phối hợp với ngành điện khắc phục các sự cố, bảo đảm trong thời gian sớm nhất cấp điện trở lại.
* Để hạn chế tối đa thiệt hại do bão số 3 gây ra và khôi phục sản xuất sau mưa bão, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) đề nghị UBND các huyện, thành phố, thị xã và các cơ quan chuyên môn tập trung chỉ đạo tháo kiệt nước đệm trên hệ thống sông trục, kênh mương nội đồng và trên ruộng. Khơi thông dòng chảy trên các kênh tiêu, các cống đầu khâu; tôn cao bờ vùng, bờ thửa, bờ kênh tiêu ở vùng có nguy cơ bị ngập nặng. Kiểm tra, chuẩn bị sẵn sàng mọi phương tiện máy bơm điện, bơm dầu để đảm bảo chủ động tiêu úng nhanh nhất và kịp thời. Khoanh vùng ưu tiên bơm tiêu nhanh cho những diện tích lúa, rau màu, cây ăn quả, diện tích nuôi trồng thủy sản bị ngập nặng.
Với vùng trồng rau màu, nông dân cần vét sâu rãnh luống, đào sâu các đầu luống để thoát nước nhanh, kịp thời và che phủ nilon, chằng chống mái che cho rau màu vụ hè thu, vụ đông cực sớm, đặc biệt là diện tích cây giống vụ đông. Chuẩn bị hạt giống để sẵn sàng gieo trồng cây vụ đông sớm sau khi hết mưa bão.Sau khi mưa bão tan, chăm sóc kịp thời cho rau màu bị ảnh hưởng (xới xáo, phá váng, phun thuốc phòng trừ sâu bệnh, bón phân tăng cường phát triển rễ...).
Đối với cây ăn quả, hoa cây cảnh, nông dân nên thu hoạch nhanh gọn diện tích đã đến kỳ thu hoạch; cắt bớt cành, lá, chằng chống để hạn chế đổ gẫy; đào sâu khơi thông dòng chảy quanh vườn để tiêu thoát nước kịp thời, chú ý cho diện tích ổi, chuối, na, nhãn, cam bưởi tại các vùng sản xuất tập trung. Sau khi bão tan, mưa ngớt, người dân tập trung dọn vườn, sử dụng phân bón lá, phân lân, phân hữu cơ vi sinh, các chế phẩm kích thích ra rễ để cây hồi phục, hạn chế bón đạm, lân, kali khi cây chưa phục hồi.
Đối với lúa mùa, ưu tiên bơm tiêu úng kịp thời cho diện tích lúa mùa muộn tại Kinh Môn, Kim Thành và lúa cấy chân trũng tại các huyện bị ảnh hưởng từ các đợt mưa trước. Hướng dẫn nông dân vệ sinh đồng ruộng, vớt sạch rong rêu, cỏ dại, phun thêm các chất hỗ trợ sinh trưởng, phân qua lá để lúa nhanh phục hồi; phòng trừ kịp thời, hiệu quả các bệnh hay phát sinh gây hại sau mưa bão như bạc lá, đốm sọc vi khuẩn và các đối tượng sâu cuốn lá nhỏ, khô vằn, rầy nâu. Bón đón đòng cho lúa kịp thời đủ lượng khi lúa đứng cái, làm đòng.
Đối với diện tích nuôi thuỷ sản, hướng dẫn nông dân chuẩn bị lưới để đăng chắn ngăn cá thoát ra ngoài. Nâng cao bờ vùng, nhất là vùng nuôi trồng thủy sản tập trung, các ao nuôi ngoài sông. Kiểm tra, khắc phục bờ ao rò rỉ, hang chuột, những vị trí bờ ao yếu, có khả năng bị tràn. Tổ chức thu cá, chuyển cá đối với những ao hồ ngoài đê khi cần thiết. Tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn đến từng hộ nuôi cá lồng, không lơ là chủ quan với mưa bão. Tăng cường dây neo giữ, cố định các lồng nuôi, bổ sung phao nổi, có lưới bảo vệ lồng, chuẩn bị phao cứu sinh cho lao động làm việc trên lồng; thu gom dụng cụ, vật tư trên lồng để hạn chế cản gió; chủ động cắt điện và củng cố hệ thống đèn chiếu sáng khi có bão đến. Chủ động phương án có lũ lớn và nước sông dâng cao để bảo đảm an toàn về người, tài sản.
Trong chăn nuôi, cơ quan chuyên môn hướng dẫn chủ hộ nuôi thực hiện gia cố, che chắn, vệ sinh tiêu độc khử trùng chuồng trại; chuẩn bị đủ thức ăn, nước uống và thuốc thú y cho đàn gia súc, gia cầm; không thả rông các loại gia súc, gia cầm trong những ngày xảy ra mưa bão. Những nơi có nguy cơ sạt lở đất, lũ, lụt kéo dài cần chủ động phương án di dời đàn vật nuôi đến những nơi an toàn (chuẩn bị lán trại) hoặc giảm đàn vật nuôi tại những nơi có nguy cơ trước khi lụt bão xảy ra. Sau khi bão tan, dọn rửa chuồng trại chăn nuôi, phun thuốc tiêu độc khử trùng chuồng trại và khu vực xung quanh, kiểm soát chặt chẽ dịch bệnh trên đàn lợn và gia cầm; chăm sóc tốt cho đàn gia súc, gia cầm để phục hồi thể trạng.
* Sáng 19-8, Chủ tịch UBND huyện Nam Sách Bùi Văn Thăng trực tiếp đi kiểm tra công tác ứng phó với bão cấp 3 ở các vị trí đê xung yếu, các lồng cá, bến bãi, các khu vực sản xuất chuyển đổi ngoài đê, các vùng trũng trên địa bàn huyện.
Lãnh đạo huyện Nam Sách yêu cầu các chủ lồng cá phải neo chặt vào bờ, đề phong gió bão giật đứt
Từ chiều 18-8 đến 9 giờ ngày 19-8, lượng mưa trên địa bàn huyện Nam Sách ước tính khoảng 98mm. Hiện cả 6 trạm bơm tiêu úng trên địa bàn huyện đang hoạt động hết công suất để tháo gạn nước đệm, hạn chế thấp nhất tình trạng ngập úng trên địa bàn.
* Để chủ động ứng phó với bão số 3, các đơn vị trong toàn lực lượng của Công an tỉnh, trong đó có Phòng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu hộ cứu nạn - một trong những đơn vị chủ công đã lên kế hoạch sẵn sàng ứng phó với các tình huống trước, trong và sau bão. Lãnh đạo phòng triển khai các phương án ứng phó với các tình huống do mưa bão gây ra đến các cán bộ chiến sĩ của phòng, đặc biệt với cán bộ chiến sĩ trực tiếp ở đội cứu hộ, cứu nạn. Kiểm tra kỹ lưỡng máy móc, phương tiện cứu hộ, cứu nạn. Các chiến, kỹ thuật cơ bản trong công tác cứu hộ, cứu nạn cũng được thực hành thuần thục.
Cán bộ, chiến sĩ Phòng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu hộ cứu nạn sẵn sàng
nhận nhiệm vụ phòng chống mưa bão. Ảnh: Văn Tú
Công an huyện Kinh Môn chủ động phối hợp với quân đội, dân quân tự vệ ở địa phương sẵn sàng ứng phó với các tình huống khi có mưa lớn gây lũ quét và ngập úng ảnh hưởng đến tính mạng và tài sản của người dân. Công an huyện chủ động phối hợp với các đơn vị tại địa phương trong công tác ứng phó với các tình huống khi có mưa bão kèm theo lũ quét, sạt lở đất, sập đổ công trình... Đặc biệt, phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ như phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và cứu hộ cứu nạn, Phòng Cảnh sát đường thủy diễn tập các phương án cứu hộ cứu nạn trên địa bàn rừng núi, sông suối, kênh mương... giúp nhân dân tiếp cận được với các điều kiện chăm sóc sức khỏe sớm nhất, tốt nhất... nhằm giảm thiệt hại tối đa hậu quả do bão, lũ gây ra trên địa bàn.
* Theo Công ty TNHH một thành viên Khai thác công trình thủy lợi Hải Dương, đến trưa 19-8, hầu hết các trạm bơm tiêu trên địa bàn các huyện, thành phố, thị xã đang bơm gạn tháo đề phòng mưa lớn gây ngập úng. Các hồ Phú Lợi, Hố Vễn và Bến Tắm Ngoài (Chí Linh) đã vượt tràn nên phải xả để đề phòng lũ quét.
Hiện nay các trạm bơm tiêu úng đã sẵn sàng hoạt động nhưng ở một số địa phương việc cấp điện không ổn định, có nơi mất điện khiến cho việc bơm gạn tháo tiêu úng gặp khó khăn.
* Theo Phòng NNPTNT huyện Gia Lộc, đến 10 giờ ngày 19-8, 30 ha lúa bị úng tại các vùng trũng, thấp ở các xã Lê Lợi, Gia Khánh, Thống Kênh và rải rác ở một số xã khác đã được bơm tiêu, không còn diện tích bị úng. Diện tích rau màu hè thu cũng không bị ảnh hưởng do người dân đã chủ động thu hoạch từ trước. Một số diện tích rau mới trồng và rau giống vụ đông, nông dân đã sử dụng khum che nilon nên không bị ảnh hưởng nhiều do mưa.
Sau khi đi kiểm tra thực tế tại các địa phương có diện tích trồng rau màu lớn của huyện như Lê Lợi, Phạm Trấn, Đoàn Thượng, Toàn Thắng, Phòng NNPTNT huyện tiếp tục chỉ đạo các địa phương chuẩn bị chuẩn bị các máy bơm dã chiến để bơm tiêu úng cho rau, lúa khi mưa lớn kéo dài.
* Trong 12 giờ qua, trên địa bàn huyện Bình Giang có mưa rất to, tổng lượng mưa đo được khoảng 100 mm. Đến 11 giờ 19-8, Xí nghiệp Khai thác các công trình thủy lợi huyện Bình Giang đã cho vận hành tất cả 88 trạm bơm chống úng. Sáng cùng ngày, xảy ra sạt lở một đoạn đê bờ vùng Bắc Hưng Hải qua địa phận xã Thái Dương. Các đơn vị liên quan đang khẩn trương phối hợp khắc phục điểm sạt lở.
Lãnh đạo huyện Bình Giang kiểm tra trạm bơm Ô Xuyên (xã Cổ Bì)
150 dân quân cơ động cùng người dân xã An Lạc dùng tre, rào, bao tải, máy xúc, đất để đắp chắn sóng
để ngăn chặn tình trạng sạt lở. Ảnh: Trung Kiên
* Để ứng phó với bão số 3, ngành y tế tỉnh chuẩn bị đầy đủ cơ số thuốc, vật tư theo quy định. Các bệnh viện chuẩn bị đủ 2 cơ số thuốc và 1 cơ số dụng cụ y tế. Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh chuẩn bị 10 cơ số thuốc phòng dịch, 10 cơ số hóa chất khử khuẩn. Các trung tâm y tế tuyến các huyện, thị, thành phố và các trạm y tế bảo đảm nửa cơ số thuốc và hóa chất. Tại kho vật tư Công ty CP Dược vật tư y tế chuẩn bị đủ 50 cơ số thuốc, 30 cơ số vật tư và chỉ đạo 12 chi nhánh dược các huyện, thành phố, thị xã bảo đảm mỗi đơn vị 2 cơ số thuốc... Các bệnh viện triển khai phân công trực chữa bệnh đầy đủ.
Ngành y tế tỉnh chuẩn bị đầy đủ cơ số thuốc, vật tư theo quy định
* Để chủ động đối phó với bão số 3, Cục Dự trữ Nhà nước khu vực Hải Hưng yêu cầu tất cả lực lượng thường trực tại các điểm kho, chi cục và trung tâm phòng chống mưa bão của đơn vị. Cục tổ chức lực lượng cơ động cùng 20 cán bộ tăng cường xuống cơ sở chỉ đạo công tác phòng chống mưa bão. Lãnh đạo cục đi kiểm tra một số điểm kho, nhất là các điểm kho có cơ sở vật chất hạn chế như Bình Hà (Thanh Hà), Đò Vạn (Tứ Kỳ), Đồng Tâm (Ninh Giang), Bô Thời (Khoái Châu)... Tại các điểm kho, lực lượng tại chỗ tăng cường kiểm tra, chèn nẹp và gia cố mái, cửa chính, cửa thông thoáng các kho hàng; khơi thông các cống, rãnh thoát nước quanh kho; chặt tỉa cành cây trong khu vực các điểm kho hàng dự trữ nhà nước.
* Theo Ban Chỉ huy PCTT-TKCN huyện Cẩm Giàng, từ 7 giờ ngày 19-8 đến 13 giờ 30 ngày cùng ngày, trên địa bàn huyện đã có mưa to từ 90-100 mm, kèm theo gió giật mạnh. Với tình hình mưa như hiện nay, lượng mưa đến cuối giờ chiều có thể đạt từ 150-200 mm. Ban Chỉ huy PCTT-TKCN huyện đã kiểm tra, phát hiện trên bờ kênh Bắc Hưng Hải qua xã Cẩm Phúc có một điểm sạt lở dài 50 m và một điểm sạt lở ở xã Cẩm Đoài dài 5 m. Huyện yêu cầu chính quyền địa phương khẩn trương xử lý các điểm sạt lở; chỉ đạo các trạm bơm tiếp tục bơm gạn tháo nước đệm.
* Theo Ban Chỉ huy PCTT-TKCN huyện Thanh Hà, từ 12 giờ 30 ngày 19-8 đến 14 giờ chiều cùng ngày, nhiều xã trên địa bàn huyện bị mất điện, đặc biệt là khu Hà Đông và Hà Nam. Điện lực Thanh Hà cử 30 cán bộ, nhân viên khẩn trương xử lý sự cố. Trước đó, vào sáng cùng ngày, Ban Chỉ huy PCTT-TKCN huyện đã thành lập 4 đoàn kiểm tra tình hình mưa bão trong huyện, chỉ đạo khắc phục kịp thời sự cố sạt lở bờ đê tại xã Thanh Cường; xử lý lượng đất làm cản chở dòng chảy tại khu vực cống qua đường ở xã Tân Việt. Xí nghiệp Khai thác công trình thủy lợi huyện huy động tất cả trạm bơm tiêu úng.
* Từ sáng 19-8 đến 13 giờ 30 cùng ngày, tổng lượng mưa đo được trên địa bàn huyện Tứ Kỳ đạt 52 mm. Xí nghiệp Khai thác công trình thủy lợi huyện đã vận hành tất cả các trạm bơm tiêu úng cho diện tích lúa mùa, cây rau màu, cây ăn quả. Hiện các diện tích lúa, cây hoa màu và thủy sản trên địa bàn toàn huyện vẫn an toàn. Xí nghiệp Khai thác công trình thủy lợi huyện đóng chặt 21 cống dưới đê hữu sông sông Thái Bình và đê tả sông Luộc.
Sáng cùng ngày, Hạt Quản lý đê Tứ Kỳ yêu cầu cán bộ, nhân viên kiểm tra lại các tuyến đê được phụ trách theo dõi nhằm phát hiện, xử lý kịp thời các sự cố sạt trượt, rò rỉ, thẩm lậu; kiểm tra, rà soát lại phương tiện, vật tư phòng chống lụt bão; sẵn sàng triển khai phương án bảo vệ các trọng điểm phòng chống lụt bão như kè Thanh Kỳ (xã An Thanh), âu thuyền An Thổ (xã Nguyên Giáp)...
* Theo Đài Khí tượng thủy văn tỉnh, do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 3, liên tiếp những ngày qua trên địa bàn tỉnh có mưa vừa, mưa to đến rất to. Tính từ sáng 18-8 đến 14 giờ ngày 19-8, lượng mưa đo được phổ biến từ 50 mm - 160 mm, trong đó huyện Bình Giang mưa lớn nhất với 160 mm, TP Hải Dương 100 mm... Mưa liên tục kéo dài nên một số tuyến phố Nguyễn Lương Bằng, Ngô Quyền, Đức Minh... của TP Hải Dương đã bị ngập, ảnh hưởng đến việc đi lại, sinh hoạt của người dân. Nhiều xe máy bị ngập nước chết máy. Dự báo, chiều tối cùng ngày khi bão số 3 đổ bộ vào đất liền, mưa lớn sẽ tiếp tục diễn ra nên nhiều tuyến đường bị ngập.
Trạm bơm Bình Lâu với công suất 11.700 m3/giờ với 4 máy bơm công suất nhỏ và 3 máy bơm công suất lớn
đã vận hành hết công suất. Ảnh: Thành Chung
* Theo Ban Chỉ huy PCTT-TKCN huyện Kim Thành, đến trưa 19-8, hơn 2.000 ha lúa vụ mùa mới cấy, hơn 1.200 ha rau màu vụ hè, hè thu trong toàn huyện chưa xảy ra ngập úng. 100% các trạm bơm tiêu úng trên địa bàn đều hoạt động hết công suất.
Người dân Kim Thành đăng chắn tại các khu vực nuôi thủy sản để phòng mưa lớn, tôm cá tràn ra ngoài
Để đối phó với bão số 3, Điện lực Kim Thành đã tiến hành kiểm tra các hệ thống cột, đường dây điện ở các xã Liên Hoà, Bình Dân - nơi có nguy cơ gẫy, đổ cao khi mưa to, gió lớn. Đơn vị cũng tổ chức gia cố, chằng néo lại những cột điện có nguy cơ gẫy, đổ. Điện lực huyện ưu tiên cấp điện ổn định cho các trạm bơm tiêu úng, trực 100% quân số để kịp thời xử lý khi có sự cố xảy ra, chuẩn bị đủ vật tư, phương tiện để ứng phó với các tình huống xấu...
* Theo Xí nghiệp Khai thác công trình thủy lợi huyện Kinh Môn, sau sự cố mất điện lúc 3 giờ ngày 19-8, các trạm bơm Kênh Than, An Phụ, Trạm Lộ, Lê Ninh đã có điện trở lại nhưng nguồn cấp điện không ổn định. Trên tuyến đê hữu sông Kinh Thầy đoạn qua thôn Trại Mới, xã Hiệp An đã xuất hiện cung sạt mái đê phía đồng, lấn vào mặt đê 1 m. Khoảng 30 người gồm lực lượng dân quân tự vệ xã Hiệp An, thanh niên thôn Trại Mới và 2 máy xúc, 2 ô tô chở đất được huy động ứng cứu đê. Lực lượng ứng cứu đã đóng 100 cọc tre, sử dụng 16 cây tre, 200 bao tải và khoảng 100 m3 đất đá để kè đê. Đến 12 giờ cùng ngày, sự cố đã cơ bản được khắc phục. Lượng mưa đo được trên địa bàn huyện từ sáng 19-8 đến 13 giờ cùng ngày đạt 33 mm. Trên địa bàn huyện chưa xảy ra ngập úng.
* Do chủ động ứng phó với bão số 3 nên trên 2.000 cột phát sóng 2G và 3G của các nhà mạng trên địa bàn tỉnh đều an toàn, thông tin liên lạc được thông suốt. Duy chỉ có VNPT Hải Dương bị sét đánh hỏng 1 máy phát sóng khu vực Đại An (TP Hải Dương) vào tối 18-8. Tuy nhiên, doanh nghiệp đã thay thế kịp thời máy phát dự phòng. Do mất điện lưới cục bộ nên các nhà mạng phải sử dụng trên 400 máy phát điện tại chỗ để duy trì hoạt động của các trạm phát sóng. Đến chiều tối cùng ngày, nhiều nơi vẫn chưa có điện lưới, nhất là tại các huyện Ninh Giang, Tứ Kỳ...
Nhiều doanh nghiệp cho công nhân nghỉ sớm Lo ngại mưa bão sẽ ảnh hưởng đến việc đi lại của công nhân, nhất là những người ở xa nên trong ngày 19-8, một số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã dừng sản xuất, cho công nhân về nhà sớm. Công ty TNHH Thiên Sư Việt Nam cho công nhân nghỉ từ 9 giờ sáng. Các công ty TNHH: PCC Lục Xương Việt Nam, Chính xác Ngân Vượng, Việt Nam Toyo Denso cho công nhân nghỉ từ đầu giờ chiều. Một số công ty cho công nhân nghỉ làm sớm hơn quy định khoảng 2 tiếng như các Công ty TNHH: May Tinh Lợi, Nam Yang Delta, Kim Thụy Phúc, Kuroda Kagaku Việt Nam... Học sinh nghỉ học tránh bão Theo Phòng Giáo dục và Đào tạo TP Hải Dương, trong ngày 19-8, đa số các trường mầm non ở thành phố cho học sinh nghỉ. Tại nhiều trường THCS, tiểu học trên địa bàn, học sinh chỉ đến thời gian ngắn trong buổi sáng 19-8 để làm số việc liên quan đến công tác chuẩn bị cho năm học mới sau đó được về. Tại 2 huyện Kinh Môn, Cẩm Giàng, trong ngày 19-8, Phòng Giáo dục và Đào tạo các huyện trên chỉ đạo tất cả các nhà trường dừng các hoạt động không cần thiết, nhất là liên quan đến học sinh để bảo đảm an toàn cho các em. Giá rau xanh tăng mạnh
|
* Chiều 18-8, đồng chí Nguyễn Dương Thái, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh kiểm tra công tác phòng chống lụt bão tại các huyện: Thanh Hà, Nam Sách và thị xã Chí Linh.
Tại huyện Thanh Hà, sau khi kiểm tra trạm bơm Thanh Thuỷ B, Cấp Tứ và cống sông Hương, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Xí nghiệp Khai thác công trình thuỷ lợi huyện kiểm tra, rà soát lại toàn bộ các trạm bơm, chủ động mở cống, bơm gạn tháo nước đệm trên các sông trục, sông nội đồng, sẵn sàng hoạt động hết công suất khi có mưa lớn. Lưu ý cán bộ, nhân viên trạm bơm Cấp Tứ sẵn sàng ứng trực, vận hành hệ thống máy bơm, không để úng ngập gây thiệt hại cho diện tích cây ăn quả của người dân ở các xã: Thanh Xuân, Liên Mạc và Thanh Lang. Công ty TNHH MTV Điện lực Hải Dương nhanh chóng khắc phục các sự cố, bằng mọi cách cung cấp điện ổn định phục vụ bơm tiêu thoát úng.
Tại thị xã Chí Linh, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Dương Thái yêu cầu Xí nghiệp Khai thác công trình thủy lợi thường xuyên kiểm tra, rà soát hệ thống hồ, đập trên địa bàn, chủ động xả bớt nước, kiểm tra các cửa, cánh cống sẵn sàng điều tiết nước khi có lũ lớn, không để vỡ, tràn đập, bảo đảm an toàn cho vùng hạ lưu của thị xã.
Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Dương Thái kiểm tra công tác phòng
chống mưa bão tại thị xã Chí Linh
Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Dương Thái kiểm tra công tác phòng chống mưa bão tại huyện Nam Sách
Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Dương Thái đề nghị trong mọi tình huống phải bảo đảm an toàn tính mạng của người dân.
* Chiều 18-8, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT-TKCN) tỉnh Hải Dương có công điện khẩn gửi các huyện, thị xã, thành phố; các sở, ngành, cơ quan liên quan chủ động ứng phó với bão số 3.
Ban Chỉ huy PCTT-TKCN yêu cầu các huyện, thành phố, thị xã, các cấp, các ngành thường xuyên theo dõi, cập nhật diễn biến mưa, bão, lũ để thông báo cho nhân dân chủ động phòng, tránh, giảm thiểu thiệt hại, tránh tư tưởng chủ quan. Triển khai các phương án đối phó với mưa, bão, lũ theo kế hoạch. Chằng chống nhà cửa, bảo vệ các kho tàng, trường học, kho thuốc bảo vệ thực vật, các cơ sở hạ tầng đang xây dựng; di dời dân ở những vùng nguy hiểm đến nơi an toàn trước khi bão vào đất liền, chú trọng các đối tượng chính sách, neo đơn, hộ nghèo... Bơm, gạn, tháo chống úng cho diện tích lúa mùa, cây rau màu vụ hè thu và cây ăn quả, các khu vực nuôi trồng thủy sản; phương án chống bão, lũ cho các cơ sở nuôi cá lồng trên sông; phương án đảm bảo an toàn cho các phương tiện vận tải thủy, các bến đò dọc, đò ngang. Kiểm tra các công trình đê, kè, cống, hồ đập đặc biệt là các trọng điểm chống lụt bão, các vị trí công trình đê điều, bãi sông đang bị sạt lở chưa được xử lý, các vị trí xung yếu trên hệ thống đê Bắc Hưng Hải, công trình thủy lợi nội đồng, các công trình còn đang thi công để có giải pháp ứng phó phù hợp, kịp thời. Thị xã Chí Linh, huyện Kinh Môn triển khai phương án phòng chống lũ quét, sạt lở đất, phương án bảo đảm an toàn cho hồ đập, khu vực mỏ khai thác mỏ trên địa bàn. Thông báo, hướng dẫn các chủ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn nhà xưởng hạn chế thấp nhất thiệt hại do bão gây ra.
Công ty TNHH một thành viên Khai thác công trình thủy lợi tỉnh, Công ty TNHH một thành viên Khai thác công trình thủy lợi Bắc Hưng Hải, Công ty CP Quản lý công trình đô thị Hải Dương phối hợp với Ban Chỉ huy PCTT-TKCN các huyện, thành phố, thị xã triển khai phương án chống úng, ưu tiên diện tích trồng lúa, rau màu ở các vùng trũng và các khu nuôi thủy sản tập trung. TP Hải Dương chủ động thực hiện phương án chống úng nội đô. Công ty TNHH một thành viên Điện lực Hải Dương khẩn trương khắc phục các sự cố về điện đã xảy ra, đặc biệt chú ý khắc phục nhanh các sự cố sau bão để cung cấp điện phục vụ công tác chống úng, sản xuất. Sau khi bão tan, yêu cầu các sở, ban, ngành phối hợp chặt chẽ với các huyện, thành phố, thị xã hướng dẫn, giúp đỡ nhân dân khắc phục hậu quả, sớm ổn định đời sống, sản xuất; thực hiện nghiêm túc công tác thống kê, báo cáo thiệt hại và đề xuất hỗ trợ, khắc phục hậu quả theo quy định hiện hành.
Dừng mọi cuộc họp chưa cấp thiết đối phó bão số 3 Tại buổi làm việc, Thủ tướng lưu ý ngoài các tỉnh ven biển là Quảng Ninh, Hải Phòng, Nam Định, Thanh Hóa, Nghệ An, thì các tỉnh, thành phố phía trong như Hà Nội, Hưng Yên, Hải Dương đều phải cảnh giác. Bên cạnh đó, đường đi của bão cũng có thể thay đổi. Đặc biệt là dự báo cho thấy, đây là tháng triều cường, nước có thể dâng đến trên 4 m, nguy cơ các đê rất dễ vỡ và gây tác hại lớn. Do đó, cần có biện pháp ứng cứu đối với một số đoạn đê xung yếu. Thủ tướng đặc biệt lo lắng về mưa lớn có thể xảy ra, sau khi bão số 1 và số 2 đã gây ngập nhiều diện tích lúa với thiệt hại không nhỏ. Nếu mưa lớn gây ngập sâu nữa thì thiệt hại còn lớn hơn rất nhiều. Do đó, cần chỉ đạo cấp điện thường xuyên, bảo đảm các trung tâm, trạm bơm tiêu úng hoạt động tốt. “Cần thiết thì đặt một số trạm bơm trung gian chạy bằng dầu để hỗ trợ một số vùng có nguy cơ ngập kéo dài, gây chia cắt. Do đó, ngành điện cần có sự chủ động, ứng trực, xử lý kịp thời. Đừng để bão đã qua một ngày rưỡi rồi mà chưa có điện”, Thủ tướng nêu rõ. Cùng với đó, phải lưu ý tình trạng mưa lũ có thể gây sạt lở đất lớn, có thể cả quả đồi, cả một ngôi làng, đe dọa tính mạng người dân. Nhấn mạnh bảo vệ tính mạng con người là mục tiêu vô cùng quan trọng khi thiên tai xảy ra, Thủ tướng yêu cầu, khi chưa xảy ra bão thì phải chỉ đạo sớm, giữ nhà cửa, cứu lúa, cảnh giác lở đất, an toàn hồ đập; mọi ngành, kể cả hàng không, đều phải có phương án ứng phó. Trên tinh thần chỉ đạo thường xuyên, thông tin đầy đủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết đã cử 3 Phó Thủ tướng cùng các lãnh đạo một số bộ có liên quan trực tiếp đến các địa phương trọng điểm mà Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương dự báo bão sẽ đổ bộ để trực tiếp đôn đốc, chỉ đạo. Thủ tướng quán triệt tinh thần là hạn chế thấp nhất thiệt hại do bão gây ra. “Phải dự báo đến các ngành, người dân là bão lớn, giật cấp 12-14. Khi cần thiết phải di dời dân. Và cần thiết, từ ngày mai, các cấp các ngành dừng mọi cuộc họp không cần thiết để dành thời gian chỉ đạo ứng phó với bão số 3. Tất cả các địa phương sẵn sàng ứng cứu các điểm xung yếu, nguy hiểm. Không được chủ quan đối với bão số 3”, Thủ tướng cảnh báo. |
Các tỉnh, thành dốc sức phòng chống bão
Tại Hà Nội: Khoảng 11 giờ 35 phút ngày 19-8, một cây xà cừ lâu năm trước cổng Tháp Hà Nội (đường Hai Bà Trưng) bất ngờ bị bật gốc đổ vào xe ôtô KIA Forte đang đỗ trên đường.
Cây xà cừ lâu năm bất ngờ bật gốc 'hạ gục' một xe ôtô đang đỗ. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Anh Nam, một nhân chứng cho biết vào khoảng thời gian trên, anh đang lái xe trên đường thì bất ngờ nghe động rất lớn từ đằng sau, khi quay lại thì thấy một chiếc xe đang đỗ gần Tháp Hà Nội bị một thân cây đổ sập, đè lên nóc.
Rất may vào thời điểm xảy ra sự việc, chủ xe vừa ra khỏi xe được vài phút thì cây đổ nên không có thiệt hại về người.
Tại hiện trường, cây xà cừ đè nát phần đầu xe, những chiếc xe ô tô đỗ sát bên cạnh không bị ảnh hưởng gì.
Nguyên nhân ban đầu được xác định do gió giật mạnh ảnh hưởng từ cơn bão số 3 đang đổ bộ vào đất liền.
Sau khi sự cố xảy ra, Cảnh sát giao thông và công ty cây xanh đã đến hiện trường để triển khai công tác khắc phục.
Lực lượng chức năng đã có mặt để giải quyết. (Ảnh: PV/Vietnam+)
* Tại TP Hải Phòng, 23 đêm 18-8, bão số 3 đổ bộ vào huyện đảo Bạch Long Vỹ viới gió mạnh cấp 8, giật cấp 10. Ông Đào Trọng Tuệ, Phó Chủ tịch huyện cho biết, do gió không lớn, công tác đón bão được chuẩn bị tốt nên toàn huyện an toàn, các công trình xây dựng, tàu thuyền neo đậu tránh trú tại âu cảng không bị ảnh hưởng.
Lực lượng biên phòng Hải Phòng giúp ngư dân neo đậu, chằng buộc tàu thuyền |
Trước đó đến 17 giờ chiều 18-8, công tác phòng chống bão tại TP Hải Phòng đã hoàn tất. Các phương tiện thủy bị cấm xuất bến và hoạt động trên sông biển; cửa khẩu, cống xung yếu qua đê đã được hàn khẩu và tổ chức di chuyển dân ra khỏi vùng nguy hiểm. Người dân không chịu di chuyển sẽ bị cưỡng chế. Hôm nay các trường học từ bậc học mầm non đến cấp THPT được nghỉ.
Đề phòng nguy cơ xảy ra sự cố về môi trường tại “núi” chất thải gypsum thuộc Nhà máy DAP Đình Vũ, bãi rác Đình Vũ và sự cố về điện khi bão vào, lãnh đạo TP Hải Phòng đã giao Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Xây dựng, Công ty TNHH MTV Điện lực Hải Phòng chuẩn bị các phương án ứng phó.
Người dân Đồ Sơn khẩn trương chằng chống nhà cửa, quán xá trước khi bão vào. Ảnh: Giang Chinh |
Vietnam Airlines hủy 10 chuyến bay do bão số 3
* Tối 18-8, Vietnam Airlines (VNA) cho biết để bảo đảm an toàn trong thời gian bão số 3 ảnh hưởng đến một số tỉnh Bắc Bộ, VNA sẽ không khai thác 10 chuyến bay đến - đi từ sân bay Cát Bi (Hải Phòng), Thọ Xuân (Thanh Hóa) trong ngày 19-8.
Số chuyến bay bị hủy nói trên gồm: 6 chuyến trên đường bay giữa TP.HCM/Nha Trang/Đà Nẵng và Hải Phòng (số hiệu VN1182/1183, VN1580/1581, VN1672/1673); 4 chuyến trên các đường bay giữa TP. HCM và Thanh Hóa (số hiệu VN1270/1271, VN1272/1273).
Để phục vụ hành khách bị ảnh hưởng, trong ngày 19-8, VNA sẽ bố trí tăng thêm 2 chuyến bay trên đường bay giữa Đà Nẵng và Pleiku (VN7901/7900); 4 chuyến bay giữa Hà Nội và TP. HCM/Đà Nẵng (VN7250/7251, VN7162/7161).
Đồng thời, ngày 20-8, VNA sẽ tăng thêm 2 chuyến bay trên đường bay giữa TP. HCM và Thanh Hóa (VN7272/7273).
Do bão số 3 cũng sẽ ảnh hưởng đến các sân bay Nội Bài (Hà Nội), Vinh, Điện Biên trong ngày 19-8 nên VNA đang tiếp tục theo dõi sát diễn biến thời tiết để điều chỉnh kế hoạch khai thác phù hợp.
Trong ngày 18-8 do thời tiết xấu, không đủ điều kiện khai thác bay tại sân bay Liên Khương (Đà Lạt), VNA đã không khai thác 6 chuyến bay đến - đi từ sân bay Liên Khương gồm: 4 chuyến VN1384/1385, VN1382/1383 trên đường bay giữa TP. HCM và Đà Lạt; 2 chuyến VN1564/1565 trên đường bay giữa Hà Nội và Đà Lạt.
Ngoài ra, ngày 18-8, do thời tiết xấu tại Pleiku, VNA đã không khai thác 2 chuyến trên đường bay giữa Đà Nẵng và Pleiku (VN1901/1900).
* Sáng 19-8, Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai đã họp về tình hình ứng phó với bão số 3. Tại cuộc họp, đại diện Văn phòng Ủy ban quốc gia tìm kiếm cứu nạn cho biết Bộ Quốc phòng đã huy động trên 183.400 cán bộ, chiến sĩ sẵn sàng ứng phó tại các địa phương, 4 máy bay trực thăng, 107 tàu, nhiều ca nô, xe ô tô, xe lội nước để ứng cứu. Hiện đảo Vân Đồn, Cô Tô vẫn còn hàng trăm khách du lịch đang mắc kẹt nhưng đã được bố trí chỗ nghỉ. Quảng Ninh đã huy động các doanh nghiệp vận tải chuẩn bị sẵn máy xúc, máy ủi để sẵn sàng chống bão. Điều lo lắng nhất hiện nay là các tỉnh miền núi, bởi ở khu vực này lượng mưa sẽ rất cao, trước đó nhiều ngày đã mưa lớn, nên nguy cơ sạt lở đất rất lớn.
Ông Trần Quang Hoài, Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai cho biết sáng 19-8, tỉnh Thanh Hóa vẫn chưa quyết định di dân vì vẫn đợi thông báo chỉ đạo của Phó thủ tướng Vũ Đức Đam. Tuy nhiên theo ông Hoài, người dân tại các chòi, lồng bè thủy sản ở vùng phía bắc Thanh Hóa cần phải sơ tán ngay, nếu không di dân kịp sẽ rất nguy hiểm. Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường, Trưởng Ban Chỉ đạo lưu ý Ủy ban quốc gia tìm kiếm cứu nạn cần tập trung lực lượng cứu hộ ở những địa phương trọng điểm. Bây giờ lo lắng nhất là khu vực phía bắc Thanh Hóa, cần tổng rà soát lại các hộ những nơi di trú tạm bợ, tiếp tục di chuyển đến nơi an toàn hơn. “Vấn đề sản xuất nông nghiệp, các trạm bơm phải sẵn sàng bơm thoát nước đảm bảo lúa mùa sinh trưởng tốt nhất. Vấn đề an toàn người dân vùng miền núi từ Nghệ An trở ra, tiếp tục khẩn trương di dời những hộ ở phạm vi 2.000 điểm có nguy cơ sạt lở cao”, Bộ trưởng Cường nói.
Báo cáo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai cho biết hiện có 47/115 hồ khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ đã tích đầy nước và đang xả tràn, các hồ chứa khác đạt từ 60-85% dung tích thiết kế. 18 hồ chứa xung yếu đang tích nước cao là Ngòi Là 2 (Tuyên Quang); Ghềnh Chè, Hố Chuối (Thái Nguyên), Khuôn Thần, Làng Thum, Bàu Lày, Trại Muối, Khe Đặng, Chồng Chềnh, Khe Chão, Đồng Man (Bắc Giang) Khe Chè, Khe Táu, Dân Tiến (Quảng Ninh); Thanh Lanh, Vĩnh Thành, Làng Hà, Gia Khau (Vĩnh Phúc). Trong khi đó, khu vực Bắc Bộ có 53 hồ thủy điện, trong đó có 12 hồ xả tràn, 2 hồ đang ở mực nước chết hoặc xấp xỉ mực nước chết là Nà Lơi, Trung Hồ. Khu vực Bắc Trung Bộ có 13 hồ thủy điện, trong đó hồ Bá Thước 2 xả tràn, 2 hồ đang ở mực nước chết hoặc xấp xỉ mực nước chết là Hương Sơn, Hố Hô.