Nước mắt “ông trùm"
Hồ sơ phá án - Ngày đăng : 11:03, 22/08/2016
Một thời ngang dọc chốn giang hồ với những vết sẹo chằng chịt trên cơ thể, cơ hội để họ trở về với cuộc sống đời thường thật mong manh...
Cơ hội trở về với cuộc sống đời thường của nhiều "ông trùm" rất mong manh
Cuộc chiến giành "số"
Sinh ra trong một gia đình có 3 anh em trai, kinh tế khó khăn, không được học hành đến nơi đến chốn, hoàn cảnh đưa đẩy khiến anh V.N.C. 45 tuổi ở phường Ngọc Châu (TP Hải Dương) trở thành một tay anh chị có "số" trong giới giang hồ suốt 20 năm với biệt danh “C. Cốn”. Vốn lêu lổng từ nhỏ nên vào đầu thập kỷ 90 anh C. đã theo những nhóm thanh niên hư hỏng lang thang khắp các bến xe, ngõ xóm để trộm cắp lấy tiền tiêu xài. Mâu thuẫn giữa các bang hội thường xuyên nổ ra. Cuộc chiến giành địa bàn luôn diễn ra căng thẳng với dao, kiếm, gậy gộc… và nhiều thương tích.
Anh C. nhớ lại: “Khi ấy, để tồn tại không có cách nào khác ngoài việc đánh đấm giành địa bàn hoạt động. Các nhóm phải thu nạp những phần tử lêu lổng, bất hảo nhằm thị uy nhau. Các cuộc quyết chiến thường xuyên xảy ra ở khu vực làng chài Kim Lai, nhà ga trên đường Hồng Quang, trên đê sông Thái Bình hay ở ngay trên những con đường của thành phố”. Một trong những trận quyết chiến ấy đã để lại thương tích trên nhiều phần cơ thể anh.
Vào cuối năm 1993, sau hơn 2 năm tham gia bang hội, với bản tính hung hăng, liều lĩnh và lì đòn, anh được anh em trong hội tôn làm “bang chủ”. Có vị trí mới, trách nhiệm càng trở nên nặng nề hơn khi anh phải vừa lo giữ vị trí của bang hội với các nhóm khác, vừa phải lo kiếm ăn để nuôi đám đệ tử hơn 10 người. Trong một lần tranh chấp địa bàn với một nhóm khác, trận chiến nảy lửa đã nổ ra. Để thị uy, anh C. huy động tất cả anh em dưới trướng mang theo dao, xích, gậy đến gây hấn với đối thủ. Do lực lượng mỏng hơn, nhóm của anh C. bị đánh tơi bời. Bản thân anh bị chém hơn chục nhát phải đi cấp cứu tại bệnh viện; đệ tử bị thương tích đầy mình. Sau lần ấy, nhóm của C. đã mất quyền kiểm soát tại khu vực bốc vác và phải lui về xóm chài Kim Lai để hoạt động.
Cuộc chiến giành "số" trong giới giang hồ luôn ẩn chứa những hậu quả nặng nề. Nhẹ thì thương tích đầy thân, nặng thì mất mạng.
Cho đến bây giờ, gia đình anh N.T.Ng. 42 tuổi ở phường Quang Trung (TP Hải Dương) vẫn chưa nguôi nỗi đau mất người thân. Hơn 20 năm trước, gia đình anh sống ở phường Phạm Ngũ Lão. Khi ấy, phong trào chơi bi a trong thành phố khá phát triển. Bố mẹ anh sắm một bàn bi a kinh doanh tại nhà kiếm thêm thu nhập. Những tưởng cuộc sống sẽ bình yên nhưng từ ngày có bàn bi a, các nhóm thanh niên trong đó có những đối tượng máu mặt thường xuyên xuất hiện. Hai anh em Ng. gia nhập vào hoạt động bang hội khi nào không hay. Từ trò chơi bi a ăn tiền, dần dần hai anh em Ng. lấn sâu vào hoạt động tổ chức đánh bạc của nhóm. Với bản tính lì lợm, N.T.H. (sinh năm 1978) là em trai anh Ng. nhanh chóng được đại ca trong nhóm giao nhiệm vụ cầm đầu một đội quân gần chục thanh niên đi đòi nợ. Mặc dù được gia đình khuyên răn nhưng với bản tính hung hăng lại được đại ca khích lệ thì không gì có thể ngăn cản H. tham gia các trận thư hùng đẫm máu. Trong một lần như vậy, H. bị đối thủ dùng dao, mảnh chai đâm nhiều nhát dẫn đến tử vong khi tuổi đời còn rất trẻ. Ngoài nỗi đau mất đi người thân, suốt một thời gian dài gia đình anh Ng. mang tiếng với bà con hàng xóm khi có hai người con là “đầu gấu”.
Kiếp “trâu ngựa”
Các nhóm giang hồ thường hoạt động trong mỗi lĩnh vực và địa bàn khác nhau. Có nhóm chuyên hoạt động bảo kê tại các điểm tẩm quất, massage thư giãn trá hình, quán karaoke, nhà nghỉ; có nhóm chuyên bảo kê cầm đồ, vay nặng lãi, đánh bạc, đòi nợ… Những quy định về cách cư xử trong nhóm cũng hết sức rõ ràng. Người đứng đầu nhóm thường được tôn gọi là “đại ca”, “bang chủ”. Những người còn lại đều phải phục tùng sự điều khiển, chỉ đạo của người đứng đầu nhóm. Tuy nhiên, trên thực tế không phải nhóm nào cũng có khả năng “xưng hùng, xưng bá” trong một thời gian dài. Và hầu hết đều là kiếp "trâu ngựa” làm thuê cho những ông chủ lớn.
|
Anh N.T.Ng. chia sẻ: “Đa phần anh em trong nhóm là những người xuất thân trong hoàn cảnh khó khăn, lười lao động, ham chơi, đua đòi. Để có tiền chi tiêu, họ sẵn sàng làm bất kể việc gì khi được giao, từ cướp giật, đòi nợ thuê, chém giết… Nhất là những người đã lấn sâu vào con đường nghiện hút, nhiễm HIV/AIDS. Chuyện ra tù vào tội là bình thường”.
Thu nhập của những người trong giới giang hồ không cố định. Sau mỗi vụ đòi nợ thuê hay dằn mặt, nhóm của anh Ng. được chủ thuê mời một bữa ăn chơi tẹt ga và chút tiền gọi là cảm ơn. Số tiền ấy chia cho đàn em cũng chẳng dùng được mấy ngày. Mặc dù biết rất rõ điều đó nhưng hầu hết họ không thể “rút chân” vì sẽ không biết làm việc gì để kiếm sống. Mặt khác, xã hội khó tin tưởng và chấp nhận những người như vậy hòa nhập cộng đồng.
Để tồn tại được, mỗi nhóm phải xây dựng được cái uy. Đại ca phải có mối quan hệ rộng, sẵn máu lạnh để dằn mặt bất kể kẻ nào sai luật hoặc lăm le dòm ngó vị trí của mình. Nếu không làm được việc đó thì chuyện “lên voi, xuống chó” là bình thường.
Là một đại ca mới nổi trên địa bàn huyện Cẩm Giàng, N.M.H. (35 tuổi) đã khá nổi tiếng trong giới anh chị ở huyện. Dưới tay của H. hiện có gần 20 đàn em ở Hải Dương, Hải Phòng, Thái Bình… H. chia sẻ: “Được gọi là đại ca thì cũng oai đấy nhưng thực tế cũng oải lắm anh ạ. Xã hội thì xa lánh, gia đình ruồng bỏ, khinh rẻ. Ngay bản thân những ông trùm cũng chỉ coi bọn em là bọn làm thuê bằng… cơ bắp”.
Mong manh cơ hội làm lại cuộc đời
Lấy "số" trong giới giang hồ đã khó nhưng việc rút chân về với cuộc sống đời thường thì còn khó hơn. Sau thời gian tung hoành, những đại ca máu mặt đã quen dần với tệ nạn xã hội, quen với cảnh tù tội. Đối với họ, cơ hội làm lại cuộc đời quá mong manh.
Hơn 20 năm làm đại ca, cuộc sống của anh C. càng lún sâu vào nghèo khó. Bao nhiêu đất cát, nhà cửa, tiền bạc đều bay theo làn khói của “nàng tiên nâu” và những cuộc chơi bất tận với nhóm đệ tử. Nghiện ngập và tay trắng, anh C. cùng vợ và con gái đang phải sống trong căn nhà trọ xập xệ ngay cạnh khu nghĩa địa giữa lòng thành phố. Hoàn cảnh của những người trong nhóm cũng không khá hơn là mấy. Người vào tù, ra tội, người sốc thuốc mà chết, người đang quằn quại với nỗi đau bệnh tật… Những điều đó cứ quẩn quanh trong ý nghĩ khiến anh C. nhen nhóm khát vọng trở về với cuộc sống bình thường. Anh bảo: “Hơn 40 tuổi đời, tôi thấy mình đã có quá nhiều sai lầm. Đến bây giờ hối hận thì đã muộn. Hơn nửa quãng đời lãng phí, đến nay bản thân tôi vẫn đang phải điều trị cai nghiện, lại mang trong mình căn bệnh AIDS thì bao giờ mới ngẩng đầu nhìn đời được. Nhiều khi nghĩ lại quãng thời gian đã trải qua mà tôi rơi nước mắt. Tôi chỉ ước ao thời gian có thể quay lại để tôi làm lại cuộc đời cho vợ con đỡ khổ”.
Không chỉ những người nhiều tuổi, có thâm niên trong nghề mới hiểu được sự mất mát, vô nghĩa chốn giang hồ và thèm khát một cuộc sống đời thường, một số thanh niên mới lầm đường, lạc bước cũng sớm nhận ra và mong muốn điều giản dị ấy.
Có thời gian khoảng 10 năm tham gia giới anh chị nhưng anh T.V.H. (36 tuổi) ở phường Nguyễn Trãi đã ngán ngẩm với kiếp lang bạt kỳ hồ. Nhớ về những ngày ngang dọc, anh H. chia sẻ: “Ngót nghét 10 năm theo nhóm, quay đầu lại tôi chẳng thấy mình nhận được điều gì. Thường ngày thì dằn mặt, đánh nhau với hết nhóm này, nhóm khác. Lúc có tiền thì lao vào các cuộc chơi như con thiêu thân. Khi hết tiền lại quay về ăn bám vợ. Bạn bè cùng trang lứa, ai cũng có công việc ổn định. Chỉ có mỗi bản thân mình cứ giữ mãi cái việc được gọi là nghề xã hội”. Vợ con nheo nhóc, lắm lúc phải gửi về ông bà ngoại trông giúp khiến lòng anh H. đau thắt. Lại bị mang tiếng là đấng mày râu mà không lo được cuộc sống cho vợ con. Vì vậy, anh quyết tâm từ bỏ con đường cũ để kiếm một công việc ổn định giúp đỡ gia đình dù biết phía trước sẽ gặp nhiều khó khăn.
Trong câu chuyện kể của những "ông trùm", đều đọng lại một nỗi buồn xa xăm khi trước mặt họ là cảnh đời khốn khó, là bệnh tật và sự ân hận muộn màng cho khoảng thời gian dài bị bỏ phí. Chúng tôi nhận thấy những khát khao, mong mỏi được làm lại cuộc đời cho dù bản thân họ đều biết việc ấy không hề dễ chút nào.
QUỲNH VY