Trồng trọt rau màu trong mùa mưa bão
Nông nghiệp - Nông thôn - Ngày đăng : 09:00, 23/08/2016
Trước mùa mưa:
- Đất trồng rau trong mùa mưa phải chọn ở vị trí cao, có đào rãnh thoát nước và gần hệ thống kênh mương để thoát nước nhanh. Tùy vào từng loại rau để lên luống cao hay thấp. Trong khâu làm đất, không nên làm quá nhuyễn vì khi đất mịn ra gặp mưa to dễ dẫn đến đất bị kết lại, lèn đất mặt nén chặt xuống sẽ làm cho rau bị nghẹt rễ ảnh hưởng đến sinh trưởng, phát triển của cây rau. Phải làm hệ thống thoát nước nhanh khi có mưa to hoặc mưa dầm lâu ngày.
- Trong mùa mưa phải chọn giống kỹ càng hơn bởi mùa này nhiệt độ thấp, cây nảy mầm khó hơn mùa ấm. Nên áp dụng kỹ thuật ươm cây giống trong bầu trước khi đưa ra trồng để hạn chế những điều kiện bất lợi và tiết kiệm chi phí cây giống. Mùa mưa thường thiếu ánh sáng, khả năng quang hợp kém, nông dân nên chọn trồng các loại rau lá nhỏ, có bộ tán lá gọn, thời gian sinh trưởng ngắn, nhanh thu hoạch.
- Nên làm các màng che phủ khi trồng rau trong mùa mưa sẽ hạn chế sự tác động trực tiếp của khí hậu, thời tiết lên rau màu.
- Đất được xới vừa, lên luống cẩn thận, bón lót phân chuồng hoặc phân xanh (nếu đất chua có thể bón thêm vôi), sau đó trải màng che phủ lên, lấy đất ém chặt các bên mép màng cho kỹ, cuối cùng là khâu đục lỗ và cấy cây rau theo khoảng cách phù hợp từng loại rau.
- Sau khi đắp bờ, cần bón vôi và lân để cải tạo đất, diệt mầm bệnh và cung cấp dưỡng chất để hạn chế một số hiện tượng thiếu vi chất dinh dưỡng trên, như thối trái, nứt trái...
Trong mùa mưa:
- Bón thêm vôi khoảng 30 - 40 kg/sào nhằm khắc phục độ chua; góp phần tiêu diệt các mầm bệnh trong đất; cung cấp thêm lượng can xi để cây trồng cứng cáp, phòng chống có hiệu quả các bệnh thường gặp trên rau màu về mùa mưa như thối rễ, thối trái… Sau khi bón vôi phải tháo nước vào ngập hết luống từ 1 - 2 ngày để tiêu độc, rửa phèn rồi rút cạn nước cho đến lúc thật khô mới bón lót và làm đất, lên luống trở lại.
- Lượng phân bón lót cho mỗi sào trồng rau gồm: Phân NPK 16-16-8 bón lượng 15 kg; phân chuồng hoai từ 500 - 700 kg.
- Ngoài ra, có thể bón thêm các loại phân hữu cơ khác như phân xanh, các chế phẩm sinh học nhằm tăng cường khả năng chống chịu bệnh cho cây rau và tăng năng suất hơn, mức độ xanh tươi và thời gian rau xanh lâu ngày hơn.
- Tăng cường chăm sóc, bấm ngọn để cây ra các nhánh phụ nhằm hạn chế chiều cao, tránh đổ ngã.
- Sử dụng thuốc bảo vệ thực vật cần chú ý chọn những loại thuốc đặc hiệu, áp dụng nguyên tắc 4 đúng khi phòng trừ. Ưu tiên sử dụng các loại thuốc đặc hiệu, phun phòng hoặc phun trừ tập trung, đúng lúc.
Sau mùa mưa:
- Khi đất bị ngập sẽ bão hòa nước, các cây ngắn ngày (trừ lúa), cây ăn quả bị thiếu oxy để hô hấp, một số cây trồng bị ngộ độc do khí CO2 làm rễ cây bị thối; khi bị ngập lâu ngày rễ cây không còn khả năng phục hồi và chết.
- Với các loại cây ngắn ngày như đậu tương, bầu bí, rau hoa các loại cần tiêu nước kịp thời.
- Cây còn khả năng hồi phục, chưa bị thối, chết có thể phục hồi bằng cách phun phân bón lá Đầu Trâu 502, định kỳ 5 - 7 ngày/lần.
- Tưới nhẹ phân lân và đạm hoặc phân NPK 13-13-13+TE Đầu Trâu, pha 50 - 100 gam/bình 20 lít nước rồi tưới vào vùng rễ cây.
PV (tổng hợp)