Vẫn còn rải rác ổ dịch bạch hầu, ho gà, viêm não Nhật Bản
Y tế - Sức khỏe - Ngày đăng : 17:26, 28/08/2016
Ổ dịch nhỏ bệnh bạch hầu, ho gà, sởi, viêm não Nhật Bản... vẫn xuất hiện rải rác do bỏ sót đối tượng trong các đợt tiêm chủng.
Phun thuốc phòng dịch bạch hầu tại bệnh viện. (Ảnh: TXVN/Vienam+)
Theo thông tin từ Bộ Y tế, tại một số vùng sâu, vùng xa, vùng đi lại khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số vẫn xuất hiện rải rác ổ dịch nhỏ bệnh bạch hầu, ho gà, sởi, viêm não Nhật Bản... do bỏ sót đối tượng trong các đợt tiêm chủng.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho hay, trước tình hình trên, để tăng cường các biện pháp phòng chống dịch bệnh, Bộ Y tế vừa có văn bản gửi Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về quản lý đối tượng tiêm chủng và tăng cường phòng, chống bệnh trong tiêm chủng mở rộng.
Theo Thứ trưởng Long, để tăng cường các biện pháp phòng chống dịch bệnh đã có vắcxin trong chương trình tiêm chủng mở rộng có nguy cơ bùng phát trở lại, Bộ Y tế đề nghị các tỉnh tổ chức rà soát đối tượng thuộc diện tiêm chủng mở rộng trên địa bàn, nắm rõ tiền sử tiêm chủng để thông báo cho đối tượng tham gia tiêm chủng đúng lịch, đủ liều đối với các bệnh truyền nhiễm đã có vắc xin trong tiêm chủng mở rộng, tránh bỏ sót đối tượng.
Đối với các trường hợp trì hoãn tiêm chủng bảo đảm đạt tỷ lệ trên 90% ở quy mô xã, phường cần thực hiện tiêm bổ sung ngay trong tháng với các loại vắcxin cơ bản.
Các tỉnh thực hiện giám sát chủ động, xét nghiệm, phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh, không để bùng phát ổ dịch, đặc biệt chú trọng các bệnh có vắcxin trong tiêm chủng mở rộng có nguy cơ bùng phát trở lại như bạch hầu, ho gà, sởi, viêm não Nhật Bản, tăng cường truyền thông vận động người dân đưa trẻ đi tiêm vắcxin phòng bệnh đúng lịch, đủ liều.
Hàng năm, ngành y tế lập kế hoạch cụ thể về tiêm chủng trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt bảo đảm đủ kinh phí cho công tác tiêm chủng, đặc biệt là kinh phí hỗ trợ cho cán bộ tiêm chủng, kinh phí sửa chữa, bảo dưỡng dây chuyền lạnh, bảo quản, vận chuyển vắc xin và kinh phí truyền thông trong tiêm chủng.
Bên cạnh đó, các tỉnh cần tổ chức các đoàn thanh tra, kiểm tra, chỉ đạo kịp thời công tác tiêm chủng và phòng chống dịch bệnh, tập trung các khu vực có nguy cơ cao, các địa bàn có tỷ lệ tiêm chủng thấp, chưa quản lý tốt đối tượng tiêm chủng.
Trong những năm qua, công tác tiêm chủng phòng bệnh đã đạt được những thành tựu quan trọng như thanh toán được bệnh bại liệt từ năm 2000, loại trừ bệnh uốn ván sơ sinh từ năm 2005.
Số trường hợp mắc các bệnh truyền nhiễm có vắcxin phòng bệnh giảm hàng trăm đến hàng nghìn lần so với thời điểm trước khi triển khai tiêm chủng mở rộng.
THÙY GIANG (Vietnam+)