Dỗ con bằng điện thoại
Đời sống - Ngày đăng : 11:30, 29/08/2016
Nhìn chị Hà loay hoay, đánh vật với hai thằng con trai nghịch như quỷ sứ sinh cách nhau có hai năm, hàng xóm cũng phải toát mồ hôi.
Hễ đi học bán trú thì thôi chứ cu Bờm và cu Bo mà về đến nhà là ầm ĩ tiếng hò hét, đuổi nhau rầm rầm và tiếng quát tháo của mẹ chúng vang cả ra ngoài đường. Cả ngày làm việc ở cơ quan đã mệt mỏi, căng thẳng, giờ muốn yên tĩnh để cơm nước, tắm giặt mà cũng không xong. Mở ti vi cho chúng xem thì chúng càng chí chóe, tranh giành vì mỗi đứa thích một kênh. Có bận, cu Bo đành hanh, lấy điều khiển nện vào đầu cu Bờm. Thế là chị Hà lại mất công phân xử, dỗ dành. Để im cửa im nhà, chị Hà bèn đưa điện thoại di động của mình cho cu Bờm chơi điện tử.
Nghĩ được cách dỗ con hiệu quả nhưng chị Hà cũng bị mẹ chồng cảnh báo khi bà bắt gặp hai đứa cháu trai chơi điện thoại rất sành điệu: “Cẩn thận kẻo lồi mắt ra. Cái điện thoại bé tí thế kia mà cứ dí mắt vào đó, không cận thị thì mới lạ”. Lúc đầu chị Hà “Vâng, dạ” nhưng về sau nghe mẹ chồng nhắc nhiều, chị khó chịu ra mặt và phản ứng liền: “Mẹ yên tâm! Các cháu chơi một tí để luyện nhanh tay nhanh mắt ấy mà”, rồi thì: “Bây giờ hiện đại lắm mẹ ơi! Cả thế giới trong lòng bàn tay, cho bọn trẻ tiếp cận dần chúng sẽ đỡ bỡ ngỡ”. Mẹ chồng chị tỏ vẻ giận dỗi: “Ờ! Để rồi xem, hiện đại mà hại mắt. Nhìn trẻ con thời nay đeo kính mà mẹ lo lắm”. Bà nội vừa về khỏi, cu Bờm và cu Bo lại vồ lấy điện thoại của mẹ chúng và chơi một cách say mê. Thằng lớn 8 tuổi, thằng bé 6 tuổi nhưng đã biết chơi game nhoay nhoáy. Thấy con mình được hàng xóm khen “thông minh, nhanh tiếp cận công nghệ hiện đại”, chị Hà cảm thấy vui sướng.
Suốt mấy tháng nghỉ hè, hầu như ngoài giờ ngủ, cu Bờm và cu Bo toàn dán mắt vào điện thoại, ti vi. Hết xem phim hoạt hình siêu nhân lại đua xe thần tốc... Đến cả bữa ăn, hai thằng cũng không rời mắt khỏi màn hình điện thoại. Nếu chị Hà lấy lại máy là y như rằng chúng lăn ra ăn vạ. Bữa cơm mất ngon hoặc kéo dài cả tiếng đồng hồ. Thi thoảng anh Hùng, chồng chị Hà về nhà, cả ba bố con cùng “đua” trên điện thoại rất hào hứng. Thấy cái điện thoại bé quá, anh Hùng đang định mua chiếc iPad cho các con giải trí thì mấy ngày nay cu Bờm cứ nheo nheo mắt, nghiêng đầu khi nhìn. Chị Hà gặng hỏi: “Mắt con bị làm sao?” thì thằng bé nhăn nhó: “Mắt con nhìn mờ mờ”. Vợ chồng chị tá hỏa, vội đưa con đi khám mắt. Kết quả, cu Bờm đã bị cận thị 3,5 đi-ốp. Anh chị còn bị bác sĩ mắng cho một trận vì “không hiểu biết, không để ý bảo vệ đôi mắt của con”, để con “nghiện” điện thoại. Mẹ chồng chị Hà buồn bực: “Đấy! Mẹ đã nói rồi mà có đứa nào chịu nghe đâu. Cứ chê bà già này lạc hậu nữa đi”.
Từ hôm có cặp kính cận như hai cái đít chai trên gương mặt, cu Bờm cảm thấy vướng víu, khó chịu lắm nhưng bỏ ra thì nhìn xa cái gì cũng mờ mờ. Nó nghe lời bác sĩ dặn nên quyết tâm cai điện thoại, nhất định không thèm sờ đến cái iPhone của mẹ nó nữa. Còn cu Bo, nhìn anh nó như thế và cũng được bác sĩ cảnh báo nên nó đã biết sợ, không dám mon men đến gần ti vi nữa. Kế hoạch mua iPad của anh Hùng bị xóa sổ. Mỗi khi được về nhà nghỉ ngơi, anh đưa hai con đi chơi thể thao: đạp xe, đá bóng, chơi cầu lông... Anh đi vắng thì chị Hà đưa con ra sân vận động, nhà văn hóa của khu để các con vui chơi với các bạn cùng trang lứa.
Bây giờ chị Hà mới nhận ra rằng những hoạt động ấy thật bổ ích đối với trẻ bởi chúng phát triển được kỹ năng vận động, sự khéo léo, linh hoạt và giao tiếp với thế giới bên ngoài. Nhớ lại cách dỗ con bằng điện thoại, chị Hà tự thấy mình thật sai lầm. Suýt nữa chị đã làm hỏng nhiều thứ ở con chứ không chỉ là đôi mắt.
TRẦN THỊ LÀNH