Bánh Trung thu tự làm: Vừa ăn vừa lo?

Y tế - Sức khỏe - Ngày đăng : 09:33, 12/09/2016

Loại bánh Trung thu tự làm thu hút sự quan tâm của nhiều khách hàng bởi hương vị đậm đà, giá cả hợp lý... Tuy nhiên, loại bánh này có thực sự bảo đảm chất lượng?



Nhiều người tiêu dùng chưa thực sự quan tâm đến nguồn gốc nguyên liệu để làm bánh Trung thu


Nhập nhằng nguyên liệu

Đã mấy năm nay, chị Ngô Thị Thu Tr. (28 tuổi) ở phố Tuy Hòa (TP Hải Dương) đều tự làm bánh Trung thu để bán. Khoảng hơn 1 tháng trước Tết Trung thu, chị đã chuẩn bị đầy đủ nguyên liệu để làm bánh nướng, bánh dẻo. Vào dịp này mỗi năm, gia đình chị Tr. thường sản xuất khoảng 2.000 chiếc bánh. Trong đó, bánh nướng là loại bánh được ưa chuộng nhất, chiếm đến 80% lượng bánh do gia đình sản xuất. Chị Tr. cho biết: “Không khó để mua các nguyên liệu làm bánh. Chỉ cần đi một vòng qua các chợ là đã đủ nguyên liệu như bột, đỗ, lạp xường, hạt sen, mứt bí, vừng, ruốc, trứng… cho đến khuôn và hộp đựng bánh. Tất cả đều được bày bán rất nhiều. Một số cửa hàng cung cấp nguyên liệu còn sẵn sàng cung cấp luôn cả nhân làm bánh với giá 150.000 đồng/kg”.

Theo lời chị Tr., chúng tôi tìm hiểu tại một số chợ trên địa bàn TP Hải Dương như chợ Phú Yên, chợ Con, chợ Bắc Kinh... Đúng là nguyên liệu để làm bánh Trung thu luôn có sẵn. Dừng chân tại một cửa hàng bán đồ khô ở chợ Phú Yên, chúng tôi đề nghị được cung cấp một số mặt hàng để tự làm bánh Trung thu, chị chủ quán xởi lởi: “Hàng của chị luôn bảo đảm, nhiều người làm bánh Trung thu cũng đều lấy hàng của chị cả. Em muốn lấy bao nhiêu cũng có”. Qua quan sát, chúng tôi nhận thấy những nguyên liệu này đều được đóng gói sơ sài trong các túi nilon không có nhãn mác, nguồn gốc và hạn sử dụng. Túi đựng bám bụi, thậm chí có túi còn bị nấm, mốc. Khi được hỏi, đa phần các chủ cửa hàng đều cho rằng đây là đồ khô nên không lo bị nấm mốc và chất lượng đều bảo đảm. Tuy nhiên, nếu thực sự được chứng kiến, chắc nhiều khách hàng sẽ phải nghi ngại về chất lượng một số sản phẩm bánh Trung thu tự làm.

Hầu hết các mặt hàng này đều được cửa hàng tự dán nhãn bằng những mảnh giấy phô tô. Thông tin trên mảnh giấy này khá sơ sài, có sản phẩm không có thông tin về hạn sử dụng hoặc được ghi bằng bút.


Chúng tôi có mặt ở một cửa hàng bán bánh Trung thu tự làm và dụng cụ làm bánh ở đường Lê Thanh Nghị (TP Hải Dương). Phía trong cửa hàng là nơi chuẩn bị các nguyên liệu và nướng bánh. Khu vực này ngổn ngang đồ đạc, chai lọ không có nhãn mác. Những khay trứng muối, khay bánh vừa nướng xong để ngay trên nền đất không hề được che đậy. Đôi găng tay nilon dính trứng muối sau khi bị vứt dưới đất tiếp tục được một phụ nữ đeo vào để sắp xếp lại những quả trứng. Người phụ nữ này cho biết: "Cửa hàng bắt đầu nhận làm bánh Trung thu cách đây hơn 1 tháng. Thời điểm này có rất nhiều người đặt hàng. Sắp tới, cửa hàng nhận làm 800 chiếc bánh nướng cho một trường mầm non ở Hưng Yên". Cũng theo người phụ nữ này, cửa hàng có hai lò nướng. Mỗi đợt mỗi lò nướng được khoảng 20 chiếc bánh. Khi tôi tỏ ra lo ngại về chất lượng khi cửa hàng phải làm hàng trăm chiếc bánh cùng một lúc thì người phụ nữ khẳng định có thể hoàn toàn yên tâm vì các nguyên liệu ở đây đều sạch và không dùng chất bảo quản. Giá bánh Trung thu ở đây cũng khá "mềm", dao động từ 15.000-40.000 đồng/chiếc tùy theo trọng lượng và nhân bánh. Chỉ cần đặt trước khoảng 2-3 ngày là khách hàng đã có thể nhận hàng. Điều đáng nói là hầu hết các mặt hàng này đều được cửa hàng tự dán nhãn bằng những mảnh giấy phô tô. Thông tin trên mảnh giấy này khá sơ sài, có sản phẩm không có thông tin về hạn sử dụng hoặc được ghi bằng bút.

Người tiêu dùng chưa quan tâm

Sở dĩ trong một vài năm gần đây, nhiều người chuộng bánh Trung thu tự làm vì nghĩ rằng sản phẩm này không dùng chất bảo quản nên an toàn hơn so với bánh Trung thu được sản xuất theo dây chuyền. Bên cạnh đó, nhiều bà nội trợ muốn các con có một cái Tết Trung thu nhiều ý nghĩa nên sẵn sàng học công thức rồi mua nguyên liệu về làm bánh nhưng lại không mấy quan tâm đến nguồn gốc, xuất xứ của những loại nguyên liệu này. Khi có mặt ở cửa hàng trên đường Lê Thanh Nghị, chúng tôi thấy có khá nhiều khách hàng, nhưng không có ai quan tâm về nguồn gốc nguyên liệu hoặc thắc mắc về những sản phẩm không ghi rõ hạn sử dụng.

Chị Nguyễn Thị Thu Hiền (30 tuổi) ở khu đô thị Tuệ Tĩnh (TP Hải Dương) đã sử dụng sản phẩm bánh Trung thu loại này cho biết: “Về mẫu mã bên ngoài thì cũng giống như các loại bánh khác. Phần nhân có vẻ ngon do hợp với sở thích của gia đình. Tuy nhiên, chúng tôi chỉ biết thưởng thức thôi chứ phần chất lượng thì cũng không biết lấy gì để bảo đảm bởi vì tự làm nên chắc sẽ khó kiểm soát về chất lượng và nguồn gốc của nguyên liệu. Nhưng cũng không sao vì mỗi năm mới có một lần và mình cũng chỉ mua một vài chiếc thôi”.

Theo ông Phạm Duy Tuyến, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh, hằng năm, đơn vị thường xuyên tổ chức đoàn kiểm tra các cơ sở sản xuất bánh, kẹo, đặc biệt là các cơ sở sản xuất bánh nướng, bánh dẻo phục vụ Tết Trung thu. Nhìn chung, các cơ sở trên đều bảo đảm về quy trình sản xuất, nguyên liệu đầu vào và chất lượng sản phẩm. "Đối với những cơ sở gia đình sản xuất nhỏ lẻ thì việc kiểm tra khó khăn hơn vì khó phát hiện. Mọi giao dịch chủ yếu được thực hiện trên mạng. Tuy nhiên, trong nhiều năm gần đây, chúng tôi chưa ghi nhận trường hợp ngộ độc thực phẩm nào trong dịp Tết Trung thu", ông Tuyến nói.

Tuy chưa ghi nhận trường hợp nào bị ngộ độc do bánh Trung thu tự làm nhưng người tiêu dùng cần phải đặt sức khỏe, an toàn lên hàng đầu. Khi lựa chọn sử dụng bánh Trung thu tự làm, khách hàng cần tìm hiểu rõ về nguồn gốc, xuất xứ của nguyên liệu và quy trình làm bánh. Nếu tự làm tại gia đình thì cũng cần sử dụng các nguyên liệu sạch.

TÂM TRANG