Tìm lại dấu tích Sinh Từ
Di tích - Ngày đăng : 07:45, 13/09/2016
Đền Sinh Từ được vua Trần cho lập để thờ Đức Thánh Trần ngay từ khi ông còn sống.
Khai quật khảo cổ di tích Sinh Từ
Từ lâu, đền Kiếp Bạc thờ Anh hùng dân tộc Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn đã trở thành địa chỉ tâm linh tín ngưỡng được nhân dân cả nước ngưỡng vọng. Nhưng ít người biết rằng nơi đây còn có một di tích đặc biệt khác đó là Sinh Từ, ngôi đền được vua Trần cho lập để thờ Đức Thánh Trần ngay từ khi ông còn sống.
Vị trí đắc địa
Vị trí Sinh Từ nằm trong phủ đệ xưa của Trần Hưng Đạo, còn được gọi là Thung Trong, nhìn ra sông Lục Đầu, thuộc hương Vạn Kiếp thời Trần. Nay vị trí Thung Trong thuộc xóm Hố Khế, thôn Bắc Đẩu (xã Hưng Đạo, Chí Linh). Đường vào Thung Trong độc đạo, hiểm trở, men theo sườn núi Mâm Xôi (ngọn núi tương truyền là nơi Đức Thánh Trần hóa). Đi bộ chừng gần 1 km, Thung Trong hiện ra với những nét khá nguyên sơ. Mặc dù đã được người dân khai khẩn trồng vải song đứng từ trên cao nhìn xuống vẫn nhận rõ một vùng núi non đẹp mắt, thế đất hiểm trở. Thung lũng này được hình thành từ núi Mâm Xôi và núi Quy. Đây là nơi Trần Hưng Đạo đặt phủ đệ, cũng chính là nơi ông được vua Trần lập Sinh Từ.
Trong Đại Nam nhất thống chí ghi: “Đền Trần Hưng Đạo đại vương ở sơn phận xã Vạn Yên, huyện Phượng Nhãn. Vương tự là Quốc Tuấn, đời Trung Hưng đánh tan quân Nguyên, được lập Sinh Từ ở chân núi, sau khi mất ở đây, Trần Thánh Tông làm bài văn bia ở Sinh Từ sánh Quốc Tuấn với Thượng phụ”. Sách Đại Việt sử ký toàn thư cũng chép: “Mùa thu tháng 8 ngày 20, Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn mất ở phủ đệ Vạn Kiếp, được tặng Thái sư Thượng phụ Thượng Quốc công Nhân vũ Hưng Đạo đại vương. Thánh Tông có soạn bài văn bia ở Sinh Từ (của Trần Quốc Tuấn), ví ông với Thượng phụ”.
Dẫn chúng tôi theo con đường đầy cỏ dại xuống Thung Trong, ông Phạm Khắc Cường, Phó Trưởng Phòng Quản lý di tích Kiếp Bạc (thuộc Ban quản lý di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc) chỉ ra nhánh sông ăn vào chân núi cho biết đó chính là sông Vang, con sông nối với sông Thương được Trần Hưng Đạo cho quân sĩ đào để làm đường thủy trong khu vực nội địa của thái ấp Vạn Kiếp. Tại sông Vang, Trần Hưng Đạo đã cho xây dựng Xưởng Thuyền để đóng, sửa chữa và cất giấu thuyền chiến. Phía cuối sông Vang chính là khu vực phủ đệ và Sinh Từ xưa với nền giật 3 cấp tựa vào núi. Nơi đây không chỉ địa thế hiểm trở mà sông núi còn đan xen tạo thành một trận đồ thiên tạo xung yếu. Vị trí Sinh Từ trước là đường thủy, sau là đường bộ nối với Hố Thóc, Ngòi Mó chuyên chở quân lương, binh sĩ tiến hay thoái trong tác chiến đều linh hoạt. Xung quanh Sinh Từ là quần thể các di chỉ, di tích thời Trần gắn liền với Trần Hưng Đạo và cuộc kháng chiến chống quân Nguyên như xóm Hống, di tích Bắc Đẩu, đường Hành Cung, Trại Lính, lò gốm Vạn Yên. Phía tây bắc là đường mòn gánh gạch, phía đông bắc có dãy núi Rồng bao bọc ba mặt tạo thành một bức tường thành tự nhiên che chắn vững chắc. Núi Bắc Đẩu, núi Quy Sơn tạo thế tay ngai.
Chỉ vào ngọn núi Quy, ông Cường cho biết theo các cụ cao niên ở Kiếp Bạc truyền lại, đây là một trong những ngọn núi thiêng. Vào thế kỷ IX, viên quan đô hộ Cao Biền đã chu du khắp Giao Chỉ tìm xem nơi nào có long mạch rồi cắt đứt để đất Giao Chỉ không sinh vương. Khi đến Vạn Kiếp, y đã nhận xét: “Phía tả Chí Linh núi sông kỳ hình kỳ dạng, long bàn hổ cứ, như muôn dân nghìn tướng chầu về, ở đất này sẽ được hưởng phúc muôn đời” (Cao Biền Di cảo). Cao Biền đã cho đào một đường chạy ngang ở núi Quy để triệt long mạch của đất Nam. Sau này, khi đóng phủ đệ tại đây, Trần Quốc Tuấn đã cho đắp trước ngọn núi Quy một gò đất vuông hình chiếc ấn để xóa trấn yểm. Đến nay, gò đất hình chiếc ấn rộng khoảng hơn 1 sào nằm giữa khu đồng ruộng của dân vẫn còn như một chứng tích cho câu chuyện xưa.
Phát lộ nhiều dấu tích
Sau này, do yêu cầu chiến lược, Hưng Đạo vương đã cho rời phủ đệ ra Thung Ngoài, vị trí đền Kiếp Bạc hiện nay. Sự kiện Trần Hưng Đạo chuyển phủ đệ từ Thung Trong ra Thung Ngoài gắn với một truyền thuyết kể rằng người có nuôi một con chó rất khôn ngoan. Một hôm con chó bỗng bỏ đi đâu mất. Trần Hưng Đạo sai người đi tìm và thấy chó mẹ sinh ra bốn chó con ở Thung Ngoài. Người sai mang chó về nhưng hôm sau chó mẹ lại tha con ra vị trí cũ. Sự việc cứ lặp lại như vậy nhiều lần, Trần Hưng Đạo đã đến tận nơi để xem xét. Với nhãn quan quân sự thiên tài, người đã nhận ra đây là một vị trí chiến lược với dãy núi Rồng có hình cỗ ngai mở ra sông Lục Đầu ôm lấy một gò đất nhỏ như thế rồng ngậm ngọc, hai nhánh bắc nam là những điểm cao che chắn, khống chế vững chắc, từ đó có thể bao quát được toàn cảnh Lục Đầu Giang. Ngay sau đó, người đã quyết định chuyển phủ đệ từ Thung Trong ra Thung Ngoài. Sau khi người mất, nhân dân đã lập đền thờ người tại nơi đây.
Qua bao năm tháng thăng trầm, phủ đệ xưa của Trần Hưng Đạo cùng Sinh Từ không còn nữa. Tuy nhiên, việc khám phá nơi đây đã thấy phát lộ nhiều dấu tích. Tại khu vực Thung Trong vẫn còn một nền đất hình chữ nhật có kích thước 48,5 x 29m, ở độ cao từ 1 – 1,5m so với mặt ruộng được gọi là nền Từ hay Từ Cũ. Tại khu vực này, người ta đã phát hiện nhiều đồ gốm sứ cao cấp thời Trần có men ngọc, da lươn, nhiều lớp ngói, gạch trang trí, gạch kiến trúc, hàng chục cân tiền thời Trần, chì lưới đánh bắt cá lớn, đinh thuyền, đầu rồng bằng đất nung... Đặc biệt trong đợt khai quật khảo cổ học quy mô vào năm 2000 do Bảo tàng Lịch sử quốc gia và Sở Văn hoá - Thông tin phối hợp với Ban Quản lý di tích Côn Sơn – Kiếp Bạc tiến hành đã phát hiện dấu tích kiến trúc thời Trần với 3 cấp nền chênh nhau. Nền cao nhất ở phía đông, tiếp đến là nền phía tây, thấp nhất là nền chính giữa, được chèn đá cuội vững chắc. Đợt khảo cổ đã tìm được dấu vết một bờ kè sử dụng đá cuội xây xếp tạo thành dải vững chắc chạy dài bảo vệ 3 cấp nền trên. Các nhà khảo cổ học kết luận đây là nền móng của di tích Sinh Từ như sử liệu đã ghi chép. Ngoài ra còn phát hiện 21 đoạn ống dẫn nước bằng gốm nung hình trụ tròn, đường kính 0,2m. Nhiều di vật đồ gốm cũng đã phát lộ như mảnh bát đĩa, bình gốm vỡ men trắng ngà, hoa nâu sẫm, đồ trang trí đất nung... Qua những kết quả khảo cổ cùng với tư liệu chính sử, các nhà nghiên cứu bước đầu khẳng định đã tồn tại một công trình kiến trúc lớn thời Trần tại khu vực Thung Trong, có thể bao gồm phủ đệ và Từ Cũ. Tuy vậy, để hình dung rõ hơn, cần phải có những đợt nghiên cứu quy mô và toàn diện.
Với ý nghĩa lớn lao của di tích, trong quy hoạch tổng thể của khu di tích Kiếp Bạc giai đoạn 2010 – 2020, Sinh Từ cùng với các di tích Sinh Bi, hang Tiền, Xưởng Thuyền, sông Vang là một trong những công trình trọng điểm được ưu tiên tôn tạo phục vụ du lịch tâm linh.
NGỌC HÙNG