"Áo giáp" cho làng nghề
Nông nghiệp - Nông thôn - Ngày đăng : 05:24, 19/09/2016
Đăng ký quyền sở hữu công nghiệp được coi là tấm “áo giáp” để các làng nghề tự bảo vệ mình khi sản phẩm bị làm giả, làm nhái và tự tin hơn trong “sân chơi” hội nhập quốc tế.
Làng nghề giày da Hoàng Diệu (Gia Lộc) là 1 trong 2 làng nghề đã được xác lập quyền sở hữu công nghiệp
Tuy nhiên, hiện nay có quá ít làng nghề ở Hải Dương quan tâm tới việc xác lập quyền này.
Nghĩ ngắn
Được sản xuất tại làng Lộ Cương, phường Tứ Minh (TP Hải Dương) nhưng sản phẩm bánh đa của làng lại được đóng gói trong bao bì mang nhãn hiệu "Bánh đa Chũ Bắc Giang", một thương hiệu bánh đa nổi tiếng của làng nghề Thủ Dương, xã Nam Dương (Bắc Giang). Nguyên nhân do bánh đa Chũ của Bắc Giang đã nổi tiếng từ lâu. Nhờ "mượn" thương hiệu này mà bánh đa Lộ Cương tiêu thụ thuận lợi hơn. Theo bà Phạm Thị Hồng Thái, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển thương hiệu làng nghề Việt Nam thì các hộ làng nghề bánh đa Lộ Cương đã vi phạm quyền sở hữu công nghiệp (SHCN). Nếu không tự mình gây dựng thương hiệu và sớm đăng ký quyền SHCN cho sản phẩm của mình mà cứ đi “mượn” tên của người khác thì sớm muộn làng nghề này sẽ tự đánh mất mình. "Đáng buồn là thực trạng này không chỉ xảy ra ở riêng làng nghề bánh đa Lộ Cương của Hải Dương mà còn xuất hiện ở nhiều làng nghề khác trong cả nước”, bà Thái nói.
Hiện trong số 62 làng nghề của tỉnh mới có 2 làng nghề là da giày của xã Hoàng Diệu (Gia Lộc) và bánh đa Hội Yên, xã Chi Lăng Nam (Thanh Miện) đã xác lập được quyền SHCN. Con số ít ỏi này cho thấy việc đăng ký quyền SHCN ở các làng nghề trong tỉnh hiện chưa được quan tâm. Bà Phạm Thị Huệ, Trưởng Phòng Quản lý công nghệ và Sở hữu trí tuệ (Sở Khoa học và Công nghệ) cho rằng nguyên nhân chủ yếu do phần lớn các hộ sản xuất trong làng nghề hiện nay mới chỉ quan tâm đến việc tìm kiếm thị trường, tiêu thụ sản phẩm mà chưa chú ý đến việc đăng ký quyền SHCN. Thời gian qua những cuộc tranh chấp liên quan đến việc đăng ký quyền SHCN ở tỉnh ta chưa nhiều càng khiến các làng nghề chủ quan. Còn theo ông Hoàng Văn Hòa, chủ hộ sản xuất bánh đa ở làng Lộ Cương thì thủ tục rườm rà, chi phí tốn kém là nguyên nhân chính khiến người dân chưa nghĩ đến việc đăng ký quyền SHCN. Anh Nguyễn Văn Quang, người làm nghề bún ở thôn Đông Cận, xã Tân Tiến (Gia Lộc) lại cho rằng việc đăng ký quyền SHCN cho sản phẩm của làng nghề khó thực hiện do tình trạng "cha chung không ai khóc". "Mỗi khi xã tổ chức họp bàn để đăng ký quyền SHCN cho làng nghề thì tất cả các hộ trong làng đều đồng tình ủng hộ nhưng hễ nói đến kinh phí thì ai cũng kêu khó", anh Quang cho biết.
Đừng để đánh mất mình
|
Trong một hội nghị bàn về giải pháp phát triển các làng nghề thời hội nhập được tổ chức tại Hải Dương gần đây, ông Lưu Duy Dần, Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam đã nêu ra các thách thức mới khi các làng nghề hội nhập. Ông đã lấy ví dụ trường hợp làng nghề rượu Phú Lộc của xã Cẩm Vũ (Cẩm Giàng) để cảnh báo về hậu quả của việc không đăng ký quyền SHCN. “Sản phẩm rượu Phú Lộc nức tiếng một thời đã bị Công ty TNHH Xa Lộ 4 đăng ký mất thương hiệu cũng chỉ vì chậm đăng ký quyền SHCN. Một khi các làng nghề còn chưa chú tâm đến việc đăng ký quyền SHCN thì việc tranh chấp về nhãn hiệu, thương hiệu rất dễ xảy ra”, ông Dần nói.
Chậm trễ trong việc đăng ký quyền SHCN cho sản phẩm sẽ khiến các làng nghề gặp khó khăn khi hội nhập. Nhưng không ít hộ sản xuất của làng nghề trong tỉnh chưa nhận thức rõ điều này. Ông Phạm Văn Quân, chủ cơ sở sản xuất đồ mộc mỹ nghệ ở thôn Phương Độ, xã Hưng Thịnh (Bình Giang) thắc mắc: "Liệu đăng ký quyền SHCN hàng có bán chạy, giá có cao hơn không? Thương hiệu đã có từ thời tổ tiên ai lấy mà mất?". Khi hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng thì ngoài việc đăng ký quyền SHCN trong nước, các làng nghề còn phải chủ động đăng ký bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa ở nước ngoài. Hiện nay, Việt Nam đã là thành viên của nhiều hiệp định, công ước quan trọng về bảo hộ quyền SHCN gồm: Hiệp định TRIPS (hiệp định liên quan tới quyền sở hữu trí tuệ ở nước ngoài), Công ước Paris về bảo hộ SHCN, Thoả ước Lahay về đăng ký quốc tế kiểu dáng công nghiệp... Nếu chủ quan và chậm trễ, các sản phẩm làng nghề truyền thống lâu đời của Hải Dương sẽ bị các doanh nghiệp nước ngoài thâu tóm, lấy cắp nhãn hiệu, thương hiệu. Khi đó các làng nghề sẽ tự đánh mất mình.
Bà Phạm Thị Huệ khẳng định thực tế đã chứng minh khi các sản phẩm của làng nghề được đăng ký quyền SHCN, nhất là sau khi được chứng nhận nhãn hiệu tập thể, giá trị của sản phẩm tăng lên đáng kể. "Chẳng hạn như sản phẩm bánh đa Hội Yên được đóng gói, dán nhãn chứng nhận đã có giá bán cao hơn từ 2.000 - 3.000 đồng/kg so với trước đây. Sản phẩm giày da của các làng nghề ở Hoàng Diệu không chỉ được tiêu thụ tốt trong tỉnh mà còn mở rộng thị trường ra các tỉnh khác. Sản phẩm làng nghề được đăng ký quyền SHCN sẽ tạo uy tín đối với người tiêu dùng", bà Huệ nói.
Trong lúc chưa có điều kiện thực hiện các thủ tục đăng ký bảo hộ quyền SHCN, các làng nghề của tỉnh cần xây dựng danh mục các sản phẩm làng nghề có danh tiếng, gắn với tên địa danh của địa phương để gửi Cục Sở hữu trí tuệ. Đơn vị này sẽ giúp làng nghề bảo vệ các thương hiệu, không bị người khác đăng ký chiếm dụng vì mục đích riêng.
HẢI MINH