Nam Tân ngày mới
Nông nghiệp - Nông thôn - Ngày đăng : 05:23, 03/10/2016
Có chặng đường ta đi chỉ mất vài ngày hoặc vài tháng. Nhưng ở xã Nam Tân, chặng đường ấy, họ đã đi mất 5 năm tập trung và nhiều năm trước đó.
Tận dụng lợi thế nằm ven sông Kinh Thầy, người dân Nam Tân phát triển nghề nuôi cá lồng đem lại thu nhập khá
Ðó là những năm tháng vất vả, nhưng để lại nhiều cảm xúc trong phong trào xây dựng nông thôn mới.
Bắt đầu từ quốc lộ 37, rẽ về khu di tích đền thờ Lưỡng quốc Trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi, ngồi trên xe tôi thực sự ngỡ ngàng và luôn miệng hỏi nhà báo Ngọc Thủy đi cùng, rằng đây là lối về xã Nam Tân (Nam Sách) hay sao? Bởi hơn mười năm trước tôi đã về thăm người bạn ở làng Đột Hạ, nhưng đường đi khác hẳn bây giờ. Lần ấy vừa đi vừa hỏi đường khi gặp những ngã ba cắt vụn giữa cánh đồng khá rộng, tạo ra những gấp khúc. Con đường cong queo, lởm chởm sống trâu, lại ngập chìm trong vũng nước sau mưa. Bỗng giật mình, một đống đất chình ình choán gần hết mặt đường vốn rất hẹp. Thất vọng! Hỏi ra biết rằng đã gần tới nhà bạn, thôi đành xuống xe cuốc bộ cho nhanh. Thật là đi chơi mà gian nan khó nhọc…
Còn bây giờ, trước mắt tôi là những xóm làng, đồng ruộng phơi phới lên xanh. Con đường bê tông phẳng phiu, có đoạn dài, thẳng như sợi chỉ căng xen giữa ruộng vườn, làng mạc. Phía xa hơn thấp thoáng những ngôi nhà cao tầng, ngói đỏ, mà Ngọc Thủy bảo rằng “Biệt thự mi ni đấy, bác ạ”.
Hai bên đường đi về phía trụ sở làm việc của xã, đây đó những ruộng trồng dưa hấu theo kỹ thuật mới, trông thật đẹp mắt. Những tấm nilon phủ lên luống đất dài, bên trên là những mầm cây đang xoè ra màu xanh sự sống. Chỉ vài tháng nữa thôi, ở nơi này sẽ vào mùa quả ngọt…
Từ những đêm thao thức…
|
Ngọn gió xây dựng nông thôn mới (NTM) tràn về Nam Tân từ năm 2011.
Bấy giờ Bí thư Đảng uỷ Bùi Hữu Chỉnh vẫn đang là Chủ tịch UBND xã. Từ khi biết rằng huyện Nam Sách quyết định chọn Nam Tân là một trong 5 xã làm điểm mở đầu cho phong trào xây dựng NTM, anh vừa mừng vui vừa lo lắng. Nhiều đêm từ trụ sở về nhà, anh trăn trở không sao ngủ được khi nghĩ tới những nhiệm vụ mới…
Nam Tân có truyền thống lịch sử văn hóa, anh hùng. Đây là quê hương Lưỡng quốc Trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi, sừng sững đó ngôi đền thờ như nhắc nhở con người đang sống trên miền quê văn hiến. Đây cũng là quê nữ anh hùng liệt sĩ Mạc Thị Bưởi, từng vang danh sóng nước Kinh Thầy. Càng tự hào, xã Nam Tân được mang danh Anh hùng thời kỳ chống Pháp.
Truyền thống yêu nước và cách mạng đã có từ thế hệ ông cha là thế, nhưng bây giờ trước cao trào xây dựng NTM, lớp con cháu có thể hoàn thành nhiệm vụ hay không? Và phải bắt đầu từ đâu?
Là địa đầu huyện Nam Sách, xa trung tâm lỵ sở, cách xa quốc lộ, xã Nam Tân có diện tích tự nhiên hơn 600 ha với trên 5.000 nhân khẩu. Dân cư sinh sống quần tụ trên 5 thôn làng từ nhiều đời, mà chủ yếu bằng nông nghiệp, và một ít ngành nghề. Nhưng trời lại phú cho Nam Tân một tài nguyên thiên nhiên vô giá. Đó là một đoạn dài gần 5 cây số bờ nam sông Kinh Thầy. Đây là nguồn nước ngọt dồi dào, ấp ủ tiềm năng kinh tế của vùng sông nước. Chính ở đây đã hình thành một cụm 50 gia đình tổ chức chăn nuôi với hàng nghìn lồng cá thịt, cung cấp cho thị trường. Người dân đã đầu tư vốn, giống, cơ sở vật chất, kỹ thuật chăn nuôi, thuê hàng trăm lao động, trả lương 6,5 triệu đồng/người/tháng mà vẫn còn có lãi. Đã có hộ thu về bạc tỷ mỗi năm, khiến cho nhiều nơi khác khát thèm…
Nhưng trong 19 tiêu chí NTM, thì vấn đề mở rộng và xây dựng đường giao thông là một hòn đá tảng, đè nặng lên quyết tâm của con người. Bởi làm được việc này không những phải có một khoản tiền rất lớn, đối với một xã thuần nông như Nam Tân, quả thực còn khó. Cả khi có tiền rồi, thì lấy đất ở đâu làm đường? Thời nay, tấc đất tấc vàng, có khi vì tranh chấp vài mét đất đã mất đi tình làng nghĩa xóm, anh em… Cũng như bao nhiêu làng xóm Việt Nam, ở Nam Tân vẫn còn những căn nhà bé nhỏ, nằm lẩn khuất trong bờ tre, thửa vườn. Chúng thò ra thụt vào, quay về các phương hướng khác nhau. Khi dân số đông dần, lúc dãn dân, xuất hiện cảnh dựng xây, cát cứ, hỗn độn, ngổn ngang. Bây giờ làm đường là phải quy hoạch, lại chạm vào những lợi ích cá nhân và vấn đề khác nảy sinh, là hiến đất, tháo dỡ các công trình?
Nhưng ở Nam Tân, từ trong Đảng đến cả hệ thống chính trị, quần chúng và tất cả guồng máy đồng hành khởi động. Họ thành lập các ban chỉ đạo và xây dựng tiến độ thực hiện. Họ minh bạch, dân chủ, công khai thông tin đến từng gia đình. ..
Không chỉ người dân đồng thuận, mà những người con Nam Tân sinh sống trên các miền Tổ quốc, các doanh nhân… cũng hào hứng hướng về đóng góp xây dựng làng quê.
Có lúc nhìn lại, so với yêu cầu, xã mới đạt 11 trong tổng số 19 tiêu chí thì cả Đảng bộ cùng chung lo, càng tỏ rõ quyết tâm.
Họ rà soát các tiêu chí, cái gì cần làm trước, cái gì làm sau. Họ làm dần, kiểu như người ăn cháo nóng. “Cháo nóng húp vùng quanh".
…đến những con số ấn tượng
Diện mạo nông thôn mới Nam Tân
Ngày ấy, cả xã Nam Tân thực sự là những công trường xây dựng.
Xôn xao ở 5 thôn, đã có gần 320 hộ hiến 3.841 m2 đất ở để mở rộng và nâng cấp các tuyến đường thôn xóm (quy ra tiền là 1,5 tỷ đồng). Người dân tự nguyện tháo dỡ nhà, công trình dân sinh, tính ra bằng 2.388 ngày công, tương đương gần 480 triệu đồng.
Chưa kể khoản đóng góp của dân cũng gần chục tỷ đồng để làm đường. Ví thử kéo dài ra, rồi lấy thước đo cũng được 24.400 m đường trong thôn và đường nội đồng, với con số chi phí 20 tỷ đồng.
Ở xã, các công trình cũng được đồng loạt triển khai xây mới hoặc nâng cấp. Từ trụ sở làm việc, đến các phòng học ba cấp đều sạch sẽ khang trang. Rồi tu sửa nâng cấp nghĩa trang liệt sĩ, trạm y tế, sân vận động trung tâm. Rồi xây dựng bãi rác thải, hệ thống chiếu sáng công cộng các tuyến đường trục xã.
Nhìn vào những con số sau đây mới thấy sức dân to lớn nhường nào: 5 năm, tổng số chi phí cho xây dựng NTM là 86 tỷ đồng, trong đó số tiền xã hội hóa là 1,1 tỷ đồng. Riêng số tiền nhân dân đóng góp 27,4 tỷ đồng, đã chiếm 32%.
Dồn điền, đổi thửa, gắn với chỉnh trang đồng ruộng là một thắng lợi trong quá trình xây dựng NTM.
Trước, những cánh đồng ở nhiều thôn bị xé vụn, như tấm chăn chắp vá, nay được hóa thân thành những thửa rộng hơn, đẹp mắt. Người dân tự nguyện hiến trên 73.000 m2 đất ngoài đồng, bình quân mỗi khẩu 32 m để làm đường, mương máng phục vụ sản xuất. Khi chúng tôi về Nam Tân, thì biết rằng cả 5 thôn đã hoàn thành 100% diện tích dồn điền, đổi thửa. Đây là cơ sở để tạo thành những khu ruộng chuyển đổi cây trồng, chuyên canh để có những sản phẩm có chất lượng cao. Nhìn cánh đồng bây giờ như bức hoạ của đồng quê, không còn chắp vá, xộc xệch như trước. Thửa lớn nhất gần 4.000 m2.
Sau 5 năm gian nan xây dựng NTM, bộ mặt làng quê ở Nam Tân khởi sắc, như được choàng lên tấm áo mới, đặc biệt làm thay đổi nhận thức con người. Người dân ở Nam Tân đã được sử dụng hệ thống nước sạch, được hưởng thụ về điện, đường, trường, trạm và các thiết chế văn hoá. Họ tự hào khi 5 thôn đều là làng văn hóa, 3 cấp học đều giữ được danh hiệu trường chuẩn quốc gia. Và Nam Tân vừa được công nhận xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế giai đoạn 2011- 2020, một điều không phải nơi nào cũng làm được.
Nghe anh Chỉnh kể, tôi thấy vui trong lòng, thầm nghĩ: Đã có bao nhiêu xã ở tỉnh Hải Dương bây giờ đạt mức thu nhập bình quân đầu người 32 triệu đồng/năm như ở Nam Tân?
Bí thư Đảng uỷ Bùi Hữu Chỉnh là người chứng kiến suốt cả quá trình xây dựng NTM. Năm sau 2011, một năm sau ngày anh nhậm chức Chủ tịch UBND xã, ngọn gió xây dựng NTM ào ạt thổi về đồng đất quê nhà. Anh đã cùng các đồng chí Thường trực Đảng ủy tìm cách tháo gỡ khó khăn, chỉ đạo phong trào để có ngày hôm nay…
Bây giờ ở Nam Tân 100% đường liên xã, liên thôn, đường đi vào các xóm, đến tận cổng ngõ gia đình… đều trải nhựa và đổ bê tông kiên cố. Những ngôi nhà khang trang sạch đẹp, nhiều cửa hàng tạp hoá mới mở bên cạnh các cơ sở dịch vụ dân sinh. Nhà văn hóa, sân vận động thể thao đã xây dựng hoàn thành. Các thôn đều có khu trung tâm sinh hoạt cộng đồng, môi trường xanh sạch đẹp. Tôi bỗng nhớ năm 2014, khi vở chèo “Mở đường" (một vở chèo về phong trào xây dựng NTM) do đội văn nghệ của huyện đưa về các xã biểu diễn, người dân Nam Tân đã không sợ rét mướt, đêm đông rủ nhau về khu trung tâm văn hoá xem chèo đông như trẩy hội.
Đã vang lên tiếng hát mừng công tại Lễ đón nhận xã đạt chuẩn NTM năm 2015, nhưng người Nam Tân vẫn không thỏa mãn. Họ đang hướng về mục tiêu phấn đấu của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã lần thứ 27 đề ra: Tận dụng mọi lợi thế của thiên nhiên, mặt sông, khai thác tiềm năng sẵn có để tăng sản phẩm. Phát triển các thành phần kinh tế, nâng cao chất lượng nông sản, mở rộng thị trường tiêu thụ. Khuyến khích các nghề cơ khí, mộc, xây dựng, tạo thêm việc làm cho con em nông dân và tiếp thu chuyển giao công nghệ…
Nam Tân, sau 5 năm xây dựng NTM, tràn đầy niềm vui.
KHÚC HÀ LINH