Vất vả lái đò đêm

Lao động - Việc làm - Ngày đăng : 06:04, 03/10/2016

Ðối với nhiều người, công việc này không đơn thuần chỉ là miếng cơm, manh áo mà còn là niềm vui được đưa đón khách an toàn qua mỗi chuyến đò.



Công việc lái đò đêm vất vả, cực nhọc nhưng nhiều người vẫn gắn bó với nghề


Giấc ngủ chập chờn

Ông Trần Văn Dĩnh, 57 tuổi ở thôn Đồng Quan, xã Tân Dân (Chí Linh) đã gắn bó với bến đò Vạn hơn 20 năm nay. Vì vậy ông thấu hiểu hết những khó khăn, nhọc nhằn của người chở đò, nhất là vào ban đêm. Do tuyến đường chính từ thị xã Chí Linh tới huyện Kinh Môn dài gần 30 km nên người dân thường lựa chọn đi qua đò để thuận tiện hơn. Lượng khách qua đò đông không chỉ ban ngày mà cả ban đêm khiến công việc của ông Dĩnh khá vất vả. Trước kia dùng đò chèo tay, sức người phải chống lại sức gió, sức nước, còn bây giờ là đò máy, tuy không mất nhiều sức nhưng lại có cái khó riêng. Đò cồng kềnh, nặng hơn nên nếu người lái đò không cẩn thận, tính toán dòng chảy với hướng gió hợp lý thì đò khó có thể cập bến an toàn. Với những chuyến đò đêm, người lái lại càng phải nhanh nhạy và tỉnh táo hơn gấp nhiều lần. "Trời tối, tầm nhìn bị hạn chế nên chúng tôi chủ yếu dùng cảm nhận và kinh nghiệm cá nhân để đánh lái phù hợp, nhất là khi thời tiết bất lợi. Mặt khác, chúng tôi luôn phải để mắt, hướng dẫn người dân lên xuống đò theo từng con nước. Có như vậy, nguy hiểm mới không rình rập", ông Dĩnh kể.

Giấc ngủ chập chờn luôn là nỗi ám ảnh đối với những người mới chở đò đêm. Đã lái đò tốc hành Thăng Long - Thượng Vũ được gần 4 năm nhưng đến nay anh Nguyễn Văn Quyền ở thôn Ngô Đồng, xã Lạc Long (Kinh Môn) mới chỉ dần bắt nhịp được với công việc ban đêm. Theo anh Quyền, làm đêm cần sự tập trung cao độ, tuy nhiên đây lại là lúc cơ thể mệt mỏi, cần được nghỉ ngơi. Vì vậy, chỉ cần lơ đãng, không chú tâm thì sự cố có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Nhiều lúc vắng khách, người lái đò vẫn có thể chợp mắt nhưng tâm lý bất an luôn thường trực nên chỉ cần một tiếng động nhẹ, họ lại giật mình tỉnh giấc. Lượng khách đi đò đêm không nhiều, điều kiện làm việc lại khắc nghiệt, tuy nhiên người lái đò vẫn phải luôn trong tâm thế sẵn sàng phục vụ. Vất vả nhất là những lúc mưa to, bão lớn, họ vẫn phải bám đò. Nếu không có đủ kiên nhẫn, tâm huyết thì e rằng khó có thể theo nghề. Dù quãng đường ngắn nhưng việc di chuyển liên tục cũng khiến những chuyến đò ngang gặp nhiều sự cố. Nếu rủi ro xảy ra vào ban đêm thì việc xử lý khó khăn, phức tạp hơn nhiều. Đây là lúc người chở đò phải thể hiện bản lĩnh, bình tĩnh khắc phục sự cố.

Đầy ắp nỗi niềm

Có những lúc tôi định về nhà ngủ cho ngon giấc nhưng lại sợ khi về rồi khách mới đến. Nếu mình không chở, người ta vừa mất công mất việc, bản thân mình cũng áy náy không yên.


Phải đối mặt với nhiều khó khăn, vất vả, thậm chí đã có người bỏ nghề vì thu nhập kiếm được ít ỏi nhưng với nhiều người, nghề lái đò không chỉ đơn thuần là công việc mưu sinh hằng ngày. Ông Phan Văn Cơ ở thôn Linh Xá, xã Nam Hưng (Nam Sách) là một trong những người như vậy. Làm nghề chở đò ở bến đò Linh Xá nhiều năm, ông Cơ nhận thấy nhiều đổi thay tại bến đò mà ông đã dành nhiều công sức và tâm huyết xây dựng. Dòng sông Kinh Thầy là cản trở lớn trong việc giao thương giữa hai xã Nhân Huệ (Chí Linh) và Nam Hưng (Nam Sách). Cách đây hơn 20 năm, để phục vụ nhu cầu đi lại của người dân, ông đã đầu tư tiền mua thuyền chèo tay. Những lúc vắng khách, ông lại tranh thủ đánh lưới để kiếm thêm thu nhập. Sau khi tích cóp được gần 30 triệu đồng, để đỡ vất vả hơn, ông chuyển sang chở đò đuôi tôm. Năm 2012, ông cùng 7 hộ khác góp tiền mua con đò mới trị giá 200 triệu đồng. Trước kia, ông chỉ chở ban ngày. Từ khi có đò mới, an toàn, vững chắc hơn, ông bàn với mọi người chở cả đêm. "Giá chở đò ban đêm có cao hơn so với ban ngày, tuy nhiên các hộ vẫn ngại làm vì vất vả. Nhiều khi cả đêm không có khách. Có những lúc tôi định về nhà ngủ cho ngon giấc nhưng lại sợ khi về rồi khách mới đến. Nếu mình không chở, người ta vừa mất công mất việc, bản thân mình cũng áy náy không yên. Giờ đã lớn tuổi, thường xuyên bị mất ngủ nên tôi nhận làm đêm", ông Cơ chia sẻ. Nhiều lúc nằm trên đò nghe sóng nước vỗ mạn thuyền ông lại nhớ tiếng mái chèo khua nước khi xưa và càng cảm thấy vui, gắn bó với bến đò này hơn. Ông bảo sẽ làm ở đây đến khi sức khỏe không cho phép thì thôi. Tuy con đò là kế sinh nhai của 8 hộ nhưng ông vẫn hy vọng sẽ có một ngày, bến đò này được thay thế bằng cây cầu kiên cố. Bởi có như vậy bà con đi lại mới không còn vất vả.

Bản thân anh Quyền, với tấm bằng lái tàu thủy nội địa trong tay, anh có thể tìm được công việc nhàn hạ và mức lương cao hơn so với số tiền 4,2 triệu đồng/tháng tiền công được trả lái đò ngang bây giờ. Mặc dù vậy, anh vẫn vui vẻ với cuộc sống và công việc hiện tại, được làm việc ngay tại quê hương, gần gũi với người thân và điều quan trọng là đóng góp công sức để có những chuyến đi an toàn, thuận tiện cho người dân.

DŨNG CƯỜNG