Nhờ cộng đồng giám sát, ô nhiễm môi trường giảm

Môi trường - Ngày đăng : 07:02, 05/10/2016

Việc nhân rộng mô hình tổ giám sát cộng đồng là cần thiết, nhất là ở những nơi tập trung nhiều doanh nghiệp, ngành nghề sản xuất có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao.



Giám sát cộng đồng buộc các doanh nghiệp chấp hành nghiêm quy định của Nhà nước trong lĩnh vực bảo vệ môi trường


Giám sát cộng đồng các cơ sở gây ô nhiễm môi trường là giải pháp hữu hiệu để chính quyền và người dân cùng các cơ quan chuyên môn chủ động kiểm soát tình trạng gây ô nhiễm môi trường của các doanh nghiệp.

Hiệu quả

Cách đây khoảng 10 năm, xã Duy Tân (Kinh Môn) là điểm nóng về ô nhiễm môi trường (ONMT) của Hải Dương. Những nhà máy xi măng lò đứng liên tục nhả khói bụi đầu độc người dân. Cuộc sống, sức khỏe của người dân bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Kêu cứu không được, một số người đổ đất đá chặn cổng, yêu cầu doanh nghiệp phải thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường. Ông Trần Đình Sâm, Trưởng Phòng Tổ chức hành chính Công ty CP Xi măng Trung Hải cho biết: Trước phản ứng dữ dội của người dân, công ty đầu tư lắp đặt hệ thống lọc bụi tĩnh điện cho toàn bộ dây chuyền sản xuất. Do hệ thống này hoạt động không hiệu quả, năm 2010 công ty đã đầu tư hơn 10 tỷ đồng lắp đặt hệ thống lọc bụi bằng túi vải polyme.

Công ty CP Xi măng Trung Hải cũng thường xuyên tham dự các cuộc họp giao ban của Tổ giám sát cộng đồng (GSCĐ) xã Duy Tân, lắng nghe, tiếp thu ý kiến đóng góp của các thành viên tổ giám sát và đề ra biện pháp khắc phục nếu hoạt động sản xuất của công ty gây ONMT. Trong quá trình sản xuất, khi người dân có ý kiến về tình trạng ONMT, công ty lập tức kiểm tra, tìm biện pháp khắc phục sự cố.

Từ đầu năm 2016, người dân khu 7, thị trấn Phú Thứ (Kinh Môn) yêu cầu một số doanh nghiệp luyện kim trên địa bàn dừng hoạt động, triển khai các biện pháp bảo vệ môi trường. Khi người dân có đơn kêu cứu gửi các cơ quan chức năng, UBND huyện Kinh Môn yêu cầu thị trấn Phú Thứ thành lập tổ GSCĐ thực hiện giám sát hoạt động của các doanh nghiệp bị người dân phản ánh gây ONMT. Anh Nguyễn Chung Thủy, thành viên tổ GSCĐ thị trấn Phú Thứ cho biết: Các thành viên tổ giám sát có trách nhiệm nắm bắt tình hình hoạt động, xả thải của doanh nghiệp, chuyển kiến nghị của người dân đến chính quyền và lãnh đạo doanh nghiệp để có biện pháp khắc phục kịp thời. Từ khi tổ GSCĐ được thành lập, môi trường khu vực đã được cải thiện, các doanh nghiệp có ý thức hơn trong việc thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường.

Ông Trần Văn Lưỡng, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Luyện kim Tân Nguyên (thị trấn Phú Thứ) cho biết: Khi người dân có ý kiến về tình trạng ONMT, công ty phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương và các thành viên tổ giám sát mời đơn vị độc lập lấy mẫu thực hiện quan trắc môi trường. Các thành viên trực tiếp chỉ địa điểm, giám sát quá trình lấy mẫu của cơ quan chuyên môn, tham quan dây chuyền sản xuất, hệ thống thiết bị bảo vệ môi trường của công ty.

Theo ông Lưỡng, thông qua sự giám sát thường xuyên của người dân, công ty sẽ biết được những hạn chế, thiếu sót trong công tác bảo vệ môi trường, từ đó có những biện pháp khắc phục. Từ giữa tháng 6 đến nay, công ty tập trung kiểm tra, bảo dưỡng, lắp đặt thêm hệ thống lọc bụi, tăng cường nhân lực phun nước tưới, rửa đường nội bộ, đào tạo lại quy trình cho công nhân vận hành lò nhằm giảm thiểu lượng bụi phát tán ra môi trường. "Thời gian tới, công ty tiếp tục đầu tư, hoàn thiện thiết bị bảo vệ môi trường, sẵn sàng phối hợp với chính quyền và người dân trong quá trình hoạt động", ông Lưỡng nói thêm.

Cần nhân rộng

Theo ông Trần Đức Chính, Phó Chủ tịch UBND xã Duy Tân, tổ GSCĐ thường xuyên kiểm tra, giám sát, kịp thời phản ánh tình trạng ONMT của các doanh nghiệp đến chính quyền địa phương. Căn cứ vào thông tin của tổ giám sát, xã thông báo cho doanh nghiệp, yêu cầu khắc phục, sửa chữa. Sự giám sát chặt chẽ của người dân buộc doanh nghiệp phải chấp hành những quy định của pháp luật, hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng xả thải bừa bãi như những năm trước đây. Là người tham gia tổ GSCĐ xã Duy Tân ngay từ những ngày đầu mới thành lập, ông Nguyễn Ngọc Khấm ở thôn Trại Xanh cho rằng từ khi có tổ GSCĐ, môi trường của xã Duy Tân đã được cải thiện đáng kể. Các tổ viên và người dân có thể phản ánh ý kiến trực tiếp đến lãnh đạo các doanh nghiệp, yêu cầu khắc phục tình trạng ô nhiễm. Nhờ có sự giám sát chặt chẽ của người dân, các doanh nghiệp đã hạn chế chạy đêm, không còn tình trạng xả bụi bừa bãi như trước kia.

Đang là điểm nóng về ONMT của huyện Kinh Môn, việc thành lập tổ GSCĐ ở thị trấn Phú Thứ góp phần giảm thiểu tình trạng xả thải bừa bãi của các doanh nghiệp. Ông Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch UBND thị trấn Phú Thứ cho biết tổ GSCĐ lĩnh vực môi trường gồm 17 thành viên, trong đó có đại diện lãnh đạo các doanh nghiệp gây ONMT đã bị người dân phản ánh. Tổ GSCĐ hoạt động liên tục, trực tiếp quan sát hoặc ghi nhận ý kiến của người dân và báo cho chính quyền địa phương cũng như doanh nghiệp để bàn biện pháp khắc phục.

Theo đánh giá của Sở Tài nguyên và Môi trường, hoạt động của tổ GSCĐ thời gian qua thực sự hiệu quả. Vì vậy, việc nhân rộng mô hình này là cần thiết, nhất là ở những địa phương tập trung nhiều doanh nghiệp, ngành nghề sản xuất có nguy cơ gây ONMT cao. Đặc biệt, hoạt động của các tổ giám sát dưới sự quản lý trực tiếp của chính quyền địa phương góp phần đưa hoạt động đấu tranh bảo vệ môi trường của người dân vào nền nếp, tránh những hành động tự phát, ảnh hưởng lớn tới hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và sự ổn định của địa phương.

VỊ THỦY