Bối rối với phương án thi THPT quốc gia 2017
Giáo dục và đào tạo - Ngày đăng : 07:35, 05/10/2016
Phương án thi THPT quốc gia 2017 chính thức được Bộ GDĐT công bố với nhiều thay đổi khiến không chỉ học sinh, phụ huynh lo lắng mà ngay cả nhà trường cũng bối rối.
Việc thi toán theo hình thức trắc nghiệm có thể khiến học sinh thụ động, giảm khả năng tư duy logic
Lo nhất môn toán
Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) đã chính thức công bố phương án thi mới mà không có nhiều thay đổi so với bản dự thảo đưa ra trước đó 20 ngày. Đáng chú ý, kỳ thi THPT quốc gia năm 2017 chỉ có môn ngữ văn thi theo hình thức tự luận, các môn còn lại đều thi trắc nghiệm. Thời điểm thi sẽ diễn ra vào tháng 6-2017, nghĩa là thời gian ôn tập của học sinh bị rút ngắn so với các năm trước. Vì vậy, vấn đề đặt ra đối với tất cả các trường THPT là phải thay đổi chương trình dạy và học để phù hợp với tình hình thực tế.
Thay đổi khiến học sinh lo nhất là môn toán lần đầu tổ chức thi trắc nghiệm. Theo đánh giá của nhiều giáo viên, toán là môn khoa học cơ bản, nền tảng của các môn khoa học khác. Tư duy toán là tư duy logic, lập luận. Việc thi trắc nghiệm môn toán có thể khiến học sinh trở nên thụ động, học vẹt, làm giảm khả năng tư duy logic và sáng tạo của các em. Việc chọn đáp án "đúng" trong một bài thi chỉ còn là động tác “khoanh” đầy may rủi. Kỳ thi THPT quốc gia 2016 có 1 học sinh khoanh bừa đáp án và đạt 10 điểm môn vật lý, trong khi em này lại bị điểm 0 môn toán.
“Thi trắc nghiệm làm mất đi vẻ đẹp của môn toán. Khi các em phụ thuộc nhiều vào máy tính, vô tình chúng ta sẽ đào tạo ra một thế hệ rô-bốt, thế hệ bấm máy tính hơn là tư duy. Có thể tương lai chúng ta sẽ có rất ít các nhà khoa học về toán học và khoa học tự nhiên”, cô Phạm Thị Thanh Nhàn, giáo viên dạy toán Trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm (TP Hải Dương) nói.
Kỳ thi THPT quốc gia 2017 lần đầu tiên có 2 bài thi tổng hợp gồm khoa học tự nhiên (gồm 3 môn vật lý, hóa học, sinh học) và khoa học xã hội (gồm 3 môn địa lý, lịch sử, giáo dục công dân). Như vậy, đối với thí sinh hệ THPT sẽ phải thi ít nhất 6 môn, gồm 3 môn bắt buộc: toán, ngữ văn, ngoại ngữ và 1 môn tự chọn khoa học tư nhiên hoặc khoa học xã hội. Thí sinh hệ bổ túc THPT thi 5 môn, gồm 2 môn bắt buộc: toán, ngữ văn và 1 môn tự chọn khoa học tư nhiên hoặc khoa học xã hội. Nhiều học sinh, phụ huynh cho rằng việc tăng số môn thi khiến các em quá tải. Em Lương Gia Hoàn, học sinh lớp 12B, Trường THPT Gia Lộc II cho biết: “Số môn nhiều mà thời gian học chỉ còn từ nay đến tháng 6 nên chúng em rất căng thẳng”.
Lần đầu đưa môn giáo dục công dân vào kỳ thi THPT quốc gia 2017 cũng khiến không ít học sinh lo lắng bởi từ trước đến nay, môn học này ngay cả thầy và trò đều coi là môn phụ. “Nội dung thi nằm trong chương trình lớp 12, chủ yếu là kiến thức về pháp luật nên khô khan, càng khó thu hút được học sinh”, cô Đặng Thanh Huyền, giáo viên dạy môn giáo dục công dân Trường THPT Gia Lộc cho biết. Theo cô Huyền, với đặc thù là bộ môn lý thuyết, phải học thuộc nhiều nên việc ngay trong năm đầu áp dụng luôn phương pháp thi trắc nghiệm cũng là thách thức đối với các trường và giáo viên bộ môn.
Chờ đề thi minh họa
Trường THPT chuyên Nguyễn Trãi (TP Hải Dương) đã chủ động tăng cường các câu hỏi trắc nghiệm vào mỗi giờ học
Lo lắng trước những thay đổi lớn của kỳ thi THPT quốc gia 2017, nhiều học sinh lớp 12 vội vã đi tìm các lớp học thêm, ôn luyện theo hình thức trắc nghiệm. Em Lương Thùy Dương ở khu 16, phường Ngọc Châu (TP Hải Dương) cho biết bạn bè em đã tìm tới các trung tâm ôn thi để học tất cả các môn. Còn em mới học thêm môn toán và đang tìm lớp cho những môn còn lại. “Thầy cô ở các trung tâm cũng đưa những dạng bài tập trắc nghiệm để chúng em làm quen. Tuy nhiên, học thì cứ học chứ chúng em vẫn không yên tâm vì còn phải chờ đề minh họa của Bộ GDĐT”, em Dương lo lắng.
Ngoài việc học trên lớp, học thêm ở ngoài, nhiều học sinh còn tự tìm các bộ đề minh họa trên mạng internet để làm quen và thử sức.
Theo thầy Phí Văn Dương, chuyên viên toán của Sở GDĐT, đến thời điểm này, các đề thi trên mạng không phải là đề thi minh họa của Bộ GDĐT mà chỉ là các bộ đề có "tính chất thị trường" của một số trung tâm. “Các em chỉ nên tham khảo, không nên coi đó là các đề thi chuẩn mực, rất dễ loãng kiến thức. Các em cũng không nên hoang mang mà cần nắm chắc kiến thức cơ bản. Khi có đề thi minh họa chính thức, nhà trường sẽ có giải pháp để giúp các em làm bài được tốt nhất”, thầy Dương trấn an.
Không chỉ học sinh mà một số trường THPT trên địa bàn tỉnh đã có những bước chuyển để phù hợp với yêu cầu mới. Trường THPT chuyên Nguyễn Trãi (TP Hải Dương) quán triệt học sinh học đến đâu, chắc kiến thức đến đó. Các tổ bộ môn phải tự thảo luận, xây dựng các chủ đề, chuyên đề dạy phù hợp, nhất là đối với các thầy cô có kinh nghiệm lâu năm, tiếp tục giới thiệu các dạng bài tập trắc nghiệm, tăng cường các câu hỏi trắc nghiệm lồng ghép vào bài tập hằng ngày trên lớp, kiểm tra bài cũ hoặc sau mỗi bài học mới để củng cố kiến thức cho học sinh.
Trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm (TP Hải Dương) đã tổ chức họp phụ huynh học sinh khối 12, thống nhất dừng các lớp phụ đạo theo chương trình cũ. Nhà trường cũng xây dựng kế hoạch cho các em đăng ký các lớp phụ đạo mới theo yêu cầu. Ngoài bám sát chương trình sách giáo khoa, nhà trường sẽ thường xuyên đưa phần câu hỏi trắc nghiệm vào chương trình để các em làm quen. “Chúng tôi cũng như tất cả các trường khác trong tỉnh vẫn phải chờ đề thi minh họa và hướng dẫn của Bộ GDĐT mới có thể triển khai cụ thể được”, thầy Hoàng Chí Thanh, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm cho biết.
LÊ HƯƠNG