Thêm lực để phát triển

Công nghiệp - Ngày đăng : 05:36, 10/10/2016

Từ "ao làng" muốn vươn ra khơi xa, các hộ kinh doanh cá thể không còn cách nào hơn là thành lập doanh nghiệp. Hành trình ấy cần có "thuốc trợ lực" từ nhiều phía.



Công ty TNHH một thành viên Hưng Việt phát triển từ hộ kinh doanh cá thể lên mô hình doanh nghiệp để mở rộng sản xuất


Khát vọng vươn lên

Slogan của Công ty CP Thức ăn chăn nuôi Tiền Trung khá ấn tượng: “Tôi muốn làm cho nông dân tôi giàu”. Chị Lưu Thị Tám, Giám đốc công ty giới thiệu: “Đây là mục tiêu đầu tiên mà chúng tôi đặt ra ngay khi thành lập doanh nghiệp. Bởi trước khi làm chủ doanh nghiệp, tôi đã từng là nông dân, hộ sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ nên đã thấu hiểu những khó khăn của nông dân”.

Với khát vọng làm giàu và ý chí vươn lên, từ một hộ kinh doanh cá thể, đến nay doanh nghiệp này đã có số vốn hàng chục tỷ đồng, mỗi tháng cung cấp hàng trăm tấn thức ăn chăn nuôi cho nông dân trong và ngoài tỉnh. Theo chị Tám, nếu không có khát vọng, không có mục tiêu phấn đấu thì khó có thể mạnh dạn để đăng ký thành lập doanh nghiệp và có cơ ngơi như hiện nay. Sau 5 năm chuyển đổi từ mô hình kinh tế hộ cá thể lên doanh nghiệp, Công ty CP Thức ăn chăn nuôi Tiền Trung đã vững vàng tham gia vào thị trường thức ăn chăn nuôi trong và ngoài nước. Sản phẩm trứng gà, gà thương phẩm của công ty đã xây dựng được thương hiệu và được bán tại một số siêu thị.

Theo anh Phan Tiến Đại, Giám đốc Công ty CP Tiến Huy (Gia Lộc), nếu các hộ kinh doanh không quyết tâm thành lập doanh nghiệp, cứ ở mãi trong “ao làng” thì khó có thể thành công. “Khi còn là hộ cá thể, công ty chúng tôi đã ký hợp đồng với một đối tác có đơn hàng lớn nhưng khó ở chỗ lúc họ yêu cầu cung cấp hóa đơn giá trị gia tăng thì hộ cá thể lại không thể có. Tính đến lợi ích lâu dài nên ngay sau đó tôi đã quyết định thành lập doanh nghiệp. Nhờ đó mà công ty ngày càng có nhiều mối làm ăn lớn”, anh Đại ví dụ.

Tính đến lợi ích lâu dài nên ngay sau đó tôi đã quyết định thành lập doanh nghiệp. Nhờ đó mà công ty ngày càng có nhiều mối làm ăn lớn.


Đăng ký thành lập doanh nghiệp sẽ giúp các hộ kinh doanh cá thể tiếp cận với các ngân hàng và tổ chức tín dụng để vay vốn đầu tư sản xuất thuận lợi hơn. Bên cạnh đó, các hộ được tạo điều kiện thuê đất mở rộng sản xuất, đầu tư trang thiết bị, công nghệ mới. Khi có con dấu riêng và tư cách pháp nhân thì chủ doanh nghiệp đó có quyền đứng tên độc lập mua nguyên liệu sản xuất từ nước ngoài về mà không phải qua các doanh nghiệp trung gian. Điều này cũng đồng nghĩa với việc giảm chi phí, tăng lợi nhuận cho doanh nghiệp. Ông Lê Xuân Hiền, Trưởng Phòng Đăng ký kinh doanh (Sở Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, thời gian qua phong trào khởi nghiệp ở Hải Dương đã phát triển mạnh. Nhiều hộ kinh doanh cá thể đã mạnh dạn phát triển lên mô hình doanh nghiệp. Đây là bước phát triển mới giúp cộng đồng doanh nghiệp của tỉnh thêm mạnh mẽ hơn trước thị trường.

Cần trợ lực

Có một nghịch lý là hiện nay không ít hộ kinh doanh cá thể trong tỉnh có quy mô sản xuất, số lao động và mức doanh thu không kém các doanh nghiệp. Họ cũng đang có ý định mở rộng sản xuất, phát triển kinh doanh nhưng lại không muốn phát triển lên mô hình doanh nghiệp. Vậy nguyên nhân ở đâu?

Đại diện Phòng Đăng ký kinh doanh (Sở Kế hoạch và Đầu tư) lý giải nguyên nhân do hộ cá thể còn lo ngại về quy mô, năng lực điều hành, quản lý. Nhiều hộ cá thể còn lúng túng khi làm thủ tục, giấy tờ chuyển đổi. Việc quản lý thu chi cũng không dễ thực hiện. Sâu xa hơn đó là nỗi lo sợ sẽ bị ràng buộc nhiều hơn từ các cơ quan quản lý.

Gần đây Nhà nước cũng đã ban hành nhiều chính sách khuyến khích hộ kinh tế phát triển lên mô hình doanh nghiệp. Nghị quyết 35 của Chính phủ về hỗ trợ phát triển doanh nghiệp đến năm 2020 đã chỉ rõ những việc các địa phương cần làm để hỗ trợ doanh nghiệp phát triển, trong đó đặc biệt nhấn mạnh đến vai trò của đội ngũ doanh nghiệp tư nhân. Hải Dương cũng đã coi các hộ kinh doanh cá thể là nguồn lực quan trọng để thực hiện chiến lược này. Việc thay đổi quan điểm từ lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo các sở, ban, ngành từ cơ chế “xin-cho” sang phục vụ, hợp tác đã tạo ra những động lực nhất định giúp nhiều hộ kinh doanh cá thể bứt phá, phát triển lên mô hình doanh nghiệp.

Tuy nhiên, để thực hiện được mục tiêu này cần có sự quyết tâm và thay đổi tích cực từ nhiều phía. Trước hết phải tăng cường cải cách thủ tục hành chính, giảm gánh nặng thuế, phí cho doanh nghiệp. Việc thuê đất, tiếp cận nguồn vốn để đầu tư sản xuất, kinh doanh cũng cần được quan tâm… Nhà nước cần tạo sân chơi bình đẳng cho các doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) và các doanh nghiệp tư nhân. Ông Tăng Xuân Trường, Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Hưng Việt (Gia Lộc) cho rằng: "Nhà nước cần tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho các hộ kinh doanh cá thể trong việc phát triển thị trường. Đồng thời cần hỗ trợ thông tin về thị trường trong và ngoài nước; đổi mới công nghệ, giảm chi phí một cách thấp nhất khi gia nhập thị trường…”

Doanh nghiệp có xuất phát điểm là kinh tế hộ cũng cần phải nâng cao hơn nữa năng lực quản lý, điều hành, thường xuyên nắm bắt, cập nhật các thông tin chính sách để điều hành sản xuất, kinh doanh hiệu quả… “Thực tế nhiều tỷ phú trên thế giới làm giàu từ con số 0. Nhiều hộ kinh doanh trong tỉnh đã có sẵn kinh nghiệm, nguồn vốn nên cần nhanh chóng tính đến chiến lược làm ăn lâu dài, bền vững bằng cách hoạt động theo mô hình doanh nghiệp", ông Nguyễn Hữu Đoan, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh khẳng định.

HẢI MINH