Biến ruộng hoang thành cánh đồng mẫu lớn
Nông nghiệp - Nông thôn - Ngày đăng : 07:32, 13/10/2016
Vợ chồng ông Bích canh tác 10 mẫu ruộng, mỗi vụ cho lãi khoảng 50 triệu đồng
Từ những mảnh ruộng bỏ hoang, vợ chồng ông Nguyễn Văn Bích và bà Nguyễn Thị Lời (cùng 57 tuổi) ở thôn Lẻ, thị trấn Lai Cách (Cẩm Giàng) đã bỏ công cải tạo thành cánh đồng mẫu lớn cho hiệu quả kinh tế cao.
Thăm khu đồng Gò Ôn Quán thuộc thôn Lẻ, ngắm nhìn những vạt lúa vàng óng, trĩu bông sắp đến ngày thu hoạch không ai nghĩ nơi đây từng là những thửa ruộng hoang. Cầm những bông lúa trĩu hạt trên tay, ông Bích chia sẻ: "Tôi xuất thân từ nhà nông, từ bé đã gắn bó với cây lúa nên rất yêu đồng ruộng. Theo tiêu chuẩn khoán thì cả nhà chỉ có hơn 5 sào, năm 2009 thấy khu đồng này có nhiều ruộng bỏ hoang, cỏ mọc um tùm, bờ xôi ruộng mật bỏ rất phí nên vợ chồng tôi xin để cấy. Từ ngày ấy có nhà nào trong thôn bỏ ruộng, vợ chồng tôi lại xin cấy. Bây giờ làm nông nghiệp đều bằng máy, các trục chính nội đồng lại đang dần được bê tông hóa, gieo cấy tập trung nên cũng thuận tiện nhiều".
Từ năm 2009, ngoài 5 sào ruộng khoán vợ chồng ông xin thêm hơn 3 mẫu ruộng để canh tác. Với lợi thế các ruộng cùng một lô nên vợ chồng ông Bích đã quy thành một vùng tập trung, để thuận tiện canh tác, đưa máy móc vào sản xuất và vận chuyển thóc sau thu hoạch. Ông đã đầu tư 7 triệu đồng để đắp con đường dài khoảng 300 m theo lô, đường rộng 3 m được rải xỉ và gạch vỡ để tránh lầy lội vào mùa mưa.
Với phương châm "cho là lấy, bỏ là xin", diện tích gieo cấy của gia đình ông tăng lên theo từng năm, từ 3 mẫu năm 2009, 4 mẫu năm 2010 và đến năm 2014 vợ chồng ông đã gieo cấy trên tổng diện tích gần 10 mẫu ruộng, được quy thành từng vùng gieo các loại giống Bắc thơm, Q5, nếp mục tuyền.
Với kinh nghiệm làm việc nhiều năm tại Xí nghiệp Giống cây trồng Quý Dương, xã Tân Trường (Cẩm Giàng) nên bà Lời tích lũy được nhiều kinh nghiệm về kỹ thuật gieo cấy, chăm sóc, phòng bệnh cho lúa và áp dụng vào sản xuất của gia đình. Bà chia sẻ: "Bên cạnh việc bảo đảm mật độ gieo cấy, thời điểm và lượng phân đạm bón cho mỗi loại chân ruộng cao thấp khác nhau thì việc kiểm tra và phun trừ sâu bệnh đặc biệt quan trọng. Việc phun trừ phải tuân thủ theo nguyên tắc "4 đúng" (đúng thuốc, đúng nồng độ, đúng lúc và đúng cách). Để thực hiện nguyên tắc này thì phải thường xuyên thăm đồng, kiểm tra tình hình sâu bệnh, bám sát hướng dẫn của các cơ quan chuyên môn.
Từ vụ chiêm năm 2015 đến nay, vợ chồng ông Bích liên kết với Công ty CP Giống cây trồng Hải Dương gieo cấy 6 mẫu giống Q5. Để bảo đảm chất lượng thóc sau thu hoạch, trước khi gieo cấy công ty về kiểm tra, khảo sát chất đất để có biện pháp xử lý mầm bệnh. Thóc giống cũng mua của công ty, cán bộ kỹ thuật công ty thường xuyên về hướng dẫn trong quá trình gieo cấy, chăm sóc và thu mua toàn bộ sản phẩm.
Nhờ có kinh nghiệm và tích cực tìm hiểu kỹ thuật, các diện tích lúa của ông bà luôn phát triển tốt, cứng cây, ít sâu bệnh, năng suất bình quân đều đạt khoảng 2,5 tạ/sào. Với 10 mẫu ruộng, sau khi trừ chi phí mỗi vụ vợ chồng ông thu lãi khoảng 50 triệu đồng.
Với một người làm nông nghiệp thì 10 mẫu ruộng đã là diện tích quá lớn nhưng với vợ chồng ông Bích thì như thế vẫn chưa đủ. Ông bà vẫn muốn có thêm ruộng để cấy. Khi mà các cấp, các ngành đang tích cực tuyên truyền vận động nhân dân phủ xanh đồng ruộng, không để ruộng hoang thì việc làm của vợ chồng ông Bích thật đáng được khuyến khích và nhân rộng.
TUẤN SỸ