Nông dân ngại liên kết
Nông nghiệp - Nông thôn - Ngày đăng : 11:32, 24/10/2016
Liên kết để hình thành chuỗi giá trị trong sản xuất là yếu tố sống còn giúp nông nghiệp phát triển trong xu thế hội nhập. Vậy mà nông dân không mấy mặn mà. Vì sao?
Liên kết là hướng đi tất yếu trong sản xuất nông nghiệp
Tư duy "ăn chắc"
Hải Dương được đánh giá là vựa nông sản của miền Bắc với nhiều sản phẩm chủ lực và có thế mạnh cạnh tranh như vải, ổi, na, rau màu... Mặc dù tự chủ trong sản xuất nhưng bị động về thị trường tiêu thụ nên giá trị sản phẩm nhiều khi không tương xứng với công sức của người sản xuất và chi phí bỏ ra. Vì vậy, việc tăng cường liên kết, thắt chặt mối quan hệ giữa nông dân với doanh nghiệp sẽ giúp người lao động có thể giải bài toán về giá cả. Liên kết còn là chất xúc tác giúp đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Tuy nhiên, việc thực hiện lại không hề đơn giản, thậm chí còn gặp rào cản từ nhiều phía.
|
Là vùng chuyên canh rau màu điển hình của tỉnh nên khi các địa phương khác mới bắt đầu tìm hiểu về liên kết trong sản xuất thì xã Tam Kỳ (Kim Thành) đã thực hiện việc này từ lâu, nhưng kết quả đạt được lại không khả quan. Do người dân ở đây có kinh nghiệm thâm canh, nông sản có chất lượng tốt nên ngoài việc thu mua, nhiều thương lái còn đặt hàng nông dân trồng các loại nông sản theo yêu cầu của thị trường. Từ đó dần hình thành mối quan hệ ràng buộc giữa người sản xuất và người tiêu thụ. Người mua có nguồn hàng ổn định còn người trồng được hỗ trợ về giá giống, tiền đặt cọc để yên tâm sản xuất, không phải thấp thỏm, lo lắng về đầu ra. Ông Phạm Ngọc Khánh ở thôn Nại Đông cho biết: Lúc đầu ai cũng phấn khởi nhưng được một thời gian, việc hợp tác này bộc lộ nhiều hạn chế. Dù có thỏa thuận từ trước nhưng tại thời điểm thu hoạch, nếu giá cao thì nông dân thường cung cấp cho thương lái không đủ số lượng vì bán ra thị trường có giá cao hơn. Do đó thương lái bị thiệt hại. Còn nếu giá thấp, để tránh thua lỗ thương lái lại hủy hợp đồng, không thu mua hoặc mua với số lượng ít, khiến người trồng lao đao. Lâu dần cả người bán và người mua đều mất niềm tin ở nhau. Trong mối quan hệ này, nông dân luôn chịu thiệt thòi nhiều hơn do ở thế bị động. Vì vậy, người dân ngày càng có tâm lý ngại liên kết.
Tư duy sản xuất theo kiểu "ăn chắc" cũng là nguyên nhân khiến nông dân dè dặt trong việc xây dựng các mối liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ. Theo ông Nguyễn Mạnh Cường, Giám đốc Công ty CP Giống cây trồng Kiên Giang (phường Thạch Khôi, TP Hải Dương), hội nhập ngày càng sâu rộng sẽ mở ra nhiều cơ hội xuất khẩu nông sản. Tuy nhiên, nông sản cần đáp ứng được các tiêu chuẩn quốc tế thì mới có khả năng cạnh tranh, nếu không sẽ phải chấp nhận thua ngay trên sân nhà chứ chưa tính đến chuyện xuất khẩu. Liên kết chính là giải pháp vừa giúp nông dân nâng cao giá trị nông sản, vừa giúp doanh nghiệp có vùng nguyên liệu bảo đảm chất lượng để xuất khẩu không bị gián đoạn. Công ty đã đi khảo sát nhiều nơi có truyền thống trồng rau màu trong tỉnh và ngỏ ý muốn liên kết. Để tạo niềm tin, công ty đưa ra 2 phương án cho nông dân lựa chọn: Doanh nghiệp và các hộ sẽ thống nhất giá sàn ngay từ đầu vụ. Nếu giá tại thời điểm bán thấp hơn giá sàn, công ty vẫn thu mua theo thỏa thuận ban đầu và sẽ thu mua cao hơn 20% so với giá thị trường. Tuy vậy, nhiều hộ vẫn không chấp thuận vì phía công ty yêu cầu phải sản xuất đồng bộ, một vùng, một giống. "Có lẽ tình trạng được mùa, mất giá đã ám ảnh người dân suốt một thời gian dài nên họ vẫn giữ thói quen trồng mỗi loại một ít để tránh rủi ro. Nếu cứ giữ tư duy sản xuất này thì ngành nông nghiệp khó có thể hội nhập", ông Cường nói.
Thực tế sản xuất hiện nay cho thấy nông dân là chủ thể nhưng lại chưa được hưởng lợi đúng mức trong chuỗi giá trị. Do vậy đã dẫn tới tình trạng người dân vì lợi ích trước mắt sẵn sàng phá vỡ liên kết và dần ngại liên kết.
“Chất kết dính”
Tình trạng được mùa, mất giá luôn ám ảnh người nông dân nên nhiều hộ vẫn giữ thói quen trồng mỗi loại một ít cho chắc ăn
Nông nghiệp là ngành dễ bị tổn thương trước những thay đổi của thời tiết, thị trường, điều kiện sản xuất... Hơn nữa, sản phẩm nông nghiệp lại có tính đặc thù thời vụ, khó bảo quản nên việc liên kết sản xuất chưa thực sự ổn định sẽ khiến người dân thiếu tin tưởng. Để liên kết được bền chặt, lâu dài và là bình phong vững chắc giúp ngành nông nghiệp phát triển, đi vào quỹ đạo ổn định thì cần có sự chung tay, góp sức từ nhiều phía.
Ông Vũ Viết Khang, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp xã Phạm Kha (Thanh Miện) khẳng định: Chỉ khi nông dân thấy được vai trò, vị trí cũng như lợi ích từ việc sản xuất theo chuỗi giá trị thì mới có thể loại bỏ được tâm lý ngại liên kết hiện nay. Bên cạnh việc tạo ra thị trường tiêu thụ ổn định, liên kết còn giúp nông dân tiếp cận được với tiến bộ khoa học kỹ thuật nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất. Tuy nhiên, thói quen sản xuất được ăn thua chịu, chỉ chú trọng tới số lượng mà xem nhẹ chất lượng hiện đang là cản trở lớn khiến người dân không mấy thiết tha với liên kết. "Trước đây, có nhiều doanh nghiệp tới HTX mong muốn được thu mua sản phẩm cho các thành viên nhưng việc thực hiện theo yêu cầu của doanh nghiệp lại rất khó khăn. Từ việc quy hoạch lại khu vực sản xuất đến thay đổi tập quán canh tác để có sản phẩm đồng đều, sạch, an toàn đã nảy sinh nhiều khúc mắc khó tháo gỡ. Do vậy HTX bỏ lỡ nhiều hợp đồng bao tiêu. Để khắc phục thực trạng này, thời gian tới, HTX sẽ tăng cường tuyên truyền, giúp người dân nhận ra lợi ích từ việc liên kết", ông Khang cho biết thêm.
Cơ quan chuyên môn và chính quyền địa phương là chủ thể trung gian, là "chất kết dính" giúp gắn kết giữa nông dân với doanh nghiệp trong chuỗi giá trị sản xuất. Tại hội nghị bàn giải pháp để tháo gỡ khó khăn trong sản xuất vụ đông vừa qua, đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Anh Cương khẳng định: Chỉ có liên kết mới vực dậy được sản xuất nông nghiệp trong điều kiện nhiều khó khăn, thách thức như hiện nay. Liên kết phải ổn định, vững chắc. Liên kết lỏng lẻo không những không phát huy được hiệu quả mà còn khiến nông dân quay lưng với chuỗi giá trị sản xuất tỉnh đang cố gắng xây dựng.
DŨNG CƯỜNG