Bón lót, bón thúc cho rau màu

Nông nghiệp - Nông thôn - Ngày đăng : 17:20, 31/10/2016

Bón phân là một khâu không thể thiếu và làm tăng năng suất, chất lượng rau màu khi trồng.


Một vụ rau khâu bón phân được chia ra nhiều lần trong đó có bón lót và bón thúc. Bón lót là bón phân trước khi trồng. Bón thúc là lượng phân được bón cho cây sau trồng từ một đến nhiều lần tùy theo nhu cầu của từng loại và mục đích của người trồng.

Phân dùng để bón lót bao gồm: 100% phân chuồng + 100% lân supe + một phần phân đạm và kali. Song thực tế cho thấy sử dụng phân NPK + phân chuồng hoặc hữu cơ vi sinh bón lót cho rau sẽ hiệu quả hơn, nhất là rau màu vụ đông sớm. Phân chuồng trước khi bón đòi hỏi phải được ủ mục. Lượng phân chuồng nếu có được trộn cùng NPK để rắc vào luống đất lúc làm luống sơ bộ sau đó dùng cào, cuốc xới đất phủ phân và san phẳng bề mặt.

Với các loại cây được trồng theo hàng như cà chua, ớt… phân lót có thể được bón theo hốc hoặc theo rạch đã bổ sẵn cách rễ cây 5-10 cm.

Trường hợp không có phân chuồng bà con cần sử dụng phân hữu cơ vi sinh thay thế sao cho lượng bằng 1/10 phân chuồng hoặc chế phẩm phân bón có chứa nấm đối kháng hoặc nấm cộng sinh (liều lượng theo khuyến cáo nhà sản xuất). Các vùng chuyên canh rau màu cần bổ sung thêm nguồn dinh dưỡng siêu vi lượng để bón lót với lượng 1-1,5 kg/sào.

Phân dùng để thúc cho rau chủ yếu là phân hóa học (nếu được bổ sung thêm nước sau biogas thì càng tốt). Phân hóa học thúc cho rau màu có thể chọn là phân đơn (urê + kaliclorua) hoặc phân tổng hợp NPK. Song các cây trồng lấy quả, củ thì cần được thúc bằng phân NPK+TE. Tỷ lệ N-P-K được lựa chọn để bón tùy theo nhu cầu của mỗi loại cây trồng, mỗi giai đoạn khác nhau cũng như mục đích của nông dân. Các loại rau ăn lá nên sử dụng phân đơn (urê + kaliclorua) hoặc phân NK chuyên dùng bón thúc. Các cây ăn quả, củ nên ưu tiên sử dụng NPK +TE bón vùi hoặc ngâm tả hòa nước tưới. Tỷ lệ thích hợp thời kỳ phát triển thân lá là 13:13:13 +TE hoặc 15:15:15 +TE.

KS.TRẦN THỊ LIÊN(Trạm Khuyến nông huyện Nam Sách)