Rùng mình mỡ bẩn

Y tế - Sức khỏe - Ngày đăng : 05:59, 07/11/2016

Gần đây, không ít cơ sở mua bán, sản xuất mỡ bẩn tuồn ra thị trường đã bị các cơ quan chức năng của tỉnh tóm gọn. Tuy nhiên, vẫn còn những chủ cơ sở vì lợi nhuận lén lút làm liều.



Một số quán bánh rán sử dụng mỡ bẩn (ảnh trái). Quy trình sản xuất mỡ bẩn
khiến ai chứng kiến cũng phải rùng mình (ảnh phải)


Quy trình làm...mỡ bẩn

Khi đặt vấn đề có nhu cầu mua mỡ nước với số lượng lớn để làm hàng, tôi được một người chuyên bán thịt lợn ở chợ Thanh Bình (TP Hải Dương) giới thiệu đến nhà chị T. ở khu 9, phường Tân Bình (TP Hải Dương). Điều lạ là người dân ở đây hầu như ai cũng biết lò sản xuất mỡ này.

“Cô đi chừng 100 mét nữa, khi nào ngửi thấy mùi khen khét là gần đến xưởng của nhà bà ấy”, một người dân nhiệt tình chỉ đường. Quả không sai, chỉ đi tiếp một đoạn đường, mùi khét lẹt, nồng nặc của tóp mỡ cháy đã túa ra từ xưởng sản xuất cạnh sông Sặt. Cửa ngoài nhà xưởng khóa, nhưng bên trong vẫn thấy tiếng người. Theo những người dân sống gần đó, công nhân vẫn làm việc bên trong. Mấy tháng trước, xưởng bị công an kiểm tra, thu giữ hàng chục lít mỡ bẩn nên giờ họ cảnh giác, đóng cửa cả ngày. Nhưng thực chất xưởng vẫn lén lút sản xuất.

Sau nhiều giờ kiên nhẫn chờ đợi, cuối cùng tôi cũng gặp được một công nhân đi ra ngoài.

- Xưởng có mỡ lợn bán không anh?

Anh công nhân nhìn tôi với ánh mắt dò xét:

- Mỡ ở đâu mà bán? Ai bảo cô đến đây?

- Em mua về làm hàng, bà chị ở chợ Thanh Bình mách em ra đây.

- Ở đây làm gì có mà mua, cô đi đi.

Tôi năn nỉ:

- Em từ xa đến, lại được người quen của chị T. giới thiệu hẳn hoi. Thấy bảo mỡ nhà chị T. rẻ nhất khu này nên muốn mua vài trăm lít về làm hàng. Vậy ra họ chỉ nhầm à?

Anh công nhân hết nhìn từ đầu đến chân rồi lại quay qua phía sau nhìn biển số xe máy, lấy số điện thoại của tôi, rồi bảo:

- Để tôi đưa cô đi gặp bà chủ, có gì cô nói chuyện với bà ấy. Tôi không biết mua bán gì cả.

Tôi theo anh vào một ngõ nhỏ. Bà T. chủ xưởng đang ngồi uống nước trong một quán tạp hóa. Mặc dù tôi đã được "đệ tử" của bà đưa vào, nhưng bà T. vẫn cương:

- Cô ở đâu, mua mỡ về làm gì?

- Giời ạ. Cháu ở Nam Trung, mua về làm hành phi. Mua tí tẹo mà mệt quá. Thế có được không để còn tìm mối khác?

Giá bán này chỉ bằng một nửa, thậm chí chỉ bằng 1/3 giá dầu ăn đang bán trên thị trường.


Bà T. thủng thẳng:

- Dân Nam Trung trước vẫn lấy ở đây. Lấy vài tấn một lúc. Mày lấy vài chục cân thì có ngay, còn vài tạ phải đợi vài hôm nữa.

Ngỏ ý muốn kiểm tra chất lượng trước khi lấy hàng, bà T. sai một công nhân đưa tôi vào xưởng. Lách qua những thùng phuy nhựa màu xanh chứa mỡ cáu bẩn, tôi đi vào trong xưởng. Mùi khét của tóp mỡ cháy, cùng với mùi mỡ để lâu bốc mùi nồng nồng, chua chua. Ở một góc nhà, tóp mỡ đổ thành đống lớn đã ngả màu đen. Nhiều chỗ đã mốc xanh. Sâu bên trong, gần chục công nhân đang miệt mài làm việc. Người lọc mỡ, người rán, người chiết mỡ vào các can nhựa lớn. Nhà xưởng kín như bưng, chỉ có vài lỗ thoát khí. Dưới ánh sáng lờ nhờ của đèn điện, từng bao mỡ lợn lùng nhùng đã chuyển màu vàng được một chị công nhân trải ra nền nhà. Không cần găng tay, chị bốc từng thớ mỡ để vào một chiếc thùng rồi chuyển cho người nấu mỡ.

Nói là mỡ nhưng ở đây thực chất là nhiều loại thịt bèo nhèo lẫn nội tạng. Người phi mỡ mặt bịt kín, luôn tay đảo để mỡ không bị cháy. Nơi phi mỡ và lọc mỡ cũng bẩn không kém. Nền nhà cáu cặn, cảm giác như đang đứng trên một lớp nhựa đen kịt nhưng nhầy nhụa và bốc mùi. Mỡ vừa rán xong, phần nước được chắt vào những chiếc chậu nhôm đen kít đặt ngay dưới nền đất. Sau khi mỡ nguội, một người khác đem đổ vào các thùng phuy lớn. Từ các thùng phuy này, mỡ lại được chiết ra các can nhỏ hơn, loại 10 lít.

Một công nhân ở đây tiết lộ chiết can nhỏ để dễ bán và tẩu tán khi bị kiểm tra. Mỡ được cơ sở thu mua trong các chợ ở TP Hải Dương, Gia Lộc về.

Thấy tôi loanh quanh trong xưởng, bà chủ phì ra một tiếng rõ dài:

- Xưởng của chị lớn nhất khu này, giá rẻ. Cô tìm được nơi nào bán rẻ hơn, tôi mua lại hết. Nếu lấy nhiều tôi cho xe chở đến tận nơi, còn ít phải tự đến lấy.

Cũng theo bà chủ này, mỡ của xưởng được đổ cho các quán ăn, nhà hàng tại Hải Dương. Nhiều cửa hàng bán mỡ nước ở chợ Phú Yên cũng từ xưởng nhà chị mà ra.    

Có mặt khắp nơi   



Thời gian qua, các cơ quan chức năng của tỉnh đã phát hiện và xử lý nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh mỡ bẩn


Có theo những người chuyên đi giao mỡ lợn bẩn, chúng tôi mới biết được những loại mỡ này trôi nổi và sử dụng thế nào.

Bà T. không giao mỡ tại xưởng mà ở một điểm khác. Mỡ phần lớn được giao cho các nhà hàng, quán cơm, bún, phở bình dân trên đường Nguyễn Thị Duệ (TP Hải Dương). Thậm chí, điểm đến của mỡ bẩn còn là một số nhà hàng lớn, sang trọng ven quốc lộ 5, cơ sở làm đậu phụ ở thị trấn Lai Cách (Cẩm Giàng), một số xã của huyện Gia Lộc...

Theo tiết lộ của một tiểu thương, các nhà hàng thường lấy loại mỡ hớt, còn gọi là mỡ loại 1 có màu trắng sáng, không bị cặn và ít bị hôi. Còn loại 2 chủ yếu bán cho các quán bán đậu rán, bánh rán hoặc các cơ sở phi hành mỡ. Giá bán của mỗi loại mỡ này cũng khác nhau. Mỡ loại 1 có giá 25.000 đồng/kg, loại 2 có giá từ 18.000 - 20.000 đồng/kg. 1 kg tương đương với 1,2 lít mỡ.

“Giá bán này chỉ bằng một nửa, thậm chí chỉ bằng 1/3 giá dầu ăn đang bán trên thị trường”, chị Vui là tiểu thương chuyên bán mỡ nói. Lợi nhuận đã khiến nhiều cửa hàng mua mỡ bẩn về sử dụng bất chấp những nguy hại cho sức khỏe của người tiêu dùng. Thậm chí những loại mỡ bẩn đó còn được dùng đi dùng lại nhiều lần. Theo chị Phạm Thị H. chuyên bán bánh rán tại chợ Thanh Bình thì một mẻ mỡ chị có thể sử dụng ít nhất 5 lần. Loại mỡ nhiều cặn có thể dùng được từ 3-4 lần.

Những can mỡ có quy trình sản xuất không bảo đảm, nguyên liệu đầu vào trôi nổi, không nguồn gốc xuất xứ vẫn đang được nhiều hàng quán từ vỉa hè đến các nhà hàng vô tư sử dụng. Theo bác sĩ Hoàng Thị Nga, Khoa Khám bệnh dịch vụ của Bệnh viện Đa khoa tỉnh: “Sức khỏe của người tiêu dùng sẽ bị ảnh hưởng nếu hằng ngày ăn phải những thực phẩm được chế biến từ những loại mỡ bẩn này. Ăn mỡ ôi thiu sẽ tác động xấu đến hệ tiêu hóa, sau đó ảnh hưởng đến quá trình trao đổi chất của cơ thể, đẩy nhanh quá trình lão hóa. Nguy hại hơn, nhiều độc tố có trong mỡ ôi dễ gây ra bệnh tim, các dị tật thai nhi, chứng viêm loét dạ dày và cao huyết áp".

Không dễ kiểm soát

Nguy hại đối với sức khỏe là vậy nhưng để kiểm soát mỡ bẩn không dễ. Theo lý giải của đại diện lực lượng quản lý thị trường, hầu hết các cơ sở chế biến mỡ bẩn thường hoạt động lén lút, nhỏ lẻ trong khu dân cư nên rất khó phát hiện. Khi mỡ bẩn được đưa đi tiêu thụ, bị thu giữ thì chủ các cơ sở cũng chỉ bị phạt hành chính và thu giữ sản phẩm để tiêu hủy nên chưa đủ sức răn đe. Điều kiện cấp giấy chứng nhận cho các cơ sở sản xuất mỡ cũng có nhiều kẽ hở.

Hiện nay, giấy chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm chủ yếu được cấp dựa trên những điều kiện ban đầu, còn quá trình sản xuất ra sao và tiêu thụ thế nào lại chưa được kiểm soát chặt chẽ. Thậm chí, các nhà hàng, quán ăn, cơ sở sản xuất mỡ bẩn còn dùng nhiều chiêu trò để che mắt các cơ quan chức năng khi bị kiểm tra. Trong quá trình thực hiện bài này, tôi cũng đã thâm nhập một cơ sở sản xuất hành phi ở xã Nam Trung (Nam Sách) và phát hiện ra chiêu thức qua mặt lực lượng chức năng của họ. Chủ cơ sở này chỉ cần mua dầu thực vật loại rẻ của hãng CL về trộn với mỡ lợn loại bán theo lít với tỷ lệ 50:50 là có thể qua mắt được các cơ quan kiểm soát an toàn vệ sinh thực phẩm. Cơ quan chức năng khó có thể thẩm định được chất lượng mỡ vì chủ cơ sở có thể xuất trình giấy tờ chứng minh nguồn gốc dầu ăn.

Quy định về quản lý các cơ sở sản xuất mỡ cũng còn nhiều vướng mắc. Hiện nay, đa phần các cơ sở sản xuất, chế biến mỡ nhỏ lẻ, sản phẩm được chứa đựng trong can, chai lọ, thậm chí trong túi nilon nên coi là chưa bao gói sản phẩm hoàn chỉnh. Mà theo Nghị định 89 của Chính phủ thì các sản phẩm mỡ được bao gói như trên không phải dán nhãn hàng hóa, đồng nghĩa với việc các sản phẩm mỡ này vẫn chưa phải công bố chất lượng. Như vậy, hiện nay mỡ bẩn vẫn ngoài vòng kiểm soát. Để lấp lỗ hổng trong quản lý, mới đây Cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản đã đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh tăng cường kiểm soát sản xuất mỡ động vật và công khai các cơ sở sản xuất mỡ bẩn. Các văn bản chỉ đạo như vậy có đủ sức để kiểm soát sản xuất mỡ bẩn?

Trước vấn nạn mỡ bẩn đe dọa sức khỏe của người tiêu dùng, thời gian qua các cơ quan chức năng của tỉnh đã tích cực vào cuộc. Chỉ tính từ đầu năm đến nay, lực lượng quản lý thị trường, cảnh sát môi trường, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm đã kiểm tra, phát hiện và xử lý gần 10 vụ vi phạm liên quan đến mỡ bẩn. Tuy nhiên, con số này chưa thấm vào đâu so với số mỡ bẩn đang hằng ngày len lỏi tuồn vào các quán ăn, nhà hàng để chế biến món ăn phục vụ thực khách. Do đó, các cơ quan chức năng cần sớm có những quy định cụ thể về việc kinh doanh, chế biến mỡ lợn để việc quản lý các cơ sở kinh doanh này tốt hơn.

HẢI MINH