50 năm - Một chặng đường phát triển

Giáo dục và đào tạo - Ngày đăng : 05:24, 13/11/2016

Tháng 9-1966, UBND tỉnh Hải Dương quyết định thành lập Trường cấp 3 Cẩm Giàng, nay là Trường THPT Cẩm Giàng.



Năm 2016, điểm trung bình thi THPT quốc gia của học sinh Trường THPT Cẩm Giàng xếp thứ hai toàn tỉnh

Nửa thế kỷ đã trôi qua, các thế hệ thầy và trò nhà trường đã vượt qua bao khó khăn, thử thách, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ, góp phần vun đắp thêm truyền thống hiếu học của quê hương Cẩm Giàng.

Vượt qua nhiều khó khăn

Năm học đầu tiên 1966-1967 nhà trường chỉ có tổng số 263 học sinh thuộc hai lớp 9 chuyển về từ Trường cấp 3 Hồng Quang (thị xã Hải Dương), Trường cấp 3 Bình Giang, Trường cấp 3 Gia Lương (Bắc Ninh) và ba lớp 8 mới tuyển. Khi đó, do chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, trường lớp đều có thành lũy bao quanh, giao thông hào núp dưới những lũy tre các làng thuộc xã Cẩm Định. Đây cũng là cơ sở đầu tiên của trường. Năm học này trường chỉ có 15 cán bộ, giáo viên, nhân viên. Các thầy, cô giáo còn rất trẻ và phần lớn từ Hà Nội về công tác. Chiến tranh ngày một ác liệt, năm học 1967-1968, trường phải chuyển về xã Cẩm Đông. Đến năm học 1970-1971, một lần nữa trường lại chuyển về xã Cẩm Định. Năm học này trường đã có 12 lớp gồm 612 học sinh và hơn 30 cán bộ, giáo viên. Để xây dựng cơ sở vật chất, thầy và trò nhà trường tiến hành làm phòng học, đào hào đắp lũy, đắp lò, đốt gạch, dựng lán trại. Trong bom đạn chiến tranh ác liệt nhưng nhà trường vẫn phát động và thực hiện hiệu quả phong trào thi đua “Hai tốt”.

Đến năm 1975, cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước thắng lợi, UBND tỉnh Hải Hưng quyết định cấp đất và đầu tư xây dựng Trường cấp 3 Cẩm Giàng tại thôn Tràng Kỹ, xã Tân Trường.
Nhìn lại quãng đường đã đi qua, mặc dù gặp nhiều khó khăn, thử thách song thầy và trò nhà trường đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ trong dạy và học. Bên cạnh củng cố cơ sở vật chất, thầy và trò Trường THPT Cẩm Giàng đã tích cực tham gia các hoạt động xã hội, đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học - kỹ thuật, lao động sản xuất. Trường còn phối hợp với Đại học Sư phạm Hà Nội đào tạo nhiều khóa sinh viên vừa học, vừa làm; cùng Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Hưng bồi dưỡng nhiều đội tuyển học sinh giỏi văn cấp quốc gia (khi tỉnh chưa có Trường THPT chuyên Nguyễn Trãi).

Giai đoạn 1986-1996, đất nước bước vào thời kỳ đổi mới, phong trào thi đua “Hai tốt” của trường không ngừng phát triển. Chất lượng giáo dục ngày càng được nâng cao; học sinh đỗ tốt nghiệp hằng năm đạt trên 90%; số học sinh thi đỗ vào các trường đại học từ năm 1991 - 1996 đạt 15%, riêng năm học 1995 - 1996 đạt 25%. Giai đoạn 1991 - 1996, học sinh của trường đoạt 76 giải trong các kỳ thi học sinh giỏi tỉnh, riêng năm học 1995 - 1996 có 21 giải. Bên cạnh việc học tập chính khóa, thời gian này, trường phối hợp với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện dạy nghề cho các lớp chuyên cá, lúa, cây giống; phối hợp với Trung tâm Kỹ thuật tổng hợp dạy nghề của tỉnh dạy nghề may, điện, nông nghiệp.

Bước phát triển mới

Từ năm 1997, dưới ánh sáng của Nghị quyết Trung ương 2 khóa VIII về phát triển giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu, sự nghiệp giáo dục và đào tạo đã được nâng lên tầm cao mới. Chất lượng sinh hoạt chuyên môn của trường ngày một nâng cao. Nhà trường được thành lập thêm cơ sở 2 tại xã Cẩm Vũ. Đây là tiền thân của Trường THPT Tuệ Tĩnh ngày nay.

Từ năm 2007 đến nay, cơ sở vật chất của nhà trường ngày càng hoàn thiện. Nhà trường đã xây thêm 6 phòng học nối vào dãy nhà A2 và xây mới nhà phòng học bộ môn với 9 phòng, đáp ứng việc dạy và học nội dung thực hành. Trường đã hoàn thành 15 phòng học để thay thế nhà A1 đã xuống cấp. Ngoài ra, nhà trường còn được quan tâm đầu tư hàng chục máy chiếu, nâng cấp phòng tin học, làm mới phòng học tiếng Anh. Đoàn Thanh niên nhà trường cũng hoàn thành nhiều công trình, phần việc có ý nghĩa như cải tạo bồn cây, đài phun nước, vỉa hè...

Hiện nhà trường có 77 cán bộ, giáo viên, nhân viên. Trong đó có 2 cán bộ quản lý trình độ sau đại học và thạc sĩ; 70 giáo viên gồm 9 thạc sĩ và 5  người có trình độ sau đại học. 100% số cán bộ, giáo viên đạt chuẩn; 17 người trên chuẩn. Tỷ lệ học sinh khá, giỏi; hạnh kiểm loại khá, tốt luôn đạt trên 90%. Chất lượng đội tuyển học sinh giỏi cấp tỉnh luôn đứng thứ 10 - 12 trong tổng số các trường THPT của tỉnh. Nhiều sáng kiến, đề tài nghiên cứu khoa học của thầy và trò được ứng dụng vào thực tiễn. Hằng năm, học sinh đỗ tốt nghiệp THPT luôn đạt từ 99 - 100%. Kết quả thi vào đại học, cao đẳng luôn nhất huyện và đứng ở nhóm cao trong tỉnh cũng như trên toàn quốc. Năm 2016, điểm trung bình thi THPT quốc gia của học sinh nhà trường xếp thứ nhì tỉnh, chỉ sau Trường THPT chuyên Nguyễn Trãi.

Trong 10 năm trở lại đây, tập thể nhà trường liên tục đạt danh hiệu tập thể lao động tiên tiến. Năm học 2015 - 2016, trường đạt danh hiệu tập thể lao động xuất sắc. Chi bộ Đảng liên tục được công nhận trong sạch, vững mạnh... Nhiều cá nhân đạt danh hiệu giáo viên giỏi cấp tỉnh, chiến sĩ thi đua các cấp, được nhận các giải thưởng, phần thưởng của UBND tỉnh, của Bộ, Sở Giáo dục và Đào tạo... Qua các thời kỳ, nhiều cựu học sinh của trường đã trưởng thành, giữ cương vị cao trong các cơ quan của Đảng và Nhà nước từ Trung ương đến cơ sở. Hàng trăm cựu học sinh là giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ, sĩ quan cao cấp; tổng giám đốc, giám đốc các tập đoàn, công ty trong và ngoài nước. Với những đóng góp tích cực vào sự nghiệp giáo dục và đào tạo, Trường THPT Cẩm Giàng đã được Thủ tướng Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo, UBND tỉnh tặng nhiều bằng khen.

Nửa thế kỷ đã qua, thầy và trò Trường THPT Cẩm Giàng luôn trân trọng sự quan tâm, tình cảm tốt đẹp của các cấp, các ngành, các thế hệ thầy cô đã giúp đỡ để nhà trường tiếp tục phấn đấu và hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.

Thạc sĩ TRẦN VĂN TA Hiệu trưởng Trường THPT Cẩm Giàng