Trẻ cậy cha, già chẳng cậy được con
Đời sống - Ngày đăng : 17:32, 14/11/2016
Cụ Năm đã 90. Các cụ xưa có câu: "Trẻ cậy cha, già cậy con". Những tưởng ở cái tuổi ngày một gần đất xa trời, cụ sẽ được hưởng phúc từ con đàn cháu đống.
Nhưng những ngày cuối đời, cụ lại phải sống cô đơn. Trong xóm, cùng cảnh tuổi già với cụ nhưng cụ Nghè được các con thay phiên nhau chăm sóc từ bữa ăn, giấc ngủ. Nghĩ phận mình, nhiều đêm cô quạnh, cụ Năm bật khóc mà không rơi được nước mắt. Cuộc đời cụ đã dành hết cho các con.
Các con cụ ai cũng có nhà cao cửa rộng nhưng chỗ ở của cụ hiện nay chỉ vỏn vẹn vài mét vuông trên hiên nhà con trai thứ. Trước đây, cụ Năm ở với người con trai út. Sau khi con út lập gia đình, vợ chồng anh bàn với cụ đập bỏ nhà cũ để xây nhà mới khang trang hơn. Tâm lý tuổi già, cụ muốn để lại gian trái ngoài hiên để ở. Khi con trai thuyết phục phá dỡ hết, cụ chần chừ nhưng rồi thương con, cụ đồng ý. Dần dà, vợ chồng anh út viện lý do nhà mình xây, đuổi khéo cụ sang ở nhờ căn nhà ngay cạnh của anh con thứ. Lúc đó, gia đình anh thứ xây dựng kinh tế mới ở miền Nam. Vậy là tuổi già, cụ Năm phải lọ mọ một mình, sống cảnh cơm niêu, nước lọ. Ngày khỏe thì chớ, ngày đau yếu cụ Năm chẳng biết gọi ai. Nhưng như thế cũng là yên bình vì cụ không phải nghe những lời khằn khò, khó chịu từ vợ chồng anh con trai út.
Được vài năm, vợ chồng anh thứ cùng các con từ miền Nam trở về. Anh thứ đông con, nhà lại chật nên cụ được cháu trai, con anh cả đón lên phố huyện ở. Cháu trai, cháu dâu tâm lý, chiều cụ hết mực. Cuộc sống dễ chịu nhưng cụ không quen nếp sinh hoạt ở phố xá. Tuổi già thường ăn ngủ đúng giờ nhưng do đặc thù công việc, các cháu của cụ thường thức khuya, dậy muộn. Cụ Năm nhớ nhà, nhớ mảnh đất ông cha để lại bao đời nay nên đòi các cháu cho về. Nhưng về cụ sẽ ở đâu?
Căn nhà của vợ chồng anh thứ nay đã được xây mới đẹp đẽ. Cụ đưa cho con trai, con dâu thứ số tiền mà cụ dành dụm được từ bấy lâu, tất cả 10 triệu đồng. "Mẹ mỗi ngày một gần đất xa trời, chẳng còn sống được lâu. Các con dùng số tiền này mua tôn về quây thành một gian trên hiên cho mẹ ở", cụ Năm nói.
Vợ chồng anh thứ thấy tiền thì mừng, cầm vội nhưng vẫn thắc mắc: "Mẹ đang ở với vợ chồng cháu Kim trên phố huyện tốt thế, sao lại đòi về làm gì?". "Mẹ quen ở đây rồi. Dù gì cũng là đất ông cha để lại từ thời bố chúng mày", cụ Năm phân trần.
Vợ chồng anh con trai thứ dựng cho cụ một căn phòng tạm vài mét vuông ngoài hiên. Nhiều đêm dậy đi vệ sinh, nhớ lời con dâu dặn, cụ lọ mọ ra tận vườn chuối sau nhà. Giấc ngủ chẳng gây lại được, cụ trằn trọc nhớ về những ngày tháng gian khó, các con còn ở trong vòng tay của cụ...
Cụ góa chồng từ khi mái tóc còn xanh. Không đi bước nữa, cụ ở vậy nuôi 6 người con trưởng thành. Có người đến buông lời trêu chọc, cụ đập gậy khắp vách nhà rồi kêu làng nước. Đó là cách một người đàn bà góa bụa tự bảo vệ mình nhưng cũng là tình yêu thương cụ dành cho đàn con đang cần mẹ. Cụ Năm như thân cò, một mình làm đủ các nghề thuê mướn rồi hàng xáo, ai bán gì cụ cũng gom nhặt để bán cho những người cần. Các con cụ tuy mất bố nhưng chưa một ngày phải chịu đói.
Nhớ mãi lần con trai út mới được vài tháng tuổi, vì kiếm miếng ăn nuôi các con, cụ phải gửi lại cả 6 người con cho mẹ chồng nuôi giúp. Cụ lên tận vùng Lạng Sơn, Lào Cai, Yên Bái... buôn ngô, sắn về bán. Nửa tháng về đến nhà, đàn con nhao nhao vì nhớ mẹ. Các con cụ ai nấy cũng chấy rận như sung. Riêng anh út vì khát sữa mẹ, khóc nhiều nên gầy gò lại nhiều bệnh tật. Thương các con, cụ quyết chẳng rời xa chúng thêm lần nữa, rau cháo gì cũng được, miễn sao mẹ con quấn quýt có nhau...
Nay các con đã trưởng thành, có gia đình riêng, rời xa vòng tay của cụ. Nhưng có lẽ họ không ai còn nhớ nhiều về những ngày tháng ấu thơ, đói khổ, được ấp ủ trong vòng tay của người mẹ mới có ngày hôm nay.
TƯỜNG VY