Tăng tốc số hóa truyền hình

Khoa học - Công nghệ - Ngày đăng : 06:40, 19/11/2016

Đến ngày 31-12, Hải Dương sẽ phải chuyển tất cả các kênh đang phát sóng theo phương thức truyền hình tương tự sang phát sóng kỹ thuật số.



Hiện nay, việc đầu tư trang thiết bị phục vụ số hóa truyền hình của Đài Phát thanh và Truyền hình
tỉnh vẫn vướng mắc do không có kinh phí

Hiện tại, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh đang gấp rút hoàn thiện các công đoạn cuối.

Gỡ "nút thắt"

Có 2 "nút thắt" cần được tháo gỡ khi tỉnh thực hiện số hóa truyền hình (SHTH). Thứ nhất là vấn đề truyền dẫn, phát sóng. Thứ hai là kinh phí để mua sắm các trang thiết bị tại Đài Phát thanh và Truyền hình (PTTH) tỉnh nhằm đồng bộ hóa cơ sở hạ tầng khi chuyển sang phát sóng kỹ thuật số.

Đến nay, vướng mắc thứ nhất đang dần được tháo gỡ. Đài Truyền hình Việt Nam (VTV) ký thỏa thuận hợp tác với Đài PTTH tỉnh triển khai dự án xây dựng trạm truyền dẫn, phát sóng số tại Hải Dương. Kênh truyền hình Hải Dương sẽ được tích hợp lên trạm này để nhân dân trong tỉnh có thể thu sóng với chất lượng tốt nhất. Việc xây dựng trạm truyền dẫn, phát sóng mới cũng sẽ nâng cao chất lượng thu sóng tất cả các kênh truyền hình của VTV tại Hải Dương. Hiện tại, VTV đã mời thầu và trong thời gian sớm nhất sẽ triển khai xây dựng. Sau khi hoàn thiện nhà trạm, VTV sẽ sử dụng cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực của Đài PTTH tỉnh nên chi phí để triển khai SHTH sẽ tiết giảm tối đa. "Đây là cơ hội tốt nhất để tỉnh ta có thể thực hiện đúng hạn lộ trình SHTH của Chính phủ và UBND tỉnh giao. Nếu không hợp tác với VTV, rất có thể chúng tôi sẽ phải thuê điểm truyền dẫn, phát sóng số với kinh phí lên đến hơn 3 tỷ đồng. Điều này vượt quá khả năng của đài và gây khó khăn cho ngân sách tỉnh", ông Phạm Tiến Bình, Phó Giám đốc kỹ thuật Đài PTTH tỉnh cho biết.

Để đẩy nhanh tiến độ, Đài PTTH tỉnh đã đề nghị VTV tích cực triển khai, chuẩn bị phương án cụ thể, khảo sát địa điểm xây dựng. Đài PTTH tỉnh đã xây dựng các phương án kỹ thuật chi tiết.

Sở Thông tin và Truyền thông (TTTT) đã hoàn thành hỗ trợ đầu thu truyền hình số mặt đất DVB-T2 cho các hộ nghèo, cận nghèo theo chuẩn cũ. Chỉ còn số hộ nghèo, cận nghèo phát sinh theo chuẩn mới sẽ được Bộ TTTT triển khai hỗ trợ đầu thu trước ngày tắt sóng truyền hình tương tự.

Tuy nhiên, “nút thắt” thứ 2 vẫn chưa được tháo gỡ do đến nay Đài PTTH tỉnh chưa được cấp kinh phí để mua sắm các trang thiết bị. Theo tính toán của Đài PTTH tỉnh, con số có thể lên đến 45 tỷ đồng. Trong đó, riêng việc đầu tư cơ sở hạ tầng cho bộ phận truyền dẫn, phát sóng là 8 tỷ đồng. Hiện tại, Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư vẫn đang xem xét tìm nguồn kinh phí để hỗ trợ Đài PTTH tỉnh.

Sẽ phát sóng song song

Trong khi đợi nguồn hỗ trợ, Đài PTTH tỉnh đang gấp rút chuẩn bị những công đoạn cuối cùng về mặt kỹ thuật. Theo đó, sau khi VTV xây dựng trạm truyền dẫn phát sóng số, tỉnh ta sẽ phát song song 2 phương thức cả truyền hình tương tự và truyền hình số. Mục đích để người dân có thời gian làm quen với phương thức phát sóng mới. Sau đó, khi chất lượng truyền hình số ổn định, sẽ tắt sóng hoàn toàn truyền hình tương tự. Trước khi tắt sóng, Đài PTTH tỉnh sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan tiến hành khảo sát, đánh giá, thu thập ý kiến của người dân.

Ngoài chuẩn bị về kỹ thuật, Đài PTTH tỉnh đã bố trí nguồn nhân lực, chuẩn bị kế hoạch tuyên truyền về nội dung này. Hiện tại, đài có 12 nhân viên, chia làm 3 ca làm ở bộ phận truyền dẫn phát sóng. Thời gian tới, khi thực hiện SHTH có thể phát sinh thêm một số công việc mới. Tuy nhiên, theo Phó Giám đốc kỹ thuật Đài PTTH tỉnh Phạm Tiến Bình, số nhân lực này không cần phải đào tạo lại vẫn bảo đảm chất lượng công việc. Bên cạnh đó, ngoài việc phát sóng các clip tuyên truyền về Đề án SHTH của Bộ TTTT, đài PTTH sẽ xây dựng những clip riêng tuyên truyền, hướng dẫn người dân về nội dung SHTH, tăng cường phát sóng nội dung tuyên truyền về SHTH vào những khung giờ phù hợp.

  MAI LINH