Văn hóa doanh nghiệp

Bạn đọc viết - Ngày đăng : 09:18, 27/11/2016

Văn hóa doanh nghiệp không chỉ là hình ảnh doanh nghiệp, mà còn là hình ảnh quốc gia.


Phát biểu tại lễ phát động cuộc vận động xây dựng văn hóa doanh nghiệp Việt Nam diễn ra vừa qua ở Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, văn hóa doanh nghiệp không chỉ tạo yếu tố phát triển bền vững, mà đó còn là tài sản của doanh nghiệp, tài sản của quốc gia. Nói cách khác, văn hóa doanh nghiệp không chỉ là hình ảnh doanh nghiệp, mà còn là hình ảnh quốc gia.

Phát biểu của Thủ tướng một lần nữa khẳng định vai trò cũng như ý nghĩa sống còn của văn hóa doanh nghiệp trong bối cảnh đất nước mở cửa, hội nhập.

Thực tế, các doanh nghiệp Việt Nam đang nỗ lực xây dựng văn hóa doanh nghiệp trên cơ sở các quy định, quy tắc cụ thể. Không ít lãnh đạo doanh nghiệp xác định hội nhập là cơ hội để phát triển, mở rộng thị trường, tìm đối tác mới.

Để làm được điều đó, từng doanh nghiệp phải xây dựng văn hóa doanh nghiệp riêng, có thế mạnh về nội lực. Một trong những yếu tố quan trọng là doanh nghiệp cần đề cao đạo đức kinh doanh, phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, kiên quyết nói không với hành vi vi phạm pháp luật, gây tổn hại cho xã hội.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói: “Người ta thường nói để cạnh tranh thành công trên thương trường thì sự khác biệt rất quan trọng. Hai doanh nghiệp có thể cùng sản xuất ra một sản phẩm có công nghệ giống nhau nhưng khách hàng có thể lựa chọn mua sản phẩm của doanh nghiệp này mà không mua sản phẩm của doanh nghiệp kia. Bởi lẽ họ tin vào cách ứng xử, các nguyên tắc kinh doanh, sự cam kết và tính chuyên nghiệp của doanh nghiệp".

Theo Thủ tướng, các nguyên tắc cơ bản, hay nói cách khác là những giá trị cốt lõi chính là nền tảng, là sức sống của văn hóa doanh nghiệp. Những nguyên tắc hay giá trị đó có thể là: “liêm chính”, “sáng tạo”, “chuyên nghiệp”, “tận tụy” hay “trách nhiệm môi trường”… Chừng nào xã hội, khách hàng còn tin vào những giá trị và nguyên tắc này của một doanh nghiệp thì doanh nghiệp đó còn có cơ hội phát triển lớn mạnh. Văn hóa doanh nghiệp, văn hóa kinh doanh lành mạnh, tiên tiến, phù hợp với các xu thế của thời đại chính là chiếc cầu nối hữu hiệu nhất để chúng ta hòa nhập, hội nhập vào nền kinh tế khu vực và thế giới.

Vấn đề đặt ra, muốn có môi trường kinh doanh lành mạnh với tinh thần thượng tôn pháp luật, mỗi doanh nghiệp cần công khai, minh bạch, cạnh tranh lành mạnh trong kinh doanh, tuân thủ các chuẩn mực kinh doanh quốc tế, khuyến khích tinh thần khởi nghiệp và lao động sáng tạo. Việt Nam tự hào đã có những thương hiệu được xây dựng dựa trên những cam kết về giá trị và các nguyên tắc phát triển bền vững (FPT, TH Truemilk, Vinamilk, Viettel, VNPT…).

Có lẽ, nhờ đề cao những nguyên tắc và giá trị tiến bộ, phù hợp với xu thế thời đại, mà Việt Nam có những sản phẩm hiện diện ở những thị trường khó tính, được khách hàng trên khắp thế giới đón nhận.

Cần khẳng định rằng, văn hóa doanh nghiệp, các nguyên tắc cơ bản, giá trị cốt lõi, tầm nhìn… là những yếu tố gắn kết, bảo đảm cho sự thành công của doanh nghiệp.

Những doanh nghiệp có nền tảng văn hóa cũng là những doanh nghiệp có tầm nhìn dài hạn và sứ mệnh tốt đẹp, hài hòa giữa lợi ích doanh nghiệp và lợi ích người tiêu dùng, giữa lợi nhuận với lợi ích của cộng đồng, giữa các mục tiêu ngắn hạn với các phương châm phát triển bền vững. Đây cũng là những thách thức lớn đòi hỏi các doanh nghiệp Việt Nam cần có câu trả lời của riêng mình.

YẾN NHI(TP Hải Dương)