Các đơn vị sự nghiệp giáo dục: Cần gắn tinh giản biên chế với sáp nhập
Giáo dục và đào tạo - Ngày đăng : 07:00, 08/12/2016
Lời giải cho bài toán tinh giản biên chế trong các đơn vị giáo dục là phải hướng đến nâng cao chất lượng đội ngũ, phải gắn sáp nhập các đơn vị với tinh giản biên chế.
Sáp nhập các đơn vị giáo dục có cùng chức năng hoặc chức năng gần giống nhau nhưng hoạt
động không hiệu quả là điều cần thiết hiện nay. Ảnh: Thành Chung
Vấn đề tinh giản biên chế trong các đơn vị giáo dục đang thu hút sự quan tâm của đông đảo cử tri, cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên các nhà trường do số đơn vị giáo dục và tổng số biên chế toàn ngành lớn.
Dư luận quan tâm
Tại cuộc tiếp xúc cử tri với Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh tại huyện Ninh Giang vừa qua, một cử tri đại diện ngành giáo dục và đào tạo (GDĐT) huyện nêu ý kiến về những khó khăn trong thực hiện tinh giản biên chế sự nghiệp giáo dục. Theo lý giải của đại biểu này, khó là do hiện nay, nếu so với định mức biên chế giáo viên/lớp theo quy định của Bộ GDĐT đối với từng bậc học thì tỉnh ta đang giao định mức biên chế thấp hơn. Cụ thể, ở cấp tiểu học, mức quy định là 1,5 giáo viên/lớp thì chỉ được tuyển 1,43 giáo viên/lớp; THCS được giao 1,9 giáo viên/lớp thì được tuyển 1,85 giáo viên/lớp; bậc mầm non được giao 2,2 giáo viên/lớp, nhưng mức giao là 2 giáo viên/lớp. Chỉ riêng bậc THPT được tuyển đủ 2,25 giáo viên/lớp. Như vậy, các bậc học cũng đã được tỉnh giao giảm khoảng từ 10-15% trên tổng số biên chế được giao. Theo ý kiến của cử tri trên thì mức tuyển như vậy cũng đã bảo đảm mục tiêu đến năm 2021, mỗi đơn vị tinh giản 10% so với tổng số biên chế được giao năm 2015 và cũng bảo đảm được số lượng giáo viên giảng dạy. Nếu tiếp tục tinh giản thì sẽ rất khó cho các nhà trường trong việc bố trí, sắp xếp giáo viên.
Bên cạnh đó, có đồng chí Trưởng Phòng GDĐT cấp huyện cho rằng do quy định về số học sinh/lớp ở nước ta quá đông, nên dù có tuyển đủ định mức biên chế được giao cũng còn khó khăn trong việc nâng cao chất lượng giáo dục. Trong khi đó, nếu tinh giản biên chế có thể sẽ vi phạm Luật Giáo dục do quy định về định mức biên chế giáo viên/lớp.
Một giáo viên THPT cũng gửi về kỳ họp thứ 3 HĐND tỉnh khóa XVI câu chất vấn tương tự các ý kiến trên. Trong đó có ý hỏi nếu không tinh giản được giáo viên trong các đơn vị sự nghiệp công lập hiện nay chỉ có thể tinh giản đội ngũ cán bộ làm các nghiệp vụ khác, như kế toán, văn thư, thư viện... Nhưng nếu tinh giản đội ngũ này thì ai làm các nghiệp vụ trên vì mỗi đơn vị cũng chỉ có 1 kế toán, 1 văn thư... Một số cán bộ quản lý, giáo viên cũng băn khoăn không hiểu việc tinh giản sẽ được thực hiện thế nào trong khi đội ngũ giáo viên trong các nhà trường chỉ vừa đủ để phục vụ giảng dạy. Thậm chí có ý kiến cho rằng ngay trong đợt thi tuyển viên chức các đơn vị giáo dục vừa qua, toàn tỉnh cũng chỉ tuyển 70% số biên chế còn thiếu. So với tổng số biên chế được giao cho các đơn vị sự nghiệp, toàn tỉnh vẫn tuyển thiếu gần 6.000 người, do đó, không thể tinh giản biên chế ngành GDĐT hơn được nữa.
Tại Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVI, nội dung liên quan đến tinh giản biên chế, trong đó có biên chế và việc sắp xếp, cơ cấu lại đội ngũ viên chức trong các đơn vị sự nghiệp công lập giáo dục cũng đã làm "nóng" phiên chất vấn, trả lời chất vấn. Về nội dung này, Giám đốc Sở Nội vụ Phạm Văn Tỏ cho biết do đa số các cơ quan chưa xây dựng được kế hoạch tinh giản biên chế theo từng năm, chưa chỉ ra được người cụ thể sẽ phải tinh giản nên việc tinh giản biên chế vẫn còn là giảm cơ học.
Kiên quyết tinh giản
Tinh giản biên chế trong ngành giáo dục phải hướng đến tinh gọn bộ máy, nâng cao chất lượng đội ngũ
"Kiên quyết tinh giản biên chế" là câu trả lời của đồng chí Nguyễn Dương Thái, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh đối với cử tri của huyện Ninh Giang. Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh chia sẻ, mặc dù xác định đây là việc rất khó vì liên quan đến từng cá nhân cụ thể, do đó càng đòi hỏi các cơ quan, đơn vị, địa phương phải chấp hành nghiêm túc, thực hiện công khai, công bằng, minh bạch. Trung ương và tỉnh đều quyết tâm sẽ thực hiện thành công việc tinh giản biên chế. Tỉnh cũng đã bàn bạc kỹ lưỡng, xây dựng một số đề án để thực hiện việc này.
Tại Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVI, vấn đề này cũng đã được đồng chí Nguyễn Mạnh Hiển, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh nhấn mạnh: "Tới đây xã hội phát triển thì những người làm y tế, giáo dục có thể tăng lên nhiều nhưng sẽ tăng lên ở khu vực ngoài nhà nước, còn đơn vị sự nghiệp phải giảm đi, thế mới đúng quy luật phát triển".
Có ý kiến cho rằng, trước đây, mỗi Phòng Giáo dục huyện chỉ có 2-3 người làm nghiệp vụ kế toán, thủ quỹ cũng giải quyết được vấn đề liên quan đến tài chính cho tất cả các trường trực thuộc. Hiện nay, mỗi trường có một thủ quỹ, một kế toán riêng nên đã làm đội ngũ này “phình lên” nhanh chóng, thậm chí gây lãng phí nguồn nhân lực. Theo Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức là nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; thu hút những người có đức, có tài vào hoạt động công vụ trong các cơ quan đảng, nhà nước và tổ chức chính trị - xã hội, đáp ứng được yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế; góp phần nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị, tiết kiệm, giảm chi thường xuyên, cải cách chính sách tiền lương. Nhìn sang một số tỉnh, thành phố khác cũng đang trong tình trạng "đau đầu" với bài toán giải quyết đội ngũ giáo viên hiện nay vì không ít người trong biên chế nhưng không đáp ứng được yêu cầu công việc (nhưng chưa đến tuổi nghỉ hưu), trong khi lượng lớn sinh viên sư phạm tốt nghiệp ra trường, được đào tạo bài bản, có đủ năng lực… thì lại thất nghiệp vì không có chỉ tiêu tuyển dụng, hoặc hợp đồng ngắn hạn. Tình trạng này ở tỉnh ta không phải là không có. Bên cạnh đó, chưa kể hiện nay còn nhiều đơn vị có cùng chức năng nhiệm vụ hoặc chức năng nhiệm vụ gần giống nhau nhưng có nguồn thu thấp, hoạt động kém hiệu quả như các Trung tâm Kỹ thuật tổng hợp dạy nghề, Trung tâm Giáo dục thường xuyên...
Hiện nay, bộ máy các đơn vị sự nghiệp công lập lĩnh vực giáo dục trong tỉnh khá lớn với 902 đơn vị. Số viên chức ngành giáo dục năm 2016 tăng hơn 7.600 người so với năm 2013. Do đó, lời giải cho bài toán tinh giản biên chế trong các đơn vị giáo dục là phải hướng đến nâng cao chất lượng đội ngũ, hiệu quả hoạt động, trong đó phải gắn sáp nhập các đơn vị với tinh giản biên chế. Sở Tài chính, Sở Nội vụ đã được Tỉnh ủy giao nhiệm vụ phối hợp với các sở, ngành liên quan tham mưu cho UBND tỉnh ban hành quyết định lộ trình sáp nhập các đơn vị sự nghiệp công lập. Trong đó, theo đề xuất, đến năm 2020, ngành giáo dục sẽ sáp nhập để giảm 8 đơn vị. Đề án "Sắp xếp lại tổ chức bộ máy gắn với tinh giản biên chế trong các đơn vị sự nghiệp công lập trong tỉnh giai đoạn 2016-2021" cũng đang được tỉnh xem xét và dự kiến sẽ ban hành trong tháng 12-2016. Điều này thể hiện quyết tâm của tỉnh trong việc thực hiện Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế, trong đó có tinh giản viên chức khối giáo dục - khối có số lượng biên chế lớn nhất trong tỉnh.
PV