Đi Tết
Truyện ngắn - Ngày đăng : 08:33, 16/01/2017
Nhiều năm nay, cứ mỗi lần đến mùa gió bấc thổi nôn nả, nâng bụi bay là đà khắp các mặt đường. Rồi không khí phố phường chộn rộn việc lo Tết, đón xuân là lòng tôi thấy thấm thía buồn. Và tôi lại nhớ đến em tôi, nhất là mỗi khi tình cờ nghe ai nói đến việc “đi Tết”, “biếu xén” nhân dịp năm mới, xuân về.
Dạo ấy, bố mẹ tôi rất nghèo. Đúng ra mọi năm khác trước đó theo trí nhớ không lầm, thì nhà tôi chẳng đến nỗi nào. Cũng gọi là “nồi mai đắp nồi chiều” như đa số những gia đình lao động nghèo nơi phố thị khác. Song, chẳng có năm nào nhà tôi lại nghèo đến khốn nạn như cái năm mà tôi sắp kể ra đây.
Năm đó tôi sắp lên mười hai và em gái tôi - bé Liên cũng còn dăm hôm nữa là giã từ bảy tuổi. Mùa xuân chắc chắn năm nào cũng đến nên việc Tết nhất, bố mẹ tôi đã dự kiến từ lâu. Nhưng càng gần tới năm cùng tháng tận chừng nào, gia đình tôi càng thiếu hụt chừng ấy. Thêm nữa, phân xưởng bố tôi làm dạo gần đây thường “bữa đực bữa cái”, lương hướng chẳng ra sao! Trước cảnh nghèo gần như cố hữu của gia đình nên thường năm Tết đến, tôi và em Liên theo thói quen, chẳng dám vòi vĩnh chi nhiều. Vả lại, bố mẹ tôi vốn rất thương con, nên nếu chúng tôi buộc phải “nhịn" mất thứ gì thì khắc hiểu rằng, có xin mấy cũng chẳng được. Riêng Tết năm nay, qua những lần bố mẹ “lục đục” về chuyện tiền nong mà hai anh em tình cờ nghe được, chúng tôi hiểu rằng: Mọi hy vọng quần áo mới… đã tan tành mây khói. Có ở tuổi chúng tôi mới thấy hết được cái tủi, cái thèm khi nhìn bạn bè cùng lứa xúng xính trong những bộ quần áo còn nguyên mầu hồ, riêng anh em mình thì Tết nhất về, vẫn “đóng” bộ đồ thường ngày mặc nhảy dây, đánh đáo. Em tôi, Liên chắc chẳng biết buồn xa như thế. Mỗi lần nghe bố mẹ tôi to tiếng, trên giường em lại mở lớn đôi mắt đen như hai hạt nhãn nhìn tôi và nhe răng cười lén… Tết năm nay, anh em tôi chỉ còn lại mỗi một niềm vui là được về nội, về ngoại chơi bằng thích thôi. Chưa chi mà bé Liên đã dành dụm từng đồ hàng, búp bê để Tết về chơi với bé Nu, bé Thắm... con của các chú, các dì… “Cám tháng giêng, tiền tháng chạp”! Điều khổ tâm nhất và cũng là nguyên nhân những lần lục đục của bố mẹ tôi không phải là lo cho chúng tôi, mà là việc … “đi Tết”.
Cũng cần nói thêm rằng, dù tôi không được rõ lắm, bố tôi đang làm ở một xí nghiệp Nhà nước. Xí nghiệp ấy nghe đâu làm ăn thua lỗ sao đó, nên buộc phải giải thể một phân xưởng. Không may, đó lại là phân xưởng có bố tôi! Người của phân xưởng đó, một số sẽ bị cho nghỉ việc, số còn lại được sáp nhập vào các phân xưởng khác. Danh sách những người cho thôi việc và về các phân xưởng sẽ được hình thành sau khi ăn Tết xong. Khổ cái, bố tôi vốn chẳng phải là một công nhân tay nghề thuộc vào hạng giỏi giang gì. Và theo như tiên đoán của bố mẹ tôi: Việc những ai còn được giữ lại xí nghiệp, hay về mấy phân xưởng khấm khá, ngon ăn là tùy thuộc vào sự “biết điều, biết ý” trong dịp Tết nhất sắp tới. Chính vì thế, việc “biết điều…” trong hoàn cảnh này, sớm trở thành sự gây gổ, lục đục của bố mẹ tôi.
***
- Con gà mới mấy tháng, thịt thà bao nhiêu mà cho, mà biếu…?!
- Chậc…! Tuy nhỏ nhưng nhờ có bộ lông mọc sớm nên trông cũng đường được. Kệ, thêm vào cho nó đỡ dị vậy mà! Người ta chỉ “chấm” thôi. Còn thì họ ăn ngan này ngỗng nọ, chớ kể chi đến con gà của mình mà mập với ốm!
- Vậy… ông tính con Vàng của thằng Huy hay con Nổ của bé Liên?
- Sùy...! Con nào cũng được.
Khi nghe nói đến con gà của mình hoặc Liên, tôi liền tỉnh ngủ hẳn. Một lát sau, có tiếng mẹ tôi chép miệng:
- Tội nghiệp mấy đứa nhỏ! Tết nhất đến đã chẳng quần áo mới, có con gà cho rồi cũng bắt đi.
- Đang hồi mình túng bấn biết sao! - Bố tôi thở dài - Sang năm, con gà mái già nếu đẻ, ấp được lứa nào thì mình cho con lại.
Ngừng một lát, giọng nói buồn bã của bố tôi thêm: Nhờ trời họ ngó nghĩ, tôi mà còn tiếp tục được đi làm, thì các con… Bây giờ, cơm có ăn ngày hai bữa đã là quý rồi…!
- Rồi ông định sáng mai bắt hay bây giờ ? - Mẹ tôi cựa mình hỏi.
- Thôi, để mờ sáng bắt cho tươi tắn. Khéo không, đầu năm nó cú rũ, họ sẽ bảo mình “trù, nộp” thì cũng uổng của, uổng công! Bà cứ xếp đặt đâu đó vào giỏ cho xong xuôi. Mờ sáng, bắt gà vào, là đi!
Vậy là mờ sáng mai, bố mẹ tôi sẽ bắt gà “đi Tết” cho ông giám đốc! Nghĩ đến con gà, tôi không tài nào ngủ lại được nữa. Mờ sáng mai, nếu không trúng con gà Nổ của bé Liên, chắc sẽ là “toi mạng” con Vàng của tôi. Con gà tôi hằng kỳ vọng vào như khởi vốn của một nhà chăn nuôi lớn. Nó mà đẻ cho tôi một đàn con thì cặp da, mũ mới, nhất là bộ sách học chắc chắn không phải mượn nhà trường cuốn nào… như cầm bằng trong tay! Nó thuộc dòng đẻ sai và nuôi con giỏi. Tôi đã “hạch toán” cái đàn con khôn lớn của nó sau này đâu vào đấy cả. “Nói trước, bước không tới”. Bây giờ thì… giá mà bố tôi nghĩ rằng đầu năm mới, ông giám đốc sẽ thích con gà với bộ lông nổ hoa đẹp đẽ của bé Liên hơn. Hai con gà, bố mẹ tôi cho hai anh em hồi vào đầu năm học hãy còn bé xíu xiu. Lúc ấy bé Liên là em nên ưu tiên chọn trước. Và bé Liên đã chọn con gà Nổ vì bộ lông nó chỗ trắng, chỗ vàng trông rất đẹp. Hơn thế nó lại dạn dĩ, muốn bắt ôm lúc nào cũng được nên bé Liên thích hơn. Từ ngày “sở hữu” được chúng, hai con gà đã thu hút hầu hết thì giờ rảnh rỗi của hai anh em. Tôi cần mẫn đào giun, bắt sâu, còn Liên thì bòn mót đến không sót một hạt gạo rơi, cơm rớt nào. Tôi và bé Liên đã cứu chúng ra khỏi trận dịch gà vừa rồi, tốn của mẹ biết bao nhiêu là tỏi. Sau cơn thoát chết, chúng lớn đến là nhanh. Bây giờ thì con gà Nổ, bé Liên đã không dễ dàng ôm và nựng nịu, vuốt ve như trước được nữa. Bù lại, ngày nó cho em một đàn con mũm mĩm lông tơ sẽ không xa. Con gà Vàng của tôi cũng thế. Nó đã khiến tôi đành lòng tạm qua Tết này bằng đôi dép nối quai của mình, nhẩn nha đợi chờ một cái Tết dép, mũ xênh xang vào năm tới.
Vậy mà bây giờ… chỉ mờ sáng mai, bố hay mẹ tôi quơ thuận tay một cái, trúng phải con gà Vàng là tất cả sẽ tan tành mây khói ngay. Mà thuận tay quá đi chứ! Con gà của tôi vốn là giống lanh lợi, háo ăn. Chỉ cần cửa chuồng vừa rục rịch là nó đã nhào ngay ra rồi. Nghĩ đến con gà đã sắp đến hồi biết “kêu ổ gió”, vốn liếng của mình bị trói chân trên đường đi biếu xén, tôi tự nhiên thấy đêm tháng chạp không còn lạnh nữa. Ôi, con Vàng với bao nhiêu là kỳ vọng của tôi…!
Hay sáng mai mình dậy sớm và “xung phong” bắt gà? Ý nghĩ vừa loé lên đã vội tắt liền. Bố tôi mà sinh nghi là chết. Ông sẽ trói cổ ngay tắp lự con Vàng của tôi. Hơn thế đã thức khuya thế này, cái khoản dậy sớm vào mờ sáng mai để “xung phong” bắt gà nghe chừng không bảo đảm. Trằn trọc mãi, tôi cũng chẳng tìm được phương kế gì để mờ sáng mai, bố mẹ tôi sẽ bắt trúng con gà Nổ của bé Liên. Bên ngoài, gió bấc vẫn thổi ù ào qua mái nhà. Mấy tấm tôn hở đinh nhịp đều như tiếng con gà Vàng thôi thúc tôi cứu nó ra khỏi cái chết chắc là ê hề ở nhà ông giám đốc. Ban đêm mỗi lần trằn trọc khó ngủ, mắt tôi hay nhìn lên chỗ sáng cây đèn trên bàn thờ. Ngọn đèn dầu chong thấp tim lao chao tỏa ra thứ ánh sáng vàng bệt, buồn thảm trên cái bàn thờ lạnh ngắt lạnh ngơ. Những năm làm ăn khấm khá, mấy ngày này bàn thờ nhà tôi đã quét dọn khang trang, chuẩn bị chỗ cho hoa quả và những phong cốm dán giấy mầu sặc sỡ để hai bên. Riêng năm nay cả việc chân đèn, lư hương gì cũng không nghe bố tôi nhắc bảo lau chùi chi cả. Chợt có tiếng bố tôi nói sau cái đập muỗi đằng võng:
- À… Mẹ thằng Huy đã đóng chuồng gà chưa đó?
- Đóng rồi…! - Mẹ tôi thở dài trả lời.
Vô tình, câu trả lời của mẹ tôi như ánh chớp giữa đêm đen, mở ra cho tôi cách cứu con gà Vàng của mình. Cách cứu thật tuyệt vời mà chẳng cần phải dậy sớm hay xin xỏ gì sất. Bố mẹ tôi và ngay cả em Liên cũng không thể nào biết được để hờn trách chi tôi. Cách đó là: Lát nữa chờ mọi người say giấc, tôi sẽ ra cho con Vàng đứng ngủ ngoài chuồng. Vậy thôi! Hay tìm mồi và háu ăn như nó, trời vừa mờ mờ đất đã dông biệt rồi. Trên đường đi tiến cống cho vị giám đốc nào đấy, chắc chắn phải là con gà Nổ của bé Liên chứ chẳng phải của tôi. Còn tôi cứ ngủ thẳng cẳng đến sáng bạch, đâu cũng vào đấy cả. Ôi, từ ngày mai trở đi, con Vàng của tôi sẽ tha hồ “thầu” thêm cái khoản cơm thừa, cá rớt mà bấy lâu nay con gà Nổ của bé Liên vẫn chiếm độc quyền.
Ngoài kia, nhịp đưa võng của bố tôi thả vào đêm những tiếng “kít… kẹt…!” mỗi lúc nghe một nhỏ dần, mỏi mòn lần như tiếng tắc kè kêu. Bé Liên chợt nấc nhẹ mấy tiếng. Không sao cả! Tôi biết đấy là ảnh hưởng từ cơn khóc vì vở kịch quá thảm trong ti-vi bên hàng xóm vừa rồi theo vào giấc mơ của nó. Tôi khẽ chuồi xuống ván, ra sau nhà. Đấy cũng là thói quen vẫn thường đi tiểu đêm như thế của tôi.
***
- Anh Huy ơi! Con gà Nổ của em ai bắt mất rồi… ?!
Với bát cơm thừa để dành từ tối qua trên tay, bé Liên vừa khóc nói, vừa hướng mắt tìm ra mấy bụi chuối sau nhà. Con gà Vàng của tôi bấy giờ đang tranh thủ mổ vội mổ vàng những hạt cơm của em vừa vung ra trên mặt đất. Những cái mổ đến là háo ăn! Và sau một loáng vui mừng, lòng tôi chợt nao nao khi nhìn ra trong đôi mắt đen như hai hạt nhãn của em, lệ từ từ dâng đầy. Rồi Liên đánh rơi bát cơm và… òa khóc. Trước những giọt nước mắt của em, tôi hối hận vô cùng! Tôi đã kể hết với em nguyên nhân và việc làm đêm qua của mình.
- Rồi… nhà ông giám đốc gì đó, họ có… làm thịt con Nổ của em không, hở anh Huy?
Giọng hỏi của em đầy nước mắt khiến tôi không sao trả lời được. Tôi cố dỗ dành và xin được đền cho em con Vàng của mình. Song em lắc đầu. Khác với tôi nuôi gà là để kiếm lợi, em Liên nuôi con Nổ bằng tất cả tình cảm của mình. Và em cũng đã thực sự mến tay, mến chân với nó…
Chiều hôm đó, chẳng hiểu sao em Liên tự dưng bỏ ăn và lên cơn sốt li bì. Em nằm liệt luôn. Cả nhà chưa biết là bệnh gì. Tôi đã giấu nhẹm bố mẹ chuyện con gà Nổ, và bỏ cả vui chơi ba ngày Tết để quanh quẩn bên em. Với những đồng tiền được mừng tuổi ít ỏi của mình, tôi đã mua hết cho em những đồ chơi Tết đẹp nhất, sắp bên giường bệnh. Những đồ chơi mà một vài lần lúc không mê, em đã tỏ ra ham thích, định để dành về nội, ngoại chơi khiến tôi mừng thương đến chảy nước mắt…
Khuya mùng bốn Tết, tôi đang ngủ thì bỗng tiếng khóc đến xé lòng của mẹ lôi tôi ra khỏi giấc, bàng hoàng. Em Liên đã đột ngột qua đời trước đó chừng ít phút!
Đám tang em, người của xí nghiệp bố tôi đi viếng khá đông. Song cũng không vì thế mà hết Tết đó, bố tôi được có tên về bất cứ phân xưởng hoặc chỗ làm nào! Con gà Nổ tuy có thể đã góp phần mang đi sự sống của em tôi, nhưng lại chẳng giá trị gì khi thêm vào món quà “đi Tết” vốn ít ỏi của một công nhân nghèo! Mùa xuân ấy, ở thế giới bên kia, em tôi chắc đã gặp lại con gà Nổ quý yêu của mình. Song riêng tôi, tôi đã mất đi vĩnh viễn nỗi háo hức, mừng vui vào những ngày đầu năm đẹp đẽ, với một niềm hối hận khôn nguôi.
Và đấy cũng là cái Tết buồn thảm nhất đời mà tôi không bao giờ quên được.
Truyện ngắn của LÊ NGUYÊN NGỮ