Tòa Cửu phẩm liên hoa bằng đá hiếm có
Di tích - Ngày đăng : 10:31, 16/01/2017
Chùa Khánh Quang ở thôn Thiên Đông, xã Kim Tân (Kim Thành) hiện còn giữ được tòa tháp đá có giá trị về niên đại cũng như nghệ thuật kiến trúc.
Tòa tháp Cửu phẩm liên hoa chùa Khánh Quang hoàn toàn bằng đá nguyên khối ghép lại
Được khởi dựng vào thời hậu Lê (thế kỷ XVIII), trải qua nhiều lần trùng tu, tôn tạo, chùa Khánh Quang ở thôn Thiên Đông, xã Kim Tân (Kim Thành) hiện còn giữ được tòa tháp đá có giá trị về niên đại cũng như nghệ thuật kiến trúc.
Theo sử sách ghi lại, Khánh Quang là tên tự của chùa. Tương truyền chữ “khánh” được bắt nguồn từ chốn tổ chùa Muống (Quang Khánh tự) là nơi sinh và tu hành của Thánh tổ Non Đông (nay thuộc xã Ngũ Phúc, Kim Thành), môn đệ của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử. Quang Khánh là một ngôi chùa lớn, thời kỳ hưng thịnh có tới 144 gian lớn nhỏ và là trung tâm sinh hoạt tôn giáo của cả vùng. Vì vậy, các ngôi chùa xung quanh chịu ảnh hưởng lớn của thiền phái này, đều lấy chữ “khánh” ghép vào tên tự của chùa. Chùa Khánh Quang được khởi dựng vào thời hậu Lê (thế kỷ XVIII) do Già Lam Đặng Tiên Công, người ở thôn Đằng Lâm, nay thuộc huyện An Hải (TP Hải Phòng) xây dựng. Vào thời Nguyễn, chùa Khánh Quang đã trải qua nhiều lần trùng tu, tôn tạo. Cuối thập kỷ 70 của thế kỷ XX, chùa còn khá nhiều công trình kiến trúc có giá trị nghệ thuật. Năm 1978, chùa bị tháo dỡ lấy vật liệu xây dựng các công trình phúc lợi của địa phương. Năm 1997, nhân dân địa phương xây dựng lại chùa chính gồm 3 gian tiền đường, 2 gian hậu cung, nhà tổ khá khang trang. Hai công trình này kiến trúc đơn giản, chất liệu bằng gạch, ngói và bê tông cốt thép, hệ thống tượng pháp và đồ thờ tự đều mới.
Bên cạnh lịch sử lâu đời, kiến trúc độc đáo nhất của chùa Khánh Quang đó chính là tháp Cửu phẩm liên hoa bằng đá mà theo sư thầy trụ trì Thích Quảng Sơn đó là một công trình kiến trúc điêu khắc "độc nhất vô nhị" của tỉnh và là một trong những công trình kiến trúc tháp hiếm có của cả nước. Từ bệ tháp cho tới ngọn tháp đều là những phiến đá khối màu xám được ghép lại một cách hài hòa. Mặt đá được chạm khắc hết sức tỉ mỉ khiến cho cả tòa tháp như một đài sen lớn. Cũng theo sư thầy Thích Quảng Sơn, căn cứ vào các nét chạm khắc, hoa văn trang trí và mô-típ kiến trúc thì tháp được dựng từ cuối thế kỷ XVIII. Mô hình của tháp lúc đầu dựng bằng tre, nứa. Trải qua mưa nắng, cửu phẩm bị mục nát. Sang thế kỷ XIX, tháp bằng đá được dựng lên và tồn tại cho đến ngày nay.
|
Nét độc đáo nhất là tháp được các nghệ nhân xưa tạo ra từ đá nguyên khối ghép lại và dựng chính giữa không gian ngôi chùa. Công trình gồm 3 phần chính: bệ, thân và chóp, cao 11m (không kể bệ). Bệ tháp được tạo dáng tam cấp bằng các khối đá xám, mỗi bậc được ghép thành hình lục giác đều, các mối ghép khít với nhau, tạo thành các bậc chắc chắn. Thân tháp gồm 9 tầng được tạo dựng theo phương thẳng đứng với lối “thượng thu, hạ thách”. Từ tầng 1 đến tầng 9, các phiến đá được ghép dọc theo hình lục giác đều, cạnh của mỗi tầng có kích thước và chiều cao nhỏ dần. Phía trên của mỗi tầng đều được tạo mái cong có các góc đao điêu khắc theo kiểu đao dĩ, các cạnh đều được chạm khắc các hoa văn theo một phong cách là những lọ cắm những cành hoa cúc đang nở. Hoa văn cúc dây và hoa văn chữ triện, phía dưới và trên có hoa văn sóng nước chạy đường diềm. Các nét chạm khắc mềm mại và sống động. Đặc biệt, ở tầng 1, sáu mặt đều có bia, kích thước mỗi bia là 45 x 42 cm, chạm theo kiểu bài vị thờ, khắc dòng chữ Hán “Nam mô thập phương thường trụ tam bảo” (Nam mô thập phương thường dừng lại ở tam bảo). Đây là một câu trong kinh Phật. Từ tầng 4 đến tầng 6, các phiến đá không trang trí hoa văn mà thay vào đó là chạm khắc chim phượng. Đây cũng chính là nét độc đáo của cửu phẩm. Tầng thứ 7 vẫn theo phong cách của các tầng dưới, nhưng nội dung của dòng chữ Hán đã thay đổi, mỗi mặt có 1 chữ ghép lại thành các chữ “Nam - Mô - A - Di - Đà - Phật”. Tầng 7 đến tầng 9, các bức chạm khắc đều được trang trí hoa văn đẹp nhưng thưa dần. Phần chóp được tạo hình nậm rượu, cao 70cm, đế chóp có ngõng khóa và gắn chặt với mái của tầng 9.
Chiêm ngưỡng vẻ đẹp của công trình kiến trúc tôn giáo độc đáo này, chúng tôi càng khâm phục kỹ thuật đục, ghép và nghệ thuật chạm khắc đá tài hoa của cha ông. Toàn bộ tháp là một hình khối gọn, chắc, thanh thoát, hài hòa. Các bức chạm khắc trên tháp không đơn điệu mà ngược lại bố cục lại hết sức mềm mại. Các nét chạm trên đá cứng nhưng có hồn và mang đậm nét văn hóa. Với lịch sử lâu đời cũng như giá trị nghệ thuật kiến trúc của tháp Cửu phẩm liên hoa, năm 2002, chùa Khánh Quang đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng di tích lịch sử quốc gia.
Hằng năm chùa Khánh Quang tổ chức hội vào hai ngày 26 và 27 tháng giêng. Trong lễ hội, ngoài việc tế lễ, còn có các trò chơi dân gian như chọi gà, vật, đu quay...
HÀ VY