Hàn Quốc quyết “trị” chaebol
Tin tức - Ngày đăng : 17:15, 17/01/2017
Ông Lee Jae Yong là một trong những nhân vật quyền lực nhất Hàn Quốc, được mệnh danh là “thái tử Samsung” - Ảnh: Reuters |
Nhóm công tố viên đặc biệt ngày 16-1 chính thức yêu cầu bắt giữ ông Lee Jae Yong, Phó Chủ tịch Samsung Electronics.
Trong năm 2016, ông Lee Jae Yong đứng thứ 40 trong danh sách những người quyền lực nhất thế giới (năm 2015 xếp thứ 33), nằm ở vị trí thứ 32 trong số những đại gia công nghệ giàu nhất thế giới và là tỷ phú giàu thứ 201 thế giới. Tại Hàn Quốc, ông Lee xếp thứ ba trong danh sách những người giàu nhất năm 2016.
Dự kiến, tòa án trung tâm Seoul tổ chức một buổi điều trần vào ngày 18-1 để quyết định có phê chuẩn lệnh này hay không.
“Thái tử Samsung”
Phản ứng sau tuyên bố của văn phòng công tố đặc biệt, trong thông cáo gửi đến truyền thông, Tập đoàn Samsung bác bỏ các cáo buộc hối lộ nhắm vào ông Lee và cho rằng “thật khó hiểu về quyết định nói trên”.
Ông Lee bị cho là liên quan đến vụ bê bối của Tổng thống Hàn Quốc Park Geun Hye. Hiện bà Park đang bị đình chỉ chức vụ, chờ điều tra nghi án vi phạm Hiến pháp Hàn Quốc, để người bạn thân Choi Soon Sil lạm quyền.
Ông Lee bị nghi hối lộ khoản tiền 43 tỷ won (36,3 triệu USD) cho bà Choi (hiện bị giam giữ) nhằm được ưu ái trong vụ sáp nhập hai công ty của Samsung, Hãng thông tấn Yonhap dẫn lời ông Lee Kyu Chul - người phát ngôn nhóm công tố viên.
Vụ điều tra liên quan tới ông Lee Jae Yong được miêu tả là một cú sốc, không chỉ vì tính chất của sự việc. Bản thân ông Lee đã nổi tiếng và được xem là một trong những người quyền lực nhất thương trường Hàn Quốc.
Sinh ngày 23-6-1968 trong một gia đình đầy thế lực, ông Lee là cháu nội của Lee Byung Chul, nhà sáng lập Samsung, là con cả và là con trai duy nhất của ông Lee Kun Hee - Chủ tịch Tập đoàn Samsung hiện nay.
Ông Lee từng học lịch sử Đông Á tại ĐH Quốc gia Hàn Quốc, sau đó lấy bằng thạc sĩ quản trị kinh doanh tại ĐH Keio (Nhật Bản). Sau đó, ông Lee học tiến sĩ quản trị kinh doanh tại ĐH Harvard (Mỹ) trong 5 năm.
Ông Lee bắt đầu công việc điều hành Samsung từ năm 1991, giữ chức Phó Chủ tịch phụ trách kế hoạch và chiến lược, sau đó làm Chánh văn phòng phụ trách khách hàng. Từ năm 2012, ông Lee tiếp quản chiếc ghế Phó Chủ tịch Samsung Electronics.
Thanh danh của ông Lee sớm vượt khỏi biên giới Hàn Quốc. Tạp chí Forbes đánh giá tính đến ngày 16-1-2017, tài sản của người đàn ông 48 tuổi này là 6 tỷ USD.
Với danh tiếng, tiền bạc và quyền lực như trên, truyền thông thường gọi ông Lee là “thái tử Samsung”, mô tả doanh nhân này là người ít nói, lạnh lùng trong phong cách xử lý nhưng lịch thiệp và rất sẵn lòng tiếp đón báo chí.
Tuyên chiến với chaebol
Cụm từ chaebol dùng để chỉ các công ty gia đình quyền lực tại Hàn Quốc, tồn tại từ thập niên 1960 đến nay và chi phối mạnh mẽ thương trường Hàn Quốc. Trong số các chaebol, Samsung là tập đoàn hàng đầu với quy mô và tầm ảnh hưởng cực lớn.
Thông thường, các vụ bê bối liên quan tới các chaebol sớm bị dập tắt, nhưng trường hợp của ông Lee thì khác.
Trong khi đó ông Robert Kelly, phó giáo sư tại Đại học Quốc gia Pusan (Hàn Quốc), nói rằng Chính phủ Hàn Quốc có lịch sử dài về việc can thiệp vào kinh tế, tạo ra môi trường dễ bị tham nhũng.
Ông nói: “Các anh chắc đã nghe về việc Hàn Quốc bị ví là cộng hòa Samsung rồi. Có những thứ trung thực mà nói, sẽ tốt về hiệu ứng chính trị qua việc đánh vào các công ty chaebol lớn nhất...”.
Cổ phiếu của Samsung đã giảm gần 3% ngay sau khi thông tin về yêu cầu bắt giữ ông Lee được công bố. Trước đó, trong lần đầu tiên ông Lee bị thẩm vấn hôm 11-1 tuần trước, cổ phiếu Samsung tụt 6% từ ngày 12-1, theo CNN.
Trường hợp của ông Lee là diễn biến mới nhất liên quan tới cuộc biểu tình sâu rộng gồm cả triệu người Hàn Quốc nhằm chống lại chính quyền của Tổng thống Park, kêu gọi thanh lọc bộ máy nhà nước và dẹp bỏ sự thâu tóm của các tập đoàn lớn tại Hàn Quốc. Dù vậy cho đến nay, mới chỉ Samsung chính thức bị sờ gáy.
Theo Tuổi trẻ