Mùa xuân qua những câu thơ
Dành cho người yêu thơ - Ngày đăng : 10:47, 25/01/2017
Với Nguyễn Du, một thi tài kiệt xuất của nước ta, xuân về cũng để lại những cảm xúc đặc biệt. Xuân dạ là bài thơ xuân đặc sắc của ông. Nhớ quê hương ngàn dặm, xứ lạ đất người, xuân trong ông là nỗi thê thiết, u tối, đèn không buồn chong để lặn mình vào đêm đen huyền hoặc. Trước mặt ông là đoạn đường công danh mờ mịt mà ngoài kia xuân về trong mưa gió ai hoài:
Đêm đen nào thấy ánh dương trong
Hàng liễu âm thầm đứng trước song
Ốm liệt giang hồ bao tháng trải
Xuân về mưa gió suốt đêm ròng
Lâu năm đất khách đèn chong lệ
Ngàn dặm quê hương nguyệt dãi lòng
Ngoài xóm Nam Đoài Long Thuỷ chảy
Trôi hoài kim cổ một dòng không
Với Bác Hồ, mùa xuân không cứ là những cái Tết cổ truyền, có bánh mứt, dưa hành, câu đối đỏ, có mai, đào khoe sắc khoe hương mà mùa xuân trong Bác còn là sức chiến đấu anh dũng của tuổi trẻ, tuổi Nước, tuổi Đảng:
Mừng Nhà nước ta mười lăm năm xuân xanh
Mừng Đảng chúng ta đã ba mươi tuổi trẻ “
(Thơ mừng năm mới – 1960 )
Câu thơ rất khoẻ khoắn, phơi phới niềm tin. Với Bác, hồn xuân có trong bốn mùa đó là niềm vui và sự chiến thắng:
Mừng thấy miền Nam luôn thắng lớn
Một năm là cả bốn mùa xuân...
Và:
Xuân này kháng chiến đã năm xuân
Nhiều xuân kháng chiến càng gần thành công
( Thơ chúc tết Tân Mão – 1951 )
Và trở nên mạnh mẽ, quyết liệt:
Tiến lên! Chiến sĩ đồng bào
Bắc Nam sum họp xuân nào vui hơn
Chữ xuân trong thơ Bác thật lộng lẫy, biến hoá tài tình, hàm chứa nhiều ý nghĩa phong phú tươi trẻ, căng tràn sức sống. Mùa xuân trong thơ Bác là mùa xuân của cả dân tộc đã trở thành bất tử với chúng ta, hai câu thơ của Bác sau đây mà ta tưởng chừng như ca dao, tục ngữ:
Mùa xuân là Tết trồng cây,
Làm cho đất nước càng ngày càng xuân.
Với Nguyễn Bính, đó là nàng xuân thật tươi tắn:
Đã thấy xuân về với gió đông
Với trên màu má gái chưa chồng
Bên hiên hàng xóm cô hàng xóm
Ngước mắt nhìn giời đôi mắt trong…
Với những câu thơ không quá chắt lọc, chân chất như cô gái quê chưa chồng, Nguyễn Bính đã thổi vào hồn ta cái hương đồng, gió nội thi vị ngọt ngào. Nguyễn Bính có vợ là người miền Nam, thay vì dùng chữ “trời” cho đúng chuẩn tiếng Việt, ông lại dùng chữ “giời” chân chất chất quê vốn có trong thơ ông.
Mùa xuân được đặc tả bằng những hình ảnh: hoa mai, hoa đào, ông đồ, câu đối đỏ…Ở khía cạnh này, Vũ Đình Liên đã trở thành bất tử với những câu thơ bất hủ:
Mỗi năm hoa đào nở
Lại thấy ông đồ già
Bày mực tàu, giấy đỏ
Bên phố đông người qua…
Ông đồ trong thơ Vũ Đình Liên có cái gì đó đã thành hoài niệm. Một chút xưa trong hồn nay, một chút cũ trong ngày mới. Phải chăng với ông: “Lòng ta là những hàng thành quách cũ/Tự ngàn năm bỗng vẳng tiếng loa xưa”, cứ dằn vặt mãi trong ông trước phong trào thơ mới của Phan Khôi, Thế Lữ, Huy Cận, Thâm Tâm…ngày một thăng hoa. Có lẽ nho học không còn đất dụng võ, niềm hoài cổ khắc khoải mãi trong lòng thi sĩ. Thiếu tự tin trước cái mới, cái xa lạ:
Ông đồ vẫn ngồi đấy
Qua đường không ai hay
Lá vàng rơi trên giấy
Ngoài trời mưa bụi bay...
Nhân gian có quá vô tình lắm không trước quy luật sinh, diệt vốn nghiệt ngã. Người ta lao thân vào cuộc mưu sinh bằng bất cứ thủ đoạn nào có thể để sống. Người ta sẵn sàng lừa dối nhau để mưu cầu vinh hoa, phú quý cho riêng mình. Hay chữ Hán, Nôm không còn ai theo học, không còn được người đời quan tâm. Có lẽ thế chăng mà họ quên mất ông đồ ngồi bên đường với mực tàu giấy đỏ, với nét chữ phượng múa rồng bay mỗi độ xuân về. Thời gian sẽ phai mờ tất cả, nho học sẽ lùi vào quá khứ, xếp lại chuỗi ngày vàng son của mình. Còn chăng là những nuối tiếc, bâng khuâng của nỗi niềm hoài cổ:
Năm nay đào lại nở
Không thấy ông đồ xưa
Những người muôn năm cũ
Hồn ở đâu bây giờ.
Những câu thơ xuân viết bằng chữ quốc ngữ của phong trào thơ mới vẫn sống trong lòng chúng ta qua nhiều năm tháng thăng trầm. Nó đưa ta về khoảng không gian Tết thời đó bằng những áng văn thơ thật hay. Ở góc độ nào đó thì mất đi, ở góc độ nào đó thì đọng lại. Thời gian với người này thì nhanh, với kẻ kia thì chậm. Một nghịch lý mà không hề nghịch lý:
Cụ đồ nho dừng lại vuốt râu cằm
Miệng nhẩm đọc vài hàng câu đối đỏ
Bà cụ lão bán hàng bên miếu cổ
Nước thời gian gội tóc trắng phau phau...
(Bài Chợ Tết của Đoàn Văn Cừ)
Hai câu thơ hay nhất trong bài này của ông có lẽ là: “Bà cụ lão bán hàng bên miếu cổ / Nước thời gian gội tóc trắng phau phau…”. Vẫn bị ràng buộc trong khuôn khổ của luật thơ cũ, chữ “bà cụ lão” có gì đó như thừa, đã bà cụ mà còn lão nữa thì quá đĩnh đạc, quá cân nhắc. Nếu là hôm nay, người làm thơ sẽ mạnh dạn bỏ hẳn chữ cụ, để thành bài thơ sai luật (câu bảy, câu tám), nhưng ý thơ sẽ thanh thoát mà thi vị thì nào đâu có kém. Ta thử: “Bà lão bán hàng bên miếu cổ / Nước thời gian gội tóc trắng phau phau” ổn chứ, sao không…?
“Xuân ý” của Hồ Dzếnh có lẽ là bài thơ xuân không được nhiều người yêu thích lắm. Với khoảng không gian chật hẹp, nàng xuân trong thơ ông lặng lẽ, đợi chờ sau bức mành thân phận. Một mùa xuân thật sự trống vắng:
Sắc biếc giao nhau, cành bắt cành
Nước trong, hồ ngợp thuỷ tinh xanh
Chim bay cành trĩu trong xuân ý
Em đợi chờ ai, khuất bức mành
Với Chế Lan Viên, vẫn là những hình ảnh quen thuộc nơi miền thôn dã xưa, tuy không hiu hắt như mùa thu, không khát khao như mùa hạ. Nàng xuân trong thơ ông vẫn phảng phất một nỗi buồn cổ điển: Cỏ non biếc, nắng rụng, bến lau già...
Pháo đã nổ đưa xuân về vang động
Vườn đầy hoa ríu rít tiếng chim trong
Cỏ non biếc dãi mình chờ nắng rụng
Bến lau già, theo gió uốn lưng cong
Với Hàn Mặc Tử, mùa xuân như là món quà cợt nhả mà đất trời dành riêng cho ông, có chua chát, có giận dỗi, có éo le trong ngôn từ của ông:
Mai sáng mai trời cao rộng quá
Gió căng hơi và nhạc lên mây
Đôi lòng cũng ấm như xuân ấm
Chỉ có ao xuân trắng trẻo thay…
Nhà thơ đang tâm sự với ai, với người trong mộng chăng:
Xuân gấm đầu tiên giữa cõi đời
Mùi thơm ngây dại sóng con ngươi
Hãy hoan hô lời cao như sấm:
- Vạn tuế, bay ơi ! Nắng rợp trời...
(Xuân đầu tiên)
Thật bất ngờ và thú vị, từng chi tiết thơ, từng hình ảnh thơ dần làm ta ngộ ra điều bất thường trong ngôn ngữ thơ của Hàn thi sĩ. “Vạn tuế” là cụm từ không dễ dàng sử dụng dưới thời vương quyền. Vạn tuế gia chỉ dành cho nhà vua. “Vạn tuế, bay ơi!...” chỉ có thể là thơ Hàn Mặc Tử.
Đó cũng là tâm tình của Cao Bá Quát trong ngày xuân mới. Trong bài Đêm xuân đọc sách (Xuân dạ độc thư), tứ thơ lạ, ý thức về sự tự do tuyệt vời, đáng là một thi sĩ hảo hán:
Khách nay chẳng thấy xuân xưa nữa
Thổn thức xuân nay gặp khách xưa
Nay hoá thành xưa nào mấy chốc
Hư nhìn ra thật khỏi lầm chưa?
Ấn tượng nhất của mùa xuân là ngày Tết, dịp để chúng ta sum họp với gia đình, viếng mộ tổ tiên, thăm hỏi họ hàng, bạn bè, thôn xóm. Ngày Tết làm cho con người ta vui vẻ hơn, vị tha hơn, dễ gần gũi nhau hơn. Có lẽ, đó là ý nghĩa nhân bản nhất mà nàng xuân vốn có, là giá trị văn hoá lâu đời của người xưa lưu lại cho muôn sau, là truyền thống vĩnh hằng của người Việt, đất Việt.
Mùa xuân không chỉ chín trong cảnh vật mà chín cả trong lòng người. Đó là mùa xuân thi sĩ, là tình cảm thi ca mà Hàn Mặc Tử gợi cho ta nghĩ về đời người, đời mình. Về cái nhất thời và cái muôn thuở, cái thực tại và cái vô cùng. Phải chăng, nàng xuân trong ông mãi hiện hữu nhưng mãi xa vời, uẩn khúc và trái ngang, hay mãi chỉ là thời xa vắng?
Định mệnh an bài chăng, xin để ngỏ. Như bài viết này cũng không có lời kết vội vàng trước khuôn trăng đầy đặn của nàng xuân.
Khách xa gặp lúc mùa xuân chín
Lòng trí bâng khuâng sực nhớ làng
Chị ấy năm nay còn gánh thóc
Dọc bờ sông trắng nắng chang chang.
PHAN THÀNH MINH