Những điều tuyệt đối không nên làm khi say rượu
Y tế - Sức khỏe - Ngày đăng : 10:23, 04/02/2017
Vào dịp lễ, Tết, uống rượu bia là điều khó tránh mặc dù các chuyên gia khuyến cáo rượu bia rất độc hại cho sức khỏe. Điều đó càng trở nên nguy hiểm nếu khi say, chúng ta làm những điều dưới đây:
Tắm
Theo PGS.TS Phạm Văn Tiến - Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện 103 - người say rượu tuyệt đối không được tắm dù nước nóng hay lạnh. Tắm nước nóng sẽ khiến nhiệt độ tập trung trong cơ thể không thoát ra ngoài, khiến cho tình trạng say trở nên nghiêm trọng hơn, gây buồn nôn, thậm chí đau đầu, chóng mặt, choáng váng.
Người say rượu tuyệt đối không được tắm dù nước nóng hay lạnh (Ảnh minh họa) |
Tắm nước lạnh khiến gan không kịp bổ sung lượng đường glucose tiêu hao trong máu, cùng với sự kích thích bởi nước lạnh, khiến huyết quản co vào, có thể dẫn đến vỡ mạch máu, cảm lạnh.
Quan hệ tình dục
Chuyên gia Nguyễn Bá Toàn, Phó giám đốc Trung tâm Tư vấn vì Sức khỏe Cộng đồng, khuyến nghị sau khi uống rượu bia, cơ thể rất vất vả để đào thải chất độc ra ngoài cơ thể. Xuất tinh vào thời điểm này sẽ làm sinh lực suy giảm nghiêm trọng, có thể dẫn đến cảm lạnh. Sinh lực bị hao hụt rất nhiều chắc chắn sẽ ảnh hưởng lớn đến sức khỏe sau này.
Ngoài ra, đàn ông uống rượu bia say xỉn nhiều ngày rất dễ bị rối loạn cương dương. Bạn nên dùng rượu ở mức độ vừa phải, kích thích bộ não hưng phấn đem lại cảm giác sung mãn, dẻo dai. Nồng độ rượu vào cơ thể quá cao sẽ gây ức chế sự hưng phấn của vỏ não. Lúc này, cuộc “yêu” rất khó đạt khoái cảm, đàn ông khó xuất tinh.
Uống thuốc
Cũng theo PGS Tiến, nhiều người khi say thường uống panadol, tylenol để trị nhức đầu. Tuy nhiên, đây là cách trị nhức đầu rất nguy hiểm. Gan rất vất vả để đào thải rượu nên sẽ phải làm việc nhiều hơn khi bạn uống paracetamol. Điều đó khiến gan dễ bị viêm và tổn thương.
PGS.TS Bùi Quang Huy - Trưởng khoa Tâm thần, Bệnh viện 103 - cũng khuyến cáo về việc lạm dụng thuốc giải rượu.
Chuyên gia cho biết những loại thuốc giải rượu được bán ở thị trường, thành phần chính là vitamin nhóm B, vitamin PP, B1, B2, B6. Khi uống, thuốc nằm ở dạ dày cùng rượu nên rất khó để hấp thu. Kể cả khi đã được hấp thu, chúng chỉ có tác dụng làm chuyển hóa thuận lợi hơn chứ không đẩy nhanh quá trình đào thải rượu.
Đặc biệt, người say tuyệt đối không tự ý tiêm thuốc để giải rượu. Nhiều trường hợp tiêm B1 qua đường tĩnh mạch để giải rượu đã bị sốc và tử vong.
Uống cà phê, trà và nước có ga
Sau khi uống rượu bia, cơ thể sẽ mất nước. Nhưng cà phê lại là loại thức uống lợi tiểu sẽ làm cho cơ thể mất thêm nước. Còn khi uống trà sẽ làm cho trái tim của bạn quá hưng phấn và thận đang phải hoạt động hết công suất để đào thải cồn từ bia rượu. Đối với nước uống có ga sẽ làm tốc độ hấp thụ rượu của cơ thể tăng gây ảnh hưởng đến gan và viêm dạ dày cấp tính.
Đắp chăn điện
Khi cơ thể đã nạp rượu bia vào sẽ gây hiện tượng rối loạn chức năng điều chỉnh nhiệt độ, tăng sự mất nhiệt, có thể gây ớn lạnh. Lúc này cơ thể cần được ấm áp nhưng không nên đắp chăn điện, đặc biệt là người mắc các bệnh tim mạch như tăng huyết áp, bệnh mạch vành.
Sau khi uống rượu, mạch máu giãn ra, nhịp tim và sự trao đổi chất sẽ tăng tốc, huyết áp cao, có thể gây ra nhồi máu cơ tim, đau thắt ngực và các bệnh khác. Nếu cảm thấy lạnh, bạn có thể sử dụng một chai nước nóng hoặc chăn bông ấm, uống một ít nước ấm nhưng không được quá nóng để tránh bị sốt nhiệt./.