Tình báo Pháp tố Nga can thiệp bầu cử
Tin tức - Ngày đăng : 16:12, 10/02/2017
Thông tin bất lợi đang nhắm vào ứng cử viên tổng thống Pháp Emmanuel Macron - Ảnh: AFP |
Ngày 8-2, tuần báo Le Canard Enchaîné của Pháp dẫn nguồn tin từ Cơ quan tình báo đối ngoại Pháp (DGSE) cho rằng phía Nga sẽ ngấm ngầm ủng hộ bà Le Pen bằng cách sử dụng các ứng dụng phần mềm tự động giúp đăng tải ồ ạt lên mạng Internet hàng triệu thông tin tích cực về ứng cử viên tổng thống đảng cực hữu, đồng thời tung lên mạng các email bí mật từ những đối thủ của bà.
Thận trọng
Tờ Le Canard Enchaîné khẳng định nguy cơ đe dọa của vấn đề này nghiêm trọng tới mức trong cuộc họp tới về an ninh quốc phòng ở điện Élysée, nội dung này sẽ được đưa ra bàn thảo.
Thời gian qua nước Pháp rõ ràng đã có những chuẩn bị thận trọng và cụ thể nhằm đối phó với tình huống bị các thế lực bên ngoài can thiệp vào tiến trình bầu cử tổng thống nhiệm kỳ mới.
Bộ trưởng quốc phòng Pháp Jean-Yves Le Drian từng tuyên bố nước Pháp muốn “học hỏi những bài học vì tương lai” sau khi Mỹ cáo buộc Nga đứng sau các cuộc tấn công mạng nhân kỳ bầu cử tổng thống Mỹ vừa qua.
Ông Le Drian thậm chí còn cho rằng nếu người Nga đã xen vào cuộc bầu cử Mỹ thì điều đó còn là một cuộc tấn công vào nền dân chủ phương Tây.
Bộ trưởng quốc phòng Pháp nhấn mạnh nước Pháp và các đảng phái của họ cũng sẽ đối mặt với không ít nguy cơ hơn so với người Mỹ.
Cũng theo ông Le Drian, nguy cơ bị hacker Nga tấn công còn rõ ràng hơn sau vụ tin tặc tấn công làm cho kênh truyền hình TV5 Monde của Pháp bị ngắt sóng năm 2015. Các nhà điều tra Pháp sau đó đã cáo buộc điện Kremlin đứng sau vụ tấn công này.
Thông tin bất lợi cho các ứng viên
Trong những diễn biến mới nhất liên quan tới quá trình bầu cử tại Pháp, trang web WikiLeaks, nơi từng tung ra nhiều thông tin bất lợi cho bà Hillary Clinton mùa bầu cử tổng thống Mỹ vừa qua, cũng chính là nơi đã tiếp tục cổ xúy cho những tài liệu bị rò rỉ bất lợi có liên quan tới ứng cử viên tổng thống đảng trung hữu François Fillon và ứng cử viên tổng thống đảng trung tả Emmanuel Macron.
Hãng tin Sputnik của Nga ngày 4-2 đã phát đi thông tin nói rằng ứng cử viên tổng thống kiêm cựu bộ trưởng kinh tế Pháp Macron có thể là một “điệp viên Mỹ” và nhiều khả năng sẽ có những động thái vận động hành lang, bảo vệ cho lợi ích của giới ngân hàng, tài chính của Mỹ ở Pháp.
Ông Macron đang nổi lên như một ứng cử viên tổng thống tiềm năng theo kết quả các cuộc thăm dò dư luận gần đây, và có vẻ như là ứng cử viên nhiều khả năng nhất có thể đánh bại bà Le Pen trong vòng bầu cử tổng thống thứ hai diễn ra tháng 5 năm nay.
Trước các nguy cơ tấn công mạng, Đảng Mặt trận quốc gia của bà Le Pen dường như không quá lo lắng.
Trao đổi với Tập đoàn truyền thông RTL của Pháp, phó chủ tịch đảng này Florian Philippot cho biết họ cũng trông chờ vào chính phủ trong việc bảo đảm an toàn cho cuộc bầu cử tổng thống.
Nếu nhìn nhận một cách công bằng hơn, có thể thấy trên thực tế không chỉ những thông tin bị cáo buộc do người Nga tung ra mới gây bất lợi cho các đối thủ của bà Le Pen.
Chính tuần báo Le Canard Enchaîné của Pháp cũng là nơi đã công khai thông tin ông François Fillon từng dùng tiền ngân sách nhà nước để trả lương cho vợ và các con ông tới gần 1 triệu euro với các vị trí trợ lý trong quốc hội.
Mối quan hệ giữa Paris và Matxcơva thời gian qua tồi tệ đi nhiều kể từ sau khi Nga sáp nhập Crimea vào lãnh thổ nước này năm 2014 và vì vai trò của Nga trong cuộc xung đột tại Syria.
Tổng thống Pháp sắp mãn nhiệm François Hollande đã quyết định hủy bỏ hợp đồng bán các tàu chiến của Pháp cho Nga, đồng thời ông Hollande cũng là người đóng vai trò chủ chốt trong việc áp đặt các lệnh trừng phạt của phương Tây với Matxcơva.
Quan hệ với Nga là một vấn đề có tầm ảnh hưởng lớn trong cuộc bầu cử tổng thống Pháp nhiệm kỳ mới.
Cả ứng cử viên đảng trung tả François Fillon và ứng cử viên đảng cực hữu Le Pen đều muốn xây dựng quan hệ mới tích cực hơn với Matxcơva.
Nguy cơ tấn công mạng gia tăng Theo thông tin từ Bộ trưởng quốc phòng Pháp Le Drian, nước Pháp đang đối mặt với tình trạng gia tăng các vụ tấn công mạng. Theo đó, các mạng viễn thông, điện, nước, giao thông và truyền thông của nước này đều đang ở tình trạng đáng lo ngại. Do đó quân đội Pháp sẽ tăng gấp đôi lực lượng “chiến binh mạng” của họ, lên 2.600 người vào năm 2019, ngoài ra còn có thêm 600 chuyên gia máy tính hỗ trợ lực lượng chuyên trách này. |
ĐỖ DƯƠNG (Tuổi trẻ)