Sinh viên nghèo chật vật mưu sinh

Xã hội - Ngày đăng : 07:02, 12/02/2017

Vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, nhiều sinh viên vừa học vừa phải làm thêm với thu nhập bèo bọt để trang trải việc ăn ở, học hành.



Sinh viên làm thêm ở khu vui chơi "Thế giới trẻ thơ" (TP Hải Dương)

Vất vả

Ngay sau khi đỗ vào Khoa May, Trường Cao đẳng nghề Hải Dương, Đỗ Thị Lan Anh đã mau chóng tìm việc để làm thêm. Trước đó em đã thi đỗ Trường Đại học Mỏ - Địa chất nhưng không đi học vì gia đình không đủ điều kiện. Lan Anh cho biết: “Chiều nào cũng vậy, cứ học xong là em về nhà tranh thủ ăn uống rồi ra bưng bê, rửa bát ở quán cơm hộp gần trường từ 5 giờ chiều - 10 giờ đêm. Việc học ở trường chủ yếu là thực hành, lại phải đi làm đến khuya nên em thấy khá mệt. Tuy vậy em vẫn phải cố gắng để đỡ gánh nặng cho gia đình ở quê. Công việc này cho em thu nhập đủ để ăn ở. Từ tháng thứ hai em lên thành phố, mỗi tháng bố mẹ em chỉ gửi từ 200.000-300.000 đồng tiền học”.

Tuy nhiên, không phải sinh viên nào đi làm thêm cũng có thể bám trụ được với công việc. Em Phạm Ngọc Nam, sinh viên năm thứ hai Khoa Hình ảnh, Trường Đại học Kỹ thuật y tế Hải Dương đã phải bỏ công việc làm thêm đầu tiên của mình vì quá vất vả. Năm đầu tiên đi học, vì thương bố mẹ là nông dân mà cùng lúc phải nuôi hai chị em học đại học nên Nam xin làm chạy bàn ở quán bia. “Ngày nào em cũng phải có mặt đúng 5 giờ chiều, làm đến 10 giờ tối mới được về. Có hôm em đi học đến 5 giờ chiều mới xong, không kịp nghỉ ngơi ăn uống, đến quán ngay nhưng vẫn bị muộn khoảng 10 phút nên bị chủ quán quát mắng thậm tệ. Công việc ở quán bia phải bưng bê, chạy đi chạy lại, dọn dẹp luôn chân luôn tay rất mệt. Có khi còn bị khách say rượu chửi mắng… Bụng thì đói, công việc đã vất vả còn bị cả chủ, cả khách mắng không tiếc lời". Cố chịu đựng được hơn 1 tháng, Nam buộc phải bỏ việc, còn bị chủ “quỵt” tiền công 1 tuần. Hiện nay Nam đang làm thêm tại một điểm vui chơi cho thiếu nhi ở TP Hải Dương. Công việc ở đây cũng khá vất vả, Nam phải chạy đi chạy lại thường xuyên, có lúc phải đứng dưới bể nước để bế các bé lên thuyền; rửa, cọ bể nước, kể cả vào những ngày trời rét; lau dọn khu vui chơi, nhà vệ sinh… "Tuy công việc vất vả nhưng người chủ ở đây thông cảm cho sinh viên về giờ giấc nên em thấy thoải mái hơn trước”, Nam cho biết.

Cũng như Nam, em Phạm Thị Thuý, sinh viên Khoa Điều dưỡng, Trường Đại học Kỹ thuật y tế Hải Dương cũng bị “quỵt” tiền khi đi làm thêm. Để có được công việc gia sư, Thuý đã tìm đến một trung tâm giới thiệu việc làm tại TP Hải Dương và nộp 400.000 đồng. Nhân viên trung tâm hứa sẽ tìm cho Thuý một công việc phù hợp theo nhu cầu. Tuy nhiên, do chỗ dạy ở quá xa nơi trọ nên sau 1 buổi dạy em đã đề nghị đổi nơi dạy khác. Chỗ dạy mới này vẫn xa, em tiếp tục đề nghị đổi tiếp thì nhân viên ở trung tâm không đổi, cũng không trả lại tiền. Vậy là Thúy mất 400.000 đồng và tiền công hai buổi dạy học. Không biết đòi bằng cách nào, Thuý đành ngậm ngùi chịu mất tiền.

Thu nhập thấp

Dù vất vả nhưng thu nhập mà các bạn sinh viên nhận được rất thấp. Em Phạm Văn Sơn, sinh viên năm nhất ở một trường cao đẳng tại TP Hải Dương, quê ở xã Quang Phục (Tứ Kỳ) cho biết: “Ngày nào em cũng đi làm từ 7 đến 11 giờ đêm nhưng chỉ được nhận 50.000 đồng/buổi. Dịp Tết vừa qua em đã phải làm thêm đến hết ngày 29 Tết, được chủ quán thưởng cho 250.000 đồng”. Bạn Nguyễn Thị Thu Hằng, sinh viên một trường đại học tại TP Hải Dương cho biết, em đang đi làm thêm với thu nhập 10.000 đồng/tiếng, trung bình mỗi tháng em nhận được từ 700.000 đồng đến 1 triệu đồng.

Nhiều sinh viên nghèo đi làm thêm như bưng bê, chạy bàn, phụ giúp quán chè, quán photocoppy... cũng chỉ nhận được mức thu nhập từ 10.000-15.000 đồng/tiếng. Những sinh viên đi làm gia sư sẽ có thu nhập trung bình từ 50.000-100.000 đồng/buổi nhưng không phải sinh viên nào cũng có thể dạy học hay tìm được công việc phù hợp.

Thầy Lương Xuân Điệp, Phó Bí thư Đoàn, Chủ tịch Hội Sinh viên Trường Cao Đẳng nghề Hải Dương cho biết: “Đi làm thêm sẽ giúp sinh viên có thêm thu nhập để trang trải cho việc học, nâng cao tính tự lập, biết được giá trị của sức lao động và có cái nhìn đúng đắn hơn về xã hội. Nhờ thế, nhiều sinh viên có hoàn cảnh khó khăn sớm trưởng thành. Tuy vậy các bạn sinh viên cần sắp xếp thời gian sao cho khoa học khi đi làm thêm để đủ thời gian học tập, nghỉ ngơi, bảo đảm kết quả học tập tốt nhất".

VIỆT QUỲNH